VKSND tối cao phối hợp tổ chức tập huấn “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự”
Ngày đăng : 14:30, 08/11/2024
Chủ trì khóa tập huấn có TS. Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao; ông Hiroshi Suda, Công tố viên Nhật Bản, Quản lý chương trình tư pháp hình sự, UNODC Khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam.
Tham dự khóa tập huấn có ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA; PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao; các đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao: Nguyễn Đăng Thắng và Phan Hải Đăng; cùng tham dự tập huấn có các đồng chí là Kiểm sát viên Vụ 7 VKSND tối cao và Kiểm sát viên VKSND các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn.
TS. Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao; ông Hiroshi Suda, Công tố viên Nhật Bản, Quản lý chương trình tư pháp hình sự, UNODC Khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam chủ trì điều hành tập huấn. |
Phát biểu khai mạc khoá tập huấn, TS. Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao cho biết: Tranh tụng là hoạt động phản ánh xu hướng phát triển dân chủ và tiến bộ của tố tụng hình sự, đã được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu và được ghi nhận tại Điều 10 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc ngày 10/12/1948 với nội dung "Mọi người đều có quyền hoàn toàn ngang nhau được phát biểu bình đẳng và công khai trước Tòa án độc lập và không thiên vị, nơi quyết định các quyền và nghĩa vụ của mình hoặc về việc buộc tội mình có cơ sở trước Tòa".
Tại Việt Nam, thực hiện đúng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị là nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 về “Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa” với 10 yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, đồng thời xác định đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.
Đại biểu tham dự khóa tập huấn. |
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đổi mới tích cực, chất lượng hoạt động tranh tụng của các Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự trong thời gian qua đã được nâng lên đáng kể. Về cơ bản, các Kiểm sát viên đã hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần cùng Toà án làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, làm cho việc giải quyết các vụ án ngày càng có chất lượng tốt hơn, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra tình trạng oan, sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định trong hoạt động tranh tụng, có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ quan điểm truy tố.
Các chuyên gia truyền đạt nội dung các chuyên đề trong buổi tập huấn: PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao; Ông Hiroshi Suda, Công tố viên Nhật Bản, Quản lý chương trình tư pháp hình sự, UNODC Khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương. |
Đồng tình với ý kiến của TS. Lại Viết Quang, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, UNODC đã và đang phối hợp với các cơ quan Nhà nước Việt Nam trong đó có VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc hỗ trợ công tác xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách cũng như các chương trình tập huấn, đào tạo nhằm phòng ngừa và xử lý tội phạm hiệu quả.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh mong muốn và tin tưởng, với tinh thần nỗ lực cao nhất, các đại biểu tham gia tập huấn sẵn sàng chia sẻ các ý kiến, kinh nghiệm của mình để đóng góp tích cực vào công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát, đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan nguời vô tội; bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia tham dự tập huấn đánh giá cao tinh thần học hỏi nghiêm túc và sôi nổi của các đại biểu; nội dung tập huấn bám sát thực tiễn công tác, rất hữu ích cho các Kiểm sát viên trong thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; đồng thời giúp nâng cao nhận thức, lý luận và kỹ năng tranh tụng trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. |
Khóa tập huấn tập trung vào các nội dung: Giới thiệu chung về quá trình tố tụng của Việt Nam; những khó khăn, vướng mắc của Kiểm sát viên trong công tác tranh tụng; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tham gia phiên tòa hình sự; phương pháp trình bày thuyết phục; kỹ năng tranh luận, đối đáp tại phiên toà; kỹ năng, phương pháp lấy lời khai nguời làm chứng; kinh nghiệm trong việc sử dụng, trình bày chứng cứ điện tử trong tranh tụng tại phiên toà; những khó khăn, vướng mắc thường gặp trong việc phát hiện, thu thập, đánh giá, củng cố và sử dụng chứng cứ điện tử và phương pháp giải quyết.
Ngoài ra, trong thời gian tập huấn, đại biểu đã tham gia thảo luận và được các chuyên gia trả lời những vướng mắc, trao đổi những bài học kinh nghiệm và các giải pháp để áp dụng trong thực tiễn.
Kết thúc buổi tập huấn, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận hoàn thành khoá tập huấn cho các đại biểu tham dự. |