Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Ngày đăng : 20:45, 12/09/2024

(Kiemsat.vn) - Ngày 12/9/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh:QH)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thường kỳ thứ 37, tháng 9/2024 để cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp diễn ra trong 5,5 ngày, chia thành 02 đợt (đợt 1: ngày 12/9 và sáng 13/9; đợt 2: từ ngày 23 đến 26/9) với 23 nội dung khó, phức tạp. Cụ thể:

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 11 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó: có 02 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về công tác giám sát, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến 02 chuyên đề giám sát: Chuyên đề giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023” và các báo cáo về công tác tư pháp, kiểm toán thường niên, một số báo cáo quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Xem xét 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2024 theo thông lệ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với một số báo cáo bằng văn bản để các cơ quan chỉnh lý hoàn thiện, sớm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp. (Ảnh:QH)

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Báo cáo Chính phủ trình tại phiên họp có nhiều đổi mới; nội dung tương đối đầy đủ, cụ thể và cơ bản đã bám sát đề cương yêu cầu. Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá kỹ lưỡng; đồng thời phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại, hạn chế, đề xuất các kiến nghị, giải pháp tăng cường hiệu quả tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức thực hiện, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác xây dựng và rà soát, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, hệ thống hóa pháp luật, pháp điển hóa, hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật;.. Những nội dung này đều bám sát các yêu cầu của Đảng, Quốc hội về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; thể hiện sự gắn kết giữa công tác thi hành pháp luật với công tác dựng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW. Qua đó, đã phát huy được các ưu điểm và khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc nhiều đề xuất, kiến nghị trong Báo cáo năm trước. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ ngành, phối hợp với các cơ quan Quốc hội; trực tiếp phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai luật, nghị quyết và ban hành kế hoạch triển khai cụ thể;…

Chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nội dung hết sức quan trọng. Trong thời gian dài, qua nhiều nhệm kỳ, công tác xây dựng và triển khai thực thi pháp luật được thực hiện quyết liệt; tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ lưỡng, để đảm bảo "luật đi vào cuộc sống".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần đổi mới công tác triển khai, kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện một cách thường xuyên, hiệu quả, chỉ rõ nơi nào làm tốt để biểu dương, khen thưởng kịp thời, nơi nào chưa tốt có phê bình, kiểm điểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, “gốc” vấn đề xây dựng pháp luật phải từ bộ, ngành. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng và các vụ có liên quan bám sát, xem xét từng khoản, điều, từng chương của dự thảo luật, nghị quyết để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần siết chặt kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra, thẩm định; thể hiện rõ chính kiến để việc xây dựng và ban hành các dự án luật có chất lượng và tuổi thọ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ. Đồng thời, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm tốt từng khâu, từng công đoạn, đạt yêu cầu về chất lượng, không chạy theo số lượng, lấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi bất cứ một lợi ích nhóm cục bộ nào trong xây dựng pháp luật.

PV