Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 17/2024

Ngày đăng : 19:00, 11/09/2024

(Kiemsat.vn) - Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới các đồng chí và quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 17/2024 phát hành ngày 05/9/2024, với các nội dung chính sau đây:

Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 17/2024:

Bài viết: Một số vướng mắc trong hoạt động xét xử các tội xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi. Tác giả: Phạm Vũ Minh Trang.

Bài viết: Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà.

Bài viết: Kinh nghiệm rút ra từ công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tác giả: ThS. Trần Thị Bé Duyên.

Bài viết: Vướng mắc trong xử lý hành vi đánh bạc bằng công nghệ cao trên không gian mạng. Tác giả: Đặng Trường Sơn.

Bài viết: Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự trong pháp luật Trung Quốc và Việt Nam. Nhóm tác giả: ThS. Xa Kiều Oanh và Đào Tấn Anh.

Trên chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi, bài viết “Xu hướng và quan điểm của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc về hình phạt tử hình và những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Vũ Công Giao đã phân tích thực trạng, xu hướng và quan điểm của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc về hình phạt tử hình nói chung, về phạm vi áp dụng của hình phạt này nói riêng. Trên cơ sở đó, tác giả so sánh và đề xuất sửa đổi một số quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành theo hướng giảm một số tội phạm có thể áp dụng hình phạt tử hình để phù hợp với thực tế trong nước, xu thế quốc tế và khuyến nghị của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc.

Án lệ số 43/2021/AL ghi nhận hiệu lực pháp luật của hợp đồng thế chấp khi hợp đồng này được xem xét, đánh giá không vi phạm các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người ngay tình tham gia giao dịch. Tuy nhiên, việc áp dụng Án lệ số 43/2021/AL tại thời điểm hiện nay cần thận trọng để bảo đảm quyền lợi của các bên và tình huống pháp lý tương tự. Quan điểm này được tác giả Nguyễn Thành Nhân phân tích trong bài viết “Áp dụng Án lệ số 43/2021/AL và những vấn đề đặt ra hiện nay”.

Tác giả Trần Thị Bé Duyên qua bài viết “Kinh nghiệm rút ra từ công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” tại chuyên mục Công tác kiểm sát khẳng định: Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cho thấy một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật như: Không có quy định Tòa án phải gửi thông báo thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát, cũng như thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai của Tòa án; không có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Tòa án…

Trên chuyên mục Thông tin khoa học có bài viết “Căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự trong pháp luật Trung Quốc và Việt Nam” của tác giả Xa Kiều Oanh, Đào Tấn Anh. Theo đó, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và Trung Quốc đều có quy định về vấn đề “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc quy định cụ thể những căn cứ vi phạm. Từ việc nghiên cứu quy định về căn cứ xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự của pháp luật Trung Quốc, tác giả gợi mở một số vấn đề liên quan trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 17/2024 còn có một số bài viết đáng chú ý như: “Thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện" của tác giả Phạm Thị Hương Giang, Khúc Thị Trang Nhung; "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự" của tác giả Nguyễn Mạnh Hà...

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

 

 

Hạnh Thảo