Bài 3: Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương – Phát triển kinh tế cân bằng, trụ cột để tăng trưởng bền vững

Ngày đăng : 14:28, 19/09/2024

(Kiemsat.vn) - Yêu cầu cân bằng trong phát triển kinh tế - xã hội vừa được coi là mục tiêu cũng như giải pháp để bảo đảm cho quá trình tăng trưởng bền vững mà Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương hướng đến. Đây được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để tỉnh Bình Dương xây dựng tầm nhìn trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế.

Sau gần 30 năm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tính đến 6/2024 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 5,81%; dịch vụ tăng 7,36%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%). Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đã cho thuê 7.067,49 ha đất, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 93,7%; GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 7.000 USD/người/năm đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đạt ngưỡng thu nhập trung bình cao. Cùng với đó kéo theo sự phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp lớn, thu hút hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, cùng hàng triệu người dân đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương.

WTC Thành phố mới Bình Dương đóng góp không nhỏ vào sự phát triển hệ sinh thái dịch vụ mới gắn liền chặt chẽ với chiến lược phát triển thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật về tình hình kinh tế, khoảng cách về tỷ trọng giữa công nghiệp và thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương vẫn còn là những con số cách biệt, khi mà Bình Dương chỉ được nhớ đến với danh xưng của một “thủ phủ công nghiệp”. Để phát triển bền vững, nhất là muốn bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cần phát triển đồng đều giữa công nghiệp đi cùng các dịch vụ thương mại chất lượng cao, với nhiều dự án lớn. Cơ hội phát triển này đang được mở rộng khi Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh doanh Top 1 ICF vào năm 2023 vừa qua.

Vươn mình trở thành trung tâm dịch vụ quốc tế với các dự án trọng điểm

Bình Dương được biết đến là một thủ phủ công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mật độ dân số tăng cao hàng năm. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút nhiều chuyên gia, doanh nhân, người lao động trong và ngoài nước đến học tập, công tác làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường học ở đây. Từ góc nhìn về vấn đề đáp ứng nhu cầu lớn phát triển dịch vụ chất lượng cao, Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương định hướng phát triển công nghệ, khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các vùng động lực, đô thị đáng sống, TOD hiện đại và hệ thống logistics thông minh. Không chỉ được biết đến là một thủ phủ công nghiệp mà Bình Dương sẽ còn trở thành điểm đến văn hóa và du lịch với bản sắc độc đáo.

Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm dịch vụ mang tầm vóc quốc tế, quy hoạch tích hợp sẽ triển khai các dự án trọng điểm, đẩy mạnh phát triển xã hội song song với việc phát triển kinh tế. Ngành thương mại - dịch vụ, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại chất lượng cao để nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp tại khu vực và mô hình khu phức hợp quy mô lớn, kể đến như dự án trọng điểm Khu phức hợp đa chức năng tích hợp giải trí, thể thao, y tế, giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng, Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ về Định hướng quy hoạch TDTT tại Tọa đàm khoa học “Đề án Phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra” được tỉnh Bình Dương tổ chức (tháng 3/2024).

Chia sẻ thông tin cụ thể về Khu phức hợp, ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Tổng Công ty Becamex IDC cho biết: Theo định hướng của Quy hoạch, bản quy hoạch sẽ tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành dịch vụ thông qua phát triển một khu phức hợp văn hoá - thể thao, y tế, giáo dục đào tạo cấp vùng với diện tích tổng thể 1.500 hecta. Đây là một khu phức hợp đa chức năng mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng. Trong đó, Khu liên hợp văn hoá thể thao có diện tích 500 hecta gồm quần thể trung tâm hội nghị triển lãm; công viên kinh doanh, các khu thương mại dịch vụ. Phác thảo gợi ý các hạng mục Khu liên hợp văn hoá thể thao với các phân khu: Cụm Sân vận động; cụm nhà thi đấu; cung thể thao dưới nước, hồ bơi, khu vui chơi giải trí; cụm sân thi đấu tennis; sân tập bóng đá; đường chạy thể thao; các không gian mô phỏng, thể thao trong nhà, thể thao điện tử; các trung tâm, cơ sở đào tạo thể thao; cụm nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn,... Khi Khu liên hợp này hoàn thành, Bình Dương được kỳ vọng trở thành trung tâm của cả vùng, đủ sức đăng cai các sự kiện văn hoá, thể thao quy mô lớn, cấp quốc gia, quốc tế.

Cạnh đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Bình Dương trở thành điểm đến du lịch sáng tạo, sự kiện, thông minh, hiện đại của vùng Đông Nam bộ gắn với thương hiệu “Trải nghiệm và cảm nhận”, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành thành phố sáng tạo. Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc Bình Dương như phát triển các loại hình du lịch chủ đạo như: Du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sáng tạo; du lịch thể thao gắn với xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm tổ chức sự kiện thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa nhằm phát huy hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, các làng nghề truyền thống và những giá trị văn hóa bản địa...

Các trung tâm giải trí trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang dần có sức nóng, đáp ứng nhu cầu vui chơi ngày càng lớn của người dân trong và ngoài tỉnh.

Định hướng tương lai gắn với khoa học công nghệ, Quy hoạch tích hợp cũng khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến chế tạo, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông,... xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ngoài ra, để xây dựng Bình Dương trở thành điểm đến, nơi giao lưu thường niên về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc tế, dự án Vùng khoa học công nghệ Bình Dương, Trung tâm đầu não tại Thành phố mới Bình Dương cũng là một trong dự án chiến lược của tỉnh. Dự án với Trung tâm R&D công nghệ cao; vườn ươm startup; không gian làm việc chung, trung tâm chuyển giao công nghệ; khu thử nghiệm và triển lãm công nghệ…

Phối cảnh 3D Dự án phức hợp Khu văn hóa thương mại dịch vụ - nhà ga trung tâm A1, Bình Dương sẽ tổ chức động thổ, khởi công ngay sau khi công bố Quy hoạch tích hợp tỉnh vào ngày 25/9 tới đây.

Đặc biệt, theo kế hoạch, ngay sau khi Quy hoạch tích hợp chính thức được công bố, Dự án phức hợp Khu văn hóa thương mại dịch vụ - nhà ga trung tâm A1 cũng sẽ khởi công xây dựng. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm của quy hoạch, khu phức hợp đa chức năng gồm văn hóa, thương mại dịch vụ, nhà ga trung tâm hiện đại. Cụ thể: Quy mô diện tích phê duyệt là 7,1ha. Đất được quy hoạch 8.165m2 làm trung tâm thương mại, 4.655m2 làm nhà đa năng, 1.640m2 làm hội nghị tiệc cưới, 1.040m2 là nhà hàng coffee, bar. Đồng thời, đây là điểm bố trí ga tàu điện trung chuyển chính đi các địa phương khác (tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên) cùng thiết kế bãi đỗ xe với sức chứa khoảng 800 xe ôtô. Với tầng cao xây dựng tối đa 8 tầng.Dự án được xây dựng đáp ứng hoạt động cho khoảng 14.700 khách và 1.630 người làm việc.

Dự án phức hợp Khu văn hóa thương mại dịch vụ - nhà ga trung tâm A1 nằm ngay vòng xoay Trung tâm Thành phố mới Bình Dương, nhất là liền kề với WTC Bình Dương. Việc thành lập và phát triển WTC Bình Dương nhằm tạo ra tính kết nối và giúp hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước phát triển thương mại quốc tế, phát triển Bình Dương trở thành một điểm đến năng động, đa dạng về dịch vụ, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng phát triển đến thương mại toàn cầu đồng thời tăng sức hút cho các dự án bất động sản trong khu vực.

WTC Thành phố mới Bình Dương ký kết hợp tác cùng các Trung tâm Thương mại Thế giới của Mumbai, Ấn Độ, Trung Quốc thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ.

Trong đó, WTC Bình Dương với vai trò hỗ trợ các hoạt động dịch vụ thương mại quốc tế tại Bình Dương và các khu vực lân cận, tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước sẵn có như Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế, Cao ốc văn phòng, Trung tâm thương mại, Khu phức hợp nhà hàng khách sạn. WTC Thành phố mới Bình Dương đồng thời cũng kết nạp thành viên của mình giúp các doanh nghiệp trong nước trở lại và mở cánh cửa kết nối với hơn 1 triệu doanh nghiệp trải khắp toàn cầu. Đây đều là những dự án chủ chốt trên bàn cờ phát triển công nghiệp dịch vụ thương mại mà tỉnh Bình Dương đã chuẩn sẵn sàng chinh phục đường đua phát triển trong giai đoạn mới.

Có thể nói, việc quy hoạch hình thành nên Khu phức hợp văn hóa, thể thao, dịch vụ, y tế, giáo dục; vùng Khoa học Công nghệ hay Khu văn hóa thương mại dịch vụ - nhà ga trung tâm A1 đã thể hiện rõ nét về tầm nhìn có chiều sâu mà tỉnh Bình Dương hướng đến để phát triển cân bằng, phát triển đồng bộ. Từ đó cân đối tỉ trọng GDP, Bình Dương xác định công nghiệp phải gắn với phát triển đô thị và các ngành dịch vụ hiện đại. Và phát triển mục tiêu đưa Bình Dương trở thành trung tâm dịch vụ, khoa học công nghệ của vùng Đông Nam Bộ, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, biến lợi thế của Bình dương thành thế mạnh chung cho toàn khu vực.

Lấy con người làm trung tâm phát triển bền vững

Bình Dương xác định lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững, từ những định hướng của quy hoạch làm bàn đạp để nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tạo môi trường sống tốt, với nguồn dịch vụ mang tầm vóc hiện đại bậc nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống và làm việc tại Bình Dương.

Bình Dương thường xuyên là địa điểm tổ chức các sự kiện thể thao lớn trong và ngoài nước, thu hút đông đảo vận động viên các nơi đến tham dự.

Quyết tâm triển khai thực hiện mục tiêu này, Bình Dương sẽ tập trung áp dụng nhiều giải pháp để hoạt động thương mại dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, Bình Dương huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, coi trọng phát triển thương mại dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Tăng cường đầu tư phát triển văn hóa thành động lực phát triển kinh tế và đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa - xã hội tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời xác định, đến năm 2030, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao của tỉnh được đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở vật chất, mang tầm vóc của đô thị loại I, hiện đại, văn minh của cả nước. Bình Dương trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và là một trong những Trung tâm thể thao mạnh của cả nước. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa - thể thao gắn với các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và mô hình văn hóa - thể thao văn minh, sáng tạo. Thu hút phát triển các hoạt động giá trị gia tăng kết hợp tổ chức sự kiện, phát triển loại hình thể thao giải trí hiện đại.

Các giải thể thao quốc tế uy tín được tổ chức định kỳ tại Bình Dương nhiều năm qua cho thấy Bình Dương có tiềm năng để trở thành trung tâm dịch vụ, văn hoá, thể thao của cả vùng.

Không chỉ có vậy, Quy hoạch cũng nêu rõ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, chuyển đổi số, đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể với đô thị để thúc đẩy phát triển cân bằng giữa kinh tế và xã hội. Trong đó, về y tế hướng đến mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của vùng Đông Nam bộ; về giáo dục xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại, tiên tiến, có cơ cấu và phương thức phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, đảm bảo liên thông, phục vụ học tập suốt đời của người dân, cung cấp dịch vụ có chất lượng cao, tiệm cận với trình độ quốc tế, phát triển toàn diện năng lực của người học…

Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ đô thị chất lượng cao để cung cấp các dịch vụ tiện ích, hiện đại cho người dân, lao động, chuyên gia tại tỉnh Bình Dương và các địa phương lân cận. Đảm bảo bán kính tiếp cận thuận lợi theo từng địa bàn huyện, thành phố. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển mạng lưới các loại hình dịch vụ mang đặc trưng của đô thị công nghiệp, bố trí theo cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, lao động hiện nay và đáp ứng nhu cầu phát triển cao trong tương lai.

Từ bức tranh mà bản Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương tạo nên, dù với mô hình phát triển nào tất cả cũng được tỉnh hướng đến mục đích chung là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đó sẽ là tấm gương phản chiếu phần lớn sự thành công của Quy hoạch, khi được “gieo hạt” đúng vụ và dày công chăm bón để rồi người dân được tận hưởng “trái ngọt” chín rộ. Bằng sự quyết tâm và nguồn lực lớn sẵn có, Bình Dương hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mình táo bạo, nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại. Để xứng danh là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả ở Châu Á, dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng đầu mang tầm vóc quốc tế./.

Lê Cúc