Viện trưởng VKSND tối cao giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm của Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản
Ngày đăng : 13:00, 09/11/2024
Dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều, cụ thể: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1); nguyên tắc thực hiện (Điều 2); các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3); hiệu lực thi hành (Điều 4); tổ chức thực hiện (Điều 5).
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. |
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3) bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết quy định 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: (1) Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; (2) Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; (3) Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; (4) Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; (5) Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, về cơ chế thu hồi tài sản; không trái với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. |
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia góp ý về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết; các nguyên tắc thực hiện thí điểm; quy định các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản và thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.
Cuối phiên thảo luận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.
Đại biểu Nguyễn Văn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.