Trao đổi bài viết “Kiểm sát quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ khó khăn và vướng mắc”
Ngày đăng : 10:06, 05/09/2024
Trước hết, tác giả cho rằng, khi xem xét, quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại của án treo thì Tòa án không phải trừ đi thời gian 15 ngày để quyết định có hiệu lực, nghĩa là, từ ngày mở phiên họp trở đi, người được hưởng án treo còn phải chấp hành bao nhiêu thời gian thử thách còn lại thì Tòa án ra quyết định rút ngắn hết bằng đấy thời gian. Bởi vì, thời gian 15 ngày nêu trong Mẫu số 03-THAHS là thời gian để có hiệu lực của quyết định, thuộc về trình tự, thủ tục xét, quyết định rút ngắn và thi hành quyết định đó, không phải thời gian thử thách thuộc về nội dung chấp hành án của người được hưởng án treo. Mặt khác, nếu thời gian thử thách còn lại của người được hưởng án treo bằng hoặc ít hơn 15 ngày thì nếu hiểu theo hướng là phải trừ khi rút ngắn, thì không thể trừ được và vô hình trung người được hưởng án treo không được chấp nhận rút ngắn chỉ vì vấn đề thủ tục.
Thứ hai, quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại của án treo có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo đúng Mẫu số 03-THAHS, chứ không có hiệu lực thi hành ngay. Việc áp dụng tương tự Điều 363 BLTTHS để thi hành ngay quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại của án treo chưa thật sự hợp lý, bởi vì trường hợp được áp dụng Điều 363 BLTTHS là bị cáo đang bị tạm giam - biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự. Việc thi hành quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại của án treo đã được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2021 dẫn chiếu đến Điều 6 Thông tư liên tịch này để thực hiện tương tự như thi hành quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2021 không thực sự rõ ràng là thi hành ngay hay sau 15 ngày kể từ ngày ra quyết định. Dó đó, để hiểu đúng tinh thần của quy định, có thể áp dụng tương tự quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 11/10/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp được giảm hết thời gian còn lại, bởi vì người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cũng là trường hợp chấp hành án tại cộng đồng như người được hưởng án treo. Đó là, “… Thời điểm cấp giấy chứng nhận tính từ ngày quyết định … có hiệu lực pháp luật”. Thời điểm cấp giấy chứng nhận là thời điểm ban hành giấy chứng nhận, khác với thời điểm chấp hành xong được thể hiện trong giấy chứng nhận. Trong trường hợp người được hưởng án treo được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại của án treo thì thời điểm chấp hành xong chính là ngày Tòa án mở phiên họp ra quyết định.
Áp dụng vào trường hợp người chấp hành án Vi Thị Đ trong bài viết của tác giả Trần Hồng, thì Vi Thị Đ được rút ngắn thời gian thử thách còn lại là 10 ngày nên ngày chấp hành xong là ngày 16/01/2023, chứ không phải ngày 26/01/2023. Bởi vì, cơ quan Thi hành án hình sự đã đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo đối với Vi Thị Đ và được nhận quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại từ Tòa án thì phải coi đây là trường hợp đặc biệt, cơ quan Thi hành án hình sự phải chờ quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mới được cấp giấy chứng nhận, chứ không được cấp giấy chứng nhận trong trường hợp thông thường như khoản 4 Điều 85 Luật thi hành án hình sự. Bởi vì, được rút ngắn thời gian thử thách là quyền lợi của người được hưởng án treo khi họ đủ điều kiện. Thời điểm họ chấp hành xong do được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại của án treo có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tính thời hạn để xóa án tích theo Điều 70 BLHS, hoặc liên quan đến việc xem xét, xử lý khi họ có hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian từ khi Tòa án ra quyết định rút ngắn đến khi quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng sau đó mới bị phát hiện.
Về thực hiện Mẫu số 03-THAHS, tác giả cho rằng, Viện kiểm sát hoàn toàn có thể kiến nghị đối với Tòa án trong trường hợp Tòa án ban hành quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo nhưng lại ghi chung chung, không đầy đủ nội dung, ảnh hưởng đến việc xác định có đảm bảo đủ điều kiện rút ngắn hay không, gây khó khăn cho công tác kiểm sát. Bởi vì, đây vừa là vi phạm về hình thức của Quyết định khi không thực hiện đầy đủ chú thích số (11) Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 03-THAHS ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/2021, vừa vi phạm nội dung quyết định khi không phản ánh được các điều kiện rút ngắn quy định tại Điều 89 Luật thi hành án hình sự. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, khoản 5 Điều 167 Luật thi hành án hình sự, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót.