Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 20/2024

Ngày đăng : 14:30, 24/10/2024

(Kiemsat.vn) - Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới các đồng chí và quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 20/2024, phát hành ngày 20/10/2024, với các nội dung chính sau đây:

Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 20/2024:

Bài viết: Một số vấn đề lý luận về lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước ở Việt Nam. Tác giả: GS.TS. Võ Khánh Vinh.

Bài viết: Về Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Chí Hiếu - Lâm Vĩ Khang.

Bài viết: Vướng mắc trong quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong tố tụng hành chính. Tác giả: ThS. Lê Thị Mơ.

Bài viết: Một số bất cập từ thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Tác giả: Nguyễn Thị Chúc.

Bài viết: Vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép thuốc pháo nổ. Nhóm tác giả: Nguyễn Thành Dương và Vũ Văn Tùng.

Trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI, bài viết “Một số vấn đề lý luận về lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước ở Việt Nam” của GS.TS Võ Khánh Vinh bàn một cách khái quát về việc lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể, nguồn lực và động lực phát triển đất nước ở Việt Nam, bao gồm: Tiếp cận đến việc lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; con người Việt Nam trong mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Pháp luật tố tụng hình sự là một trong những công cụ hữu hiệu để bảo vệ và bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị buộc tội trong nền tư pháp công bằng, nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền. Trên cơ sở phân tích, đánh giá quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, so sánh với quy định của pháp luật nhân quyền quốc tế về bảo vệ, bảo đảm quyền con người; tác giả Lê Huỳnh Tấn Duy đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự trong thời gian tới, trong bài viết “Bảo vệ, bảo đảm quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự trong nền tư pháp công bằng, văn minh”.

Thực tiễn áp dụng pháp luật thi hành án dân sự đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; nhiều quy định chưa cụ thể, chưa thống nhất, dẫn đến việc thi hành án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự và gây khó khăn cho hoạt động kiểm sát. Do đó, đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Đó là nội dung bài viết “Một số bất cập từ thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự” của tác giả Nguyễn Thị Chúc, trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT.

Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước, các vụ việc chế tạo, tàng trữ trái phép thuốc pháo nổ; sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ tăng cao gây mất an ninh trật tự. Trong bài viếtVướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép thuốc pháo nổ”, trên chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM, các tác giả Nguyễn Thành Dương, Vũ Văn Tùng nêu một vụ án xảy ra trên thực tiễn còn nhiều quan điểm trái chiều về hướng xử lý và định tội danh; từ đó, kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép thuốc pháo nổ về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ theo Điều 305 BLHS năm 2015.

Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 20/2024 còn có một số bài viết như: “Về Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” của các tác giả Nguyễn Chí Hiếu, Lâm Vĩ Khanh; “Vướng mắc trong quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong tố tụng hành chính” của tác giả Lê Thị Mơ; “Góp ý về Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc” của tác giả Liên Đăng Phước Hải; “Pháp luật Indonesia, Malaysia về bảo vệ quyền của nạn nhân của tội phạm mua bán người - kinh nghiệm cho Việt Nam” của tác giả Bùi Thị Ngọc Lan...

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

 

Cẩm Thi