Những vấn đề rút ra từ thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Ngày đăng : 10:43, 09/09/2024
1. Một số bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2015
Thứ nhất, về những quy định chưa phù hợp với thực tiễn
Theo điểm a khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015, lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của CQĐT phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 lại không quy định thời hạn Viện kiểm sát xem xét phê chuẩn là bao lâu. Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của liên ngành trung ương quy định về phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Về thẩm quyền phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm sau khi tạm đình chỉ: Điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 149 BLTTHS năm 2015 thì: “Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Như vậy, chỉ CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là chưa đầy đủ.
Hiện nay, Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa ghi nhận Công an cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 của liên ngành trung ương sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố lại trao cho Công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận, “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm. Trong khi đó, hoạt động tiếp nhận, “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã là một dạng của hoạt động tư pháp, thuộc giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trong tố tụng hình sự. Cùng với sự mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn của Công an cấp xã, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân và quy trình thực hiện kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã cũng cần được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 chưa có quy định cụ thể giao cho Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát hoạt động tiếp nhận, “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Vì vậy, Viện kiểm sát thực hiện việc kiểm sát thông qua Công an cấp huyện nên đặt ra những thách thức để có thể kiểm sát đầy đủ việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Thứ hai, về những quy định chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành
Khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định 03 trường hợp được xem là căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả; không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều trường hợp chưa có căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự (không thuộc căn cứ tạm đình chỉ theo khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015) như: Chưa xác định được người bị tố giác, đã thông báo truy tìm nhưng chưa có kết quả, người tố giác bỏ địa phương đi nơi khác, người tố giác không hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, từ chối giám định thương tích,... Khi gặp trường hợp này, một số đơn vị còn lúng túng khi xử lý, vì cho rằng không thể tạm đình chỉ. Có quan điểm khác cho rằng, nếu chưa đủ căn cứ để khởi tố thì ra quyết định không khởi tố, đến khi bổ sung đủ tài liệu, chứng cứ thì mới ra quyết định khởi tố vụ án.
Khoản 1 Điều 290 BLTTHS năm 2015 quy định nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu CQĐT truy nã bị cáo; còn theo điểm a khoản 2 Điều 290 BLTTHS năm 2015 thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả. Theo đó, việc hiểu thế nào là bị truy nã nhưng không có kết quả chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khi bị cáo trốn, cơ quan tố tụng lúng túng trong việc quyết định tạm đình chỉ và xét xử vắng mặt.
Thứ ba, về những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo
Theo khoản 2 Điều 6 BLTTHS năm 2015, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời bằng văn bản việc thực hiện kiến nghị. Tuy nhiên, theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 237 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị của Viện kiểm sát về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là 10 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Điều này cho thấy sự không thống nhất giữa Điều 6 và Điều 237 BLTTHS năm 2015 về thời hạn trả lời việc thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát.
Khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 quy định Công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay cho CQĐT có thẩm quyền. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 160 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định Viện kiểm sát có quyền trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mà không quy định Viện kiểm sát có quyền này đối với Công an cấp xã. Do vậy, để thực hiện quyền này, Viện kiểm sát có thể thông qua CQĐT Công an cấp huyện. Khoản 5 Điều 146 BLTTHS năm 2015 quy định sau khi tiếp nhận nguồn tin, CQĐT thông báo việc tiếp nhận cho Viện kiểm sát, mà không quy định việc chuyển hồ sơ ban đầu. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm sát thụ lý nguồn tin về tội phạm, vì khi đó, Viện kiểm sát phải yêu cầu Công an cấp xã cung cấp hồ sơ như đối với các cơ quan, tổ chức khác.
2. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS năm 2015 như sau:
- Bổ sung vào Điều 113 thời hạn Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp.
- Bổ sung vào khoản 3 Điều 147 nội dung: Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động “lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra”.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 149 theo hướng: Sau khi ra quyết định không khởi tố, nếu thu thập thêm được các tài liệu, chứng cứ thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và khởi tố vụ án.
- Quy định cụ thể, rõ ràng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp xã trong tố tụng hình sự; bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
- Bổ sung vào khoản 1 Điều 148 căn cứ tạm đình chỉ: … “d) Đã triệu tập nhưng chưa xác định được hoặc không biết rõ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đang ở đâu mà việc lấy lời khai của họ có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các thông tư liên tịch
- Quy định thống nhất về thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát, để Viện kiểm sát theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện kiến nghị và có biện pháp xử lý.
- Quy định thời hạn cụ thể đối với trường hợp bị cáo trốn, truy nã không có kết quả để áp dụng thống nhất.
Nguyễn Thanh Sang