Nâng cao nhận thức, giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ngày đăng : 09:16, 28/08/2024
Hội nghị được kết nối trực tuyến với hơn 200 điểm cầu, có khoảng hơn 30.000 đảng viên tham dự. Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin, nội dung chuyên sâu về lý luận và thực tiễn, nhằm nâng cao nhận thức, hành động, trang bị những kiến thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cho các cho cán bộ, đảng viên.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. |
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Trần Hữu Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ VKSND tối cao chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VKSND tối cao; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội; Ban Chấp hành đảng bộ, chi bộ trực thuộc VKSND tối cao; cán bộ làm công tác dân vận thuộc Đảng ủy VKSND tối cao...
Các điểm cầu kết nối trực tuyến trong Ngành gồm: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo đó, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành gắn với công tác cán bộ với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ nét tính nhân văn, để lại dấu ấn tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các cấp ủy Đảng cần hết sức coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Khái quát nội dung chính của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bí thư Đảng ủy Khối nêu rõ Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện, phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."
Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh, việc thực hành dân chủ ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp công tác này đi vào thực chất, quyết liệt và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc thực hiện phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên; thường xuyên thực hiện "tự soi," "tự sửa"; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực," "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; tập trung các giải pháp phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.