VKSND huyện Bình Giang phối hợp tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm vụ án dân sự tranh chấp chia di sản thừa kế
Ngày đăng : 09:05, 01/11/2024
Tham dự phiên toà có đại diện Phòng 9 VKSND tỉnh, Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Chuyên viên VKSND huyện Bình Giang và đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên của VKSND các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện. |
Nội dung vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Vũ Thị C (sinh năm 1959) và bị đơn là ông Vũ Đình T (sinh năm 1972) đều trú tại thôn Bằng Trai, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương như sau:
Cụ Vũ Đình S (mất năm 1987) và cụ Vũ Thị Tr (mất năm 2014) sinh được 4 người con là bà Vũ Thị C, bà Vũ Thị Kim Ch, bà Vũ Thị Th và ông Vũ Đình T (cụ S và cụ Tr không có con nuôi và con riêng). Khi cụ S còn sống, theo bản đồ địa chính 299 gia đình cụ S và cụ Tr đã sử dụng 2 thửa đất số 428 diện tích 309m2 và thửa 449 diện tích 28m2 ở thôn Bằng Trai, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang (nguồn gốc do ông bà tổ tiên để lại), nhưng do chính sách đất đai thời điểm đó nên cụ S và cụ Tr chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ). Trên thửa đất số 428 có ngôi nhà cấp 4 do gia đình cụ S xây dựng từ năm 1982. Năm 1987 cụ S mất không để lại di chúc.
Ngày 27/12/1996, cụ Vũ Thị Tr được Chủ tịch UBND huyện Cẩm Bình cấp GCNQSDĐ số E0412528 đối với 2 thửa đất mà gia đình sử dụng từ khi cụ S còn sống như nêu trên nhưng có sự thay đổi về số thửa và diện tích của thửa đất, cụ thể: Thửa đất số 220, tờ bản đồ số 01 xã Vĩnh Hồng, có diện tích 284m2 đất ở lâu dài (gọi tắt là thửa đất số 220); Thửa đất số 232, tờ bản đồ số 01 xã Vĩnh Hồng, có diện tích 46m2 đất ở trồng cây lâu năm (gọi tắt là thửa đất số 232).
Sau khi cụ S mất, bà C, bà Ch, bà Th đi lấy chồng, cụ Tr ở cùng gia đình người con trai út là ông Vũ Đình T trên 2 thửa đất nêu trên. Ngày 20/3/2011, cụ Tr lập văn bản đề là “Giấy chuyển quyền sử dụng đất ở” có nội dung thể hiện cụ Tr chuyển quyền sử dụng diện tích 330m2 của 2 thửa đất 220 và 232 cho ông T sử dụng lâu dài (có xác nhận của Trưởng thôn, cán bộ địa chính và Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hồng). Khi biết cụ Tr làm giấy chuyển quyền sử dụng đất cho ông T, bà C, bà Ch, bà Th phản đối nên ông T không làm thủ tục theo quy định để chuyển quyền sử dụng đất từ cụ Tr sang tên ông. Năm 2014, cụ Tr mất, sau khi cụ Tr mất ông T và gia đình tiếp tục quản lý và sử dụng 2 thửa đất 220 và 232. Đến khoảng năm 2022, ông T phá dỡ ngôi nhà cấp 4 xây năm 1982 trên thửa đất số 220 để xây nhà mới lúc này các bà C, bà Ch, bà Th không đồng ý.
Ngày 09/3/2023, bà C nộp đơn khởi kiện và các tài liệu có liên quan yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cụ S và cụ Tr là 2 thửa đất số 220 và 232 và yêu cầu tuyên bố Giấy chuyển quyền sử dụng đất giữa cụ Tr và ông T vô hiệu. Đề nghị phân chia cho bà C, bà Ch và bà Th mỗi người được hưởng ¼ di sản thừa kế, tạm tính theo giá trị là 150.000.000 đồng, bà Ch, bà Th đề nghị hợp nhất di sản của mình với di sản của bà C để xây dựng lại nhà thờ cho cụ S và vụ Tr.
Ông T không đồng ý vì toàn bộ quyền sử dụng 2 thửa đất số 220 và 232 ông đã được cụ Tr chuyển giao, ông là người chăm sóc phụng dưỡng, thờ tự ông bà tô tiên, ông không đồng ý yêu cầu chia thừa kế của các bà C, bà Th, bà Ch, ông T đề nghị xem xét thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phân chia di sản của vụ S.
Quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đã nghiên cứu hồ sơ, xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ án, đề cương hỏi và dự thảo bài phát biểu đầy đủ. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia hỏi làm rõ các nội dung trong vụ án và trình bày ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án dân sự trên theo chỉ đạo của lãnh đạo Viện.
Sau phiên toà, đơn vị đã tổ chức họp đánh giá kết quả, các đơn vị tham dự phiên toà đã đóng góp ý kiến nhằm chỉ ra các ưu, nhược điểm của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên toà, qua đó rút kinh nghiệm chung nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm đồng thời khắc phục những hạn chế để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự.