Sử dụng giá trị “hàm Băm” trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự
Ngày đăng : 10:48, 09/10/2024
Sử dụng hàm Băm và giá trị hàm Băm rất có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hình sự khi thu thập, bảo quản, sử dụng, đánh giá các chứng cứ điện tử từ nguồn dữ liệu điện tử. Đối với Kiểm sát viên, việc sử dụng hàm Băm và giá trị hàm Băm sẽ giúp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự đạt hiệu quả cao hơn. Bài viết đưa ra khái niệm, phân tích ý nghĩa của hàm Băm, đồng thời chỉ ra nguyên tắc khi sử dụng hàm Băm, những hạn chế của quy định tố tụng hiện hành, từ đó có những kiến giải khoa học nhằm hoàn thiện một số quy định của tố tụng hình sự và nâng cao chất lượng của việc sử dụng hàm Băm và giá trị hàm Băm đối với Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ.
1. Hàm Băm và ý nghĩa của việc sử dụng giá trị “Băm” để chứng minh tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử khi giải quyết vụ án hình sự
1.1. Khái niệm “Hàm Băm” và “Giá trị Băm”
Hàm Băm tiếng Anh là “Hash function”, đây là một thuật toán có tác dụng mã hóa dữ liệu đầu vào của một khối dữ liệu điện tử nhất định (một file hoặc nhiều file) thành một một chuỗi ký tự bao gồm các chữ số và chữ cái sắp xếp một cách ngẫu nhiên liền nhau thường được gọi là “mã Băm”, “thông điệp Băm” và phổ biến nhất là “giá trị Băm”. Thông thường, giá trị Băm là một chuỗi ký tự đóng vai trò như một khóa số để phân biệt giữa các khối dữ liệu có nội dung khác nhau vì độ trùng lặp của giá trị Băm giữa các khối dữ liệu này là gần như không thể. Sở dĩ như vậy là vì tính chất cơ bản của giá trị hàm Băm là tính một chiều. Giá trị hàm Băm trên thực tế không thể suy ngược. Nghĩa là, nếu có một giá trị Băm đầu ra, sẽ không thể suy ngược lại được giá trị đầu vào của một khối dữ liệu điện tử đã được “Băm” ra một giá trị Băm như vậy, hoặc ít nhất là rất khó suy luận được ra, trừ khi vét cạn hết toàn bộ các khả năng có thể của giá trị Băm đầu vào.
Ví dụ: Khi tải một video trên Youtube về, sau đó cho chạy qua phần mềm xác định giá trị hàm Băm có tên MD5, máy tính sẽ trả về kết quả với giá trị Băm là một chuỗi 32 ký tự. Tương tự, khi tải một bức ảnh, đoạn video, file ghi âm, một phần mềm... trên mạng về, cho chạy qua hàm phần mềm xác định giá trị Băm MD5, cũng nhận được một chuỗi 32 ký tự dạng sau: “1f3870be274f 6c49b3e31a0c6728957f”. Những thuật toán kiểu xác định giá trị Băm khác như SHA-1, SHA-2 cũng có nguyên lý hoạt động tương tự như vậy, khi cho bất kỳ khối dữ liệu điện tử nào vào xác định giá trị hàm Băm, đầu ra sẽ luôn là một chuỗi ký tự gồm chữ số, chữ viết ngẫu nhiên có độ dài tương ứng với kiểu hàm Băm đó.
Với ý nghĩa là một thuật toán giúp xác định “giá trị Băm” của một khối dữ liệu điện tử, với tính chất các khối dữ liệu được copy sẽ luôn có cùng một giá trị hàm Băm, nhưng cùng một khối dữ liệu điện tử hoặc khối dữ liệu điện tử được copy khi xác định bằng một kiểu “Hàm” khác nhau sẽ cho ra giá trị Băm khác nhau. Hiện nay có một số kiểu “Hàm” xác định giá trị Băm phổ biến như: MD5, SHA-1, SHA-2... Trong đó, MD5 là hàm Băm được Ronald Rivest thiết kế vào năm 1991 để thay thế hàm băm MD4 trước đó và được đưa thành tiêu chuẩn vào năm 1992 trong RFC 1321. MD5 tạo ra một bản tóm tắt có kích thước 128 bit (16 byte); SHA-1, viết tắt của “Secure Hash Algorithm”, là hàm Băm được phát triển như một phần trong dự án Capstone của Chính phủ Hoa Kỳ. Phiên bản đầu tiên, thường được gọi là SHA-0 được xuất bản năm 1993 với tiêu đề Secure Hash Standard, FIPS PUB 180, bởi NIST (Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ); SHA-2 là hàm Băm được thiết kế bởi Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), xuất bản lần đầu tiên vào năm 2001. Chúng được xây dựng bằng cấu trúc Merkle-Damgard, chức năng nén một chiều của nó được xây dựng bằng cấu trúc Davies-Meyer từ một hệ mật mã khối chuyên dụng.
Hiện nay, để xác định giá trị Băm có nhiều phần mềm khác nhau được viết bởi các nhà lập trình như: hashtool.exe, checksumCalculatator.exe... Khi sử dụng các phần mềm này để xác định giá trị Băm, người sử dụng chỉ cần chạy phần mềm, một bảng lựa chọn sẽ hiển thị trên màn hình máy tính (thiết bị điện tử), khi đó người sử dụng chỉ việc mở đường dẫn tới file dữ liệu điện tử cần xác định giá trị hàm Băm, chọn kiểu hàm Băm và ấn nút lựa chọn, lúc đó máy tính sẽ tự động tính toán và cho ra kết quả giá trị Băm và hiển thị trên màn hình.
1.2. Ý nghĩa của việc sử dụng giá trị “Băm” để chứng minh tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử khi giải quyết vụ án hình sự
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự luôn phải sử dụng chứng cứ để xác định sự thật khách quan về vụ án và đưa ra nhận định của mình, là cơ sở cho việc thực hiện những hành vi và đưa ra những quyết định tố tụng chính xác, toàn diện và đúng quy định. Nói cách khác, chứng cứ luôn đóng vai trò quan trọng, quyết định có thành công hay không đối với việc buộc tội, gỡ tội, kết tội và tranh tụng.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, khái niệm “chứng cứ” là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Điều đó cũng có nghĩa, trong quá trình giải quyết vụ án, các chủ thể tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ từ các nguồn chứng cứ tập hợp thành hồ sơ vụ án để làm căn cứ nhận thức về sự thật khách quan liên quan đến hành vi phạm tội đã xảy ra trong quá khứ và từ đó có những hành vi, quyết định tố tụng phù hợp với quy định của pháp luật. Cũng có thể hiểu “những gì có thật” là bản chất của chứng cứ, được những người tiến hành, tham gia tố tụng nhận thức thông qua các thông tin phản ánh từ các tài liệu, vật chứng, dữ liệu điện tử có trong hồ sơ hoặc quá trình giải quyết vụ án. Để dễ hình dung về chứng cứ, có thể hiểu chứng cứ chính là những thông tin được thể hiện dưới dạng một thông điệp cụ thể mà con người có thể nhận biết được như: Chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự, được ghi nhận, thu thập thành hồ sơ vụ việc, vụ án hình sự theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính khách quan, liên quan đến hành vi phạm tội trong quá khứ đang được các chủ thể tố tụng xem xét, đánh giá và sử dụng để giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án hình sự.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015 thì dữ liệu điện tử là một trong bảy nguồn chứng cứ. Điều đó có nghĩa, các chủ thể tố tụng có thể khai thác chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử. Mặc dù cho đến nay chưa có văn bản tố tụng hình sự nào sử dụng thuật ngữ “chứng cứ điện tử” nhưng trong thực tiễn đời sống xã hội và khoa học pháp lý thì thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến, với ý nghĩa là chứng cứ được khai thác từ nguồn dữ liệu điện tử, thuật ngữ này cũng được sử dụng phổ biến trong các văn bản luật quốc tế, cũng như nhiều quốc gia khác nhau cụ thể với các từ tiếng Anh: “Electronic evidence” có nghĩa là chứng cứ điện tử và “Digital evidence” có nghĩa là chứng cứ điện tử kỹ thuật số.
Mặc dù là một trong số nguồn chứng cứ, nhưng dữ liệu điện tử có đặc trưng riêng so với các nguồn chứng khác ở chỗ các thông điệp truyền tài thông tin như chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự hoặc dạng tương tự khác từ nguồn dữ liệu điện tử, các giác quan của con người không nhận biết được ở trạng thái tự nhiên, mà nó chỉ có thể chuyển hóa và hiển thị giúp giác quan con người nhận biết được khi có đủ ba yếu tố gồm: Thiết bị điện tử tương thích, phần mềm phù hợp và người có trình độ, hiểu biết sử dụng thiết bị điện tử và phần mềm được cài đặt trong thiết bị điện tử đó. Điều này có nghĩa, mặc dù có dữ liệu điện tử nhưng thiếu một trong ba yếu tố trên thì giác quan của con người cũng không nhận biết được thông tin do dữ liệu điện tử mang lại và không thể nào có chứng cứ sử dụng trong giải quyết vụ án hình sự.
Một điều cũng đặc biệt chú ý là khi có dữ liệu điện tử có thể chuyển hóa được thành thông điệp điện tử có khả năng truyền tải thông tin dưới dạng chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự hoặc dạng tương tự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, không có nghĩa là đã có chứng cứ điện tử, mà chứng cứ điện tử chỉ có khi các thông điệp điện tử có khả năng truyền tải thông tin này phản ánh đúng hiện thực khách quan, liên quan đến vụ án hình sự và được thu thập, chuyển hóa một cách hợp pháp trong quá trình tố tụng. Đồng thời, không bị thay đổi, can thiệp, điều chỉnh nội dung bên trong, tức dữ liệu điện tử được bảo toàn trong suốt quá trình tố tụng.
Chứng minh thuộc tính toàn vẹn hay không toàn vẹn của dữ liệu điện tử là việc làm đầu tiên của các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi khai thác, đánh giá và sử dụng chứng cứ điện tử để giải quyết vụ án. Trong đó, Kiểm sát viên cũng phải thực hiện việc này khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự. Do vậy, việc khai thác, sử dụng hàm Băm và giá trị hàm Băm sẽ trở thành một công cụ quan trọng, hữu hiệu khi Kiểm sát viên biết khai thác các yếu tố sau:
- Dữ liệu điện tử có thuộc tính copy và bản copy có chất lượng truyền tải thông tin giống y bản gốc; dữ liệu điện tử khi bị xóa có thể khôi phục lại mang thông điệp truyền tải thông tin như dữ liệu trước khi bị xóa.
- Khi đổi tên khối dữ liệu điện tử nhưng không can thiệp vào nội dung bên trong của dữ liệu điện tử, tức không điều chỉnh, cắt, ghép, chỉnh sửa, thay đổi nội dung thì giá trị hàm Băm sẽ không thay đổi nếu được xác định bởi cùng một kiểu hàm Băm.
- Bất cứ một thay đổi nào bên trong nội dung khối dữ liệu điện tử so với ban đầu dù là nhỏ nhất như: Cắt, ghép, chỉnh sửa, thay đổi nội dung… thì giá trị hàm Băm sẽ luôn biến đổi.
- Khi có thay đổi nội dung bên trong của khối dữ liệu điện tử so với ban đầu, mặc dù sau đó lại điều chỉnh lại như ban đầu thì giá trị hàm Băm của khối dữ liệu điện tử cuối cùng này luôn khác giá trị hàm Băm của khối dữ liệu gốc và khối dữ liệu bị biến đổi lần đầu.
2. Việc sử dụng giá trị “Băm” của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự và nguyên tắc cần chú ý
2.1. Việc sử dụng giá trị “Băm” của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự
Trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, nếu người tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp dữ liệu điện tử dưới dạng bản ghi âm, ghi hình có âm thanh hoặc bất cứ dữ liệu điện tử nào có ý nghĩa trong việc giải quyết nguồn tin. Để tránh việc sau này họ đưa ra nhận định rằng các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sau khi tiếp nhận dữ liệu điện tử đã can thiệp, thay đổi so với dữ liệu ban đầu thì Kiểm sát viên nên phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị hàm Băm của dữ liệu điện tử đó và thể hiện trong biên bản thu giữ làm căn cứ để đối chiếu, chứng minh tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử khi cần thiết.
Thông qua kết quả giám định, chứng minh được dữ liệu điện tử có sự cắt, ghép, chỉnh sửa, không còn toàn vẹn… nhưng giá trị hàm Băm được xác định khi thu giữ đồng nhất với giá trị hàm Băm của các dữ liệu cơ quan tố tụng đang quản lý sẽ cho phép kết luận các dữ liệu này đã bị can thiệp trước khi giao nộp cho cơ quan tố tụng. Đây là cơ sở giúp xem xét, đánh giá trách nhiệm của người giao nộp, khởi tạo dữ liệu điện tử này. Mặt khác, nếu giá trị hàm Băm đã thay đổi thì cần xem xét, truy cứu trách nhiệm của người quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu điện tử và không thể sử dụng để giải quyết vụ việc, vụ án hình sự nữa nếu không chứng minh được lý do bị thay đổi.
Trong giai đoạn giải quyết nguồn tin, giai đoạn điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sử dụng nhiều biện pháp điều tra để tạo ra dữ liệu điện tử có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án như: Hỏi cung bị can, lấy lời khai được ghi âm, ghi hình có âm thanh; đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, khám xét, áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt (kiểm tra dữ liệu điện tử bí mật; nghe điện thoại bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật)... nếu được xác định giá trị hàm Băm thì khi sử dụng xem xét, đánh giá chứng cứ điện tử để buộc tội, tranh tụng Kiểm sát viên sẽ luôn chứng minh được tính toàn vẹn như khi nó hình thành, từ đó thuyết phục được Hội đồng xét xử, bảo vệ được quan điểm truy tố và tự tin trong tranh tụng.
Khi đã xác định được giá trị hàm Băm và được ghi nhận trong các văn bản tố tụng thì không cần thiết phải niêm phong các thiết bị, phương tiện điện tử nữa, đồng thời, dễ dàng kiểm tra chứng cứ điện tử mà không cần thiết phải có đầy đủ thành phần như cách truyền thống hiện nay (phải niêm phong thiết bị, phương tiện điện tử có chứa, đựng dữ liệu điện tử).
Nếu như hiện nay, khi sử dụng chứng cứ điện tử nhiều Kiểm sát viên phải in các thông điệp điện tử mang thông tin ra bản giấy, trên đó có chữ ký của những người liên quan để đưa vào hồ sơ vụ án, trình chiếu bản scan hoặc ảnh chụp chứng cứ này tại phiên tòa thì khi biết cách xác định giá trị hàm Băm để chứng minh tính toàn vẹn của chứng cứ điện tử, Kiểm sát viên có thể trình chiếu cả khối dữ liệu điện tử mà không cần in ra giấy hoặc chụp ảnh, điều này giúp tiết kiệm công sức và chi phí tố tụng.
Sử dụng giá trị “Hàm Băm” khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự sẽ giúp Kiểm sát viên phát hiện được việc các chủ thể tố tụng khác trực tiếp quản lý chứng cứ điện tử có làm sai lệch hồ sơ vụ án bằng việc thay đổi dữ liệu điện tử so với khi thu giữ hay không thông qua việc đối chiếu giá trị hàm Băm có đổi hay không.
Đối với những phiên tòa được xét xử trực tuyến hoặc xét hỏi người tham gia tố tụng một cách trực tuyến thông qua kết nối thiết bị điện tử từ phòng xét xử với nơi người được xét hỏi trình bày (người được xét hỏi ở nước ngoài nên được kết nối thông qua thủ tục tương trợ tư pháp, lấy lời khai của người ở phòng cách ly, lấy lời khai trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng không phải triệu tập đến phiên tòa...). Các dữ liệu điện tử ghi lại diễn biến nếu được xác định giá trị hàm Băm sẽ chứng minh được sự khách quan, đầy đủ về phiên tòa khi cần xem xét, đánh giá kết quả xét xử.
2.2. Một số chú ý đối với Kiểm sát viên khi sử dụng giá trị “Băm”
Để ứng dụng, khai thác hàm Băm và giá trị hàm Băm có hiệu quả, chúng tôi cho rằng, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần chú ý một số nội dung sau:
- Không được thay đổi các thiết bị và dữ liệu kỹ thuật số, dù là phần cứng hay phần mềm, luôn phải duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử và quy trình bảo quản chứng cứ trong suốt quá trình tố tụng. Khi trình chiếu chứng cứ điện tử phải sử dụng thiết bị, phương tiện điện tử tương thích, phần mềm thích hợp và do người có hiểu biết, khả năng sử dụng thực hiện.
- Mọi trường hợp thu giữ dữ liệu điện tử phải được xác định giá trị hàm Băm, lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Dữ liệu điện tử thu giữ phải được sao lưu thành nhiều bản để bảo quản, khai thác, sử dụng đúng cách nhằm tránh bị virus, hư hỏng.
- Các thông tin trong thông điệp dữ liệu điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử.
- Thông tin trong thông điệp dữ liệu điện tử được xem là toàn vẹn khi thông tin đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu do những chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng thực hiện.
- Giá trị chứng minh của chứng cứ điện tử được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu điện tử; cách thức duy trì tính toàn vẹn của thông điệp và cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu điện tử, cũng như các yếu tố phù hợp khác.
- Thông điệp dữ liệu điện tử có thể được chuyển đổi từ văn bản giấy nhưng phải đáp ứng đủ các yêu cầu như: Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy; thông tin trong thông điệp dữ liệu điện tử có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; được chuyển đổi từ hệ thống trang thiết bị phục có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang dữ liệu điện tử theo đúng quy trình.
- Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu điện tử phải đáp ứng đủ các yêu cầu như: Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu điện tử; có xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng.
- Chứng cứ điện tử khai thác từ nguồn dữ liệu điện tử phải có khả năng khiến bất cứ một người bình thường nào đều nhận thức được bằng các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác. Đồng thời, sau khi nhận thức được thì chủ thể đã nhận thức có thể chỉ ra cho các chủ thể khác cùng nhận thức một cách thống nhất. Về mặt hình thức, chứng cứ điện tử phải được biểu hiện, thể hiện bằng những thông điệp giao tiếp mà một người người bình thường có thể nhận biết được, gồm: Chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự. Tất cả những yếu tố chỉ một chủ thể hoặc một số chủ thể đặc biệt mới có khả năng nhận thức được hoặc không thể chuyển tải dưới dạng thông điệp giao tiếp thông thường thì không phải là chứng cứ.
- Dữ liệu điện tử xác định giá trị hàm Băm mà Kiểm sát viên khai thác chứng cứ điện tử trong các giai đoạn của tố tụng phải luôn đảm bảo có ba thuộc tính khách quan, liên quan và hợp pháp. Cụ thể:
+ Dữ liệu điện tử có thể khai thác được chứng cứ điện tử phải phản ánh đúng bản chất về sự vật, hiện tượng như nó vốn có. Mọi thông tin mặc dù được thể hiện dưới một dạng thông điệp điện tử cụ thể nhưng được hình thành theo ý chủ quan không phản ánh đúng với bản chất của sự kiện phạm tội xảy ra trong quá khứ thì đều không trở thành chứng cứ điện tử.
+ Dữ liệu điện tử phải có khả năng khai thác những thông tin liên quan đến vụ việc, vụ án hình sự mà các chủ thể tố tụng đang xem xét, giải quyết và có ý nghĩa trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự đó, tức là có khả năng làm sáng tỏ những vấn đề cần phải chứng minh, các yếu tố cấu thành tội phạm.
+ Dữ liệu điện tử phải đảm được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định.
- Khi xác định giá trị hàm Băm trong tố tụng hình sự, Kiểm sát viên cũng cần chú ý phải sử dụng phần mềm uy tín, được quốc tế thừa nhận và có bản quyền.
- Kiểm sát viên phải đảm bảo sự đồng nhất giữa loại hàm Băm dùng để xác định giá trị Băm khi thu giữ dữ liệu điện tử với loại hàm Băm để xác định giá trị Băm được xem xét để chứng minh tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử. Ví dụ: Khi thu giữ dữ liệu điện tử nếu sử dụng loại hàm Băm MD5 để xác định giá trị Băm thì khi xem xét hoặc so sánh cũng phải sử dụng cùng loại hàm Băm MD5 mà không thể sử dụng các loại hàm Băm loại SHA-1 hoặc SHA-2.
- Khi thu giữ dữ liệu điện tử trong quá trình tố tụng, không chỉ copy hay trích xuất dữ liệu lưu trữ vào các thiết bị, phương tiện điện tử có khả năng chứa, đựng mà còn phải lập biên bản để ghi nhận giá trị Băm giúp Kiểm sát viên chứng minh sự đồng nhất của giá trị hàm Băm hay tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử được sử dụng trong buộc tội, tranh tụng, kiểm sát so với thời điểm thu giữ.
3. Một số kiến giải
3.1. Trong việc hoàn thiện pháp luật
Để đảm bảo tính đồng bộ giữa văn bản tố tụng hình sự Việt Nam và các văn bản pháp luật quốc tế, từng bước nội luật hóa các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, cũng như thuận lợi trong việc thực hiện tương trợ tư pháp, đặc biệt là việc chuyển giao dữ liệu điện tử hoặc sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ có sử dụng thiết bị điện tử, phương tiện điện tử thì khi sửa đổi BLTTHS cần được bổ sung khái niệm “Chứng cứ điện tử” với ý nghĩa là chứng cứ được thu thập từ nguồn dữ liệu điện tử và “Chứng cứ điện tử kỹ thuật số” là loại chứng cứ điện tử đặc biệt được hình thành, khởi tạo từ các thiết bị, phương tiện điện tử kỹ thuật số.
Điều 99 BLTTHS năm 2015 quy định: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử” và xác định những nơi có thể thu thập dữ liệu điện tử “Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác”. Quy định như vậy còn hạn chế, chưa đảm bảo tính khoa học bởi đã đồng nhất giữa dữ liệu điện tử và thông điệp truyền tải thông tin điện tử có nguồn gốc từ dữ liệu điện tử (ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự), nên khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 cũng cần quy định rõ ràng hơn đó là: Nên quy định “Dữ liệu điện tử” là hệ thống tín hiệu điện tử được các thiết bị điện tử, phương tiện điện tử hình thành có khả năng chuyển hóa thành thông điệp điện tử và “Thông điệp điện tử” là thông điệp truyền tải thông tin thể hiện thông qua chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự hoặc dạng tương tự khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hình sự được khai thác, chuyển hóa từ nguồn dữ liệu điện tử.
Để thu thập dữ liệu điện tử, sử dụng cho việc chứng minh trong tố tụng hình sự, Điều 107 BLTTHS năm 2015 quy định hai cách thức thu thập đó là: Thu giữ cùng phương tiện chứa đựng dữ liệu điện tử hoặc sao lưu dữ liệu điện tử vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng (khi không thể thu giữ cùng phương tiện điện tử). Đồng thời khoản 4, khoản 5 Điều 107 BLTTHS quy định: “Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.
Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử”.
Với quy định của Điều 107 cho thấy dữ liệu điện tử thu được nếu bảo quản như dữ liệu thông thường sẽ khó khăn trong việc kiểm tra tính nguyên vẹn hơn so với việc sử dụng giá trị hàm Băm để bảo quản, do đó, cần bổ sung quy định bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định giá trị hàm Băm và đưa giá trị Băm vào biên bản thu giữ dữ liệu điện tử, cũng như chứng minh sự đồng nhất giữa giá trị Băm của dữ liệu điện tử khi thu giữ và giá trị Băm của dữ liệu điện tử khi sử dụng trong tố tụng hình sự.
Kiến nghị liên ngành tư pháp Trung ương xây dựng một Quy trình chuẩn trong việc tìm kiếm, thu thập, bảo quản và sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử, trong đó có việc ứng dụng và xác định thuộc tính, giá trị của hàm Băm. Bổ sung các thông tư liên ngành liên quan đến ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó phải xác định giá trị Băm đối với các dữ liệu điện tử được hình thành.
Bổ sung quy định việc bắt buộc xác định giá trị hàm Băm đối với các dữ liệu hình thành, thu giữ do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt và các biện pháp điều tra thông thường khác trong quá trình tố tụng.
3.2. Trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các Kiểm sát viên và những người có thẩm quyền tố tụng hiểu biết về hàm Băm, ý nghĩa của việc xác định giá trị hàm Băm trong việc chứng minh tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử để ứng dụng trong việc buộc tội, gỡ tội, tranh tụng và kết tội.
Đưa vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về tư pháp hình sự chuyên đề chuyên sâu về hàm Băm, tội phạm trên không gian mạng, dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử...
Trang bị các cơ sở vật chất cho các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có các phương tiện điện tử, thiết bị điện tử, phần mềm để xác định giá trị hàm Băm khi tìm kiếm, phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản, củng cố, đánh giá, sử dụng các dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử trong giải quyết vụ án hình sự.
Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, hiểu biết về hàm Băm và việc khai thác dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, trong đó chú ý việc khai thác ứng dụng giá trị hàm Băm trong tương trợ tư pháp hình sự và hợp tác quốc tế có sử dụng thiết bị, phương tiện điện tử hình thành các dữ liệu điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu điện tử thông qua môi trường mạng… nhằm giảm các chi phí tố tụng, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn.
PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh