Liên ngành VKSND và TAND TP. Hà Nội: Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thủ đô

Ngày đăng : 16:46, 10/10/2024

(Kiemsat.vn) - Ngày 10/10/2024, liên ngành VKSND và TAND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH/VKS-TA ngày 11/5/2023 trong công tác giải quyết án hành chính (Quy chế số 01).

Đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKND TP Hà Nội và đồng chí Nguyễn Xuân Kỳ, Chánh án TAND TP Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Kim Sáu, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của TP Hà Nội: Ban Nội chính Thành ủy; Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân; Sở Tư pháp TP Hà Nội;...

Đồng chí Ngô Hồng Sơn, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ngày 11/5/2023, VKSND và TAND thành phố Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH/VKS-TA trên cơ sở thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính. Trên cơ sở các nội dung phối hợp được nêu trong Quy chế số 01, lãnh đạo hai ngành đã thường xuyên trao đổi những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, theo dõi chặt chẽ các vụ án và có hướng chỉ đạo kịp thời. Đồng thời chỉ ra những vi phạm, tồn tại thiếu sót để kịp thời khắc phục, qua đó, đảm bảo công tác thụ lý, giải quyết án hành chính đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục pháp luật, hạn chế tình trạng án hủy, án sửa có lỗi của hai ngành.

Cùng với đó, Kiểm sát viên và Thẩm phán được phân công đã tăng cường phối hợp, chủ động trao đổi thông tin, báo cáo lãnh đạo liên ngành, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo việc giải quyết án có chất lượng, hiệu quả; hạn chế khiếu kiện vượt cấp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tham luận của các đại biểu tại Hội nghị đã chỉ ra một số tồn tại; đồng thời phân tích và đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, qua 01 năm triển khai thực hiện, Quy chế số 01 giữa VKSND và TAND thành phố Hà Nội trong công tác giải quyết các vụ án hành chính đã tạo điều kiện để các cơ quan liên ngành thực thi nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội cho biết, qua 01 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác giải quyết án hành chính; công tác phối hợp giữa hai ngành ngày càng gắn bó chặt chẽ, thể hiện rõ nét trong việc xác định giải quyết các vụ án phức tạp, án được dư luận xã hội quan tâm; tỷ lệ giải quyết đã tăng cao so với cùng kỳ khi chưa có Quy chế; số phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến đã được quan tâm chú trọng đảm bảo chất lượng, hiệu quả; chất lượng công tác kiểm sát, công tác xét xử án hành chính ngày càng chuyển biến tích cực, rõ nét, phục vụ tốt nhiệm vụ yêu cầu chính trị của Ngành và Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội phát biểu kết luận Hội nghị.

Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới hai ngành cần tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp để giải quyết, phát huy hiệu quả giải quyết các vụ việc, vụ án hành chính mà Tòa án thụ lý giải quyết.

Để tiếp tục phát huy nhũng kết quả đã đạt được; đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo hai ngành tư pháp thành phố Hà Nội, Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường đề nghị, VKSND và Tòa án hai cấp thành phố Hà Nội cần tập trung phối hợp đẩy nhanh giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là những những vụ án còn tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử, công tác kiểm sát xét xử nhằm đảm bảo việc giải quyết án hành chính đúng quy định của pháp luật; các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân phải được tôn trọng, bảo vệ; hạn chế đến mức thấp nhất án hành chính bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giải quyết án hành chính; quan tâm đến việc thông báo rút kinh nghiệm thông qua các vụ án cải, hủy, sửa để rút kinh nghiệm chung.  

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Trịnh Quyết