Bảo vệ quyền lợi của người hút thuốc lá thụ động
Ngày đăng : 09:38, 26/08/2024
1. Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người hút thuốc lá thụ động ở Việt Nam
Điều 12 Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hoá và xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc khẳng định tất cả mọi người có quyền hưởng mức độ sức khoẻ về thể lực và tâm thần cao nhất mà họ có thể đạt được. Ngoài ra, lời nói đầu trong Hiến chương của Tổ chức y tế thế giới nêu rõ việc đạt được mức độ cao nhất về sức khoẻ là một trong những quyền cơ bản của mỗi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, điều kiện kinh tế hoặc xã hội. Như vậy, có thể hiểu rằng, bất kỳ ai cũng có quyền được ở trong các điều kiện sống đảm bảo sự phát triển tốt nhất, những hành vi xâm phạm môi trường sống tự nhiên mà ảnh hưởng đến quyền này đều không được chấp nhận.
Hút thuốc tự động là trường hợp một người mặc dù không chủ động hút thuốc nhưng vẫn hít phải khói thuốc do người khác sử dụng. Khói thuốc này có thể là dòng khói phụ do việc đốt nóng thuốc lá ở các dạng khác nhau hoặc là dòng khói chính do người hút thở ra. Dù nguồn xuất phát là gì, khói thuốc đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người nói chung, người hút thuốc lá thụ động nói riêng. Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 hóa chất với khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư. Lượng chất độc trong dòng khói phụ cao hơn khoảng 20 lần so với trong dòng khói chính do không đi qua đầu lọc, người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: Rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: Mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận… Việc hút thuốc lá thụ động là tất yếu khi một người ở trong môi trường có khói thuốc lá, do đó, những tác động đến sức khỏe của người hút thuốc lá thụ động không phụ thuộc vào lựa chọn của họ, mà ảnh hưởng từ môi trường sống.
Nhận thức tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng thuốc lá đến sức khỏe, kinh tế và môi trường, Công ước khung của Tổ chức y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá xác định các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế ảnh hưởng của thuốc lá, giảm dần lượng người sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, đảm bảo quyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, trong đó có đối tượng hút thuốc lá thụ động (phơi nhiễm khói thuốc), đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Việt Nam đã tham gia Công ước này ngày 11/11/2004 và Công ước có hiệu lực tại nước ta từ ngày 17/3/2005.
Theo đó, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp phù hợp nhằm thực hiện mục đích của Công ước: Quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và nhiều biện pháp khác như:
- Quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá: Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại Điều 11. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế, nhất là đối với cá nhân hút thuốc lá nơi công cộng, do quy trình xử lý chưa tương thích với tính chất của hành vi vi phạm. Cụ thể, để xử lý vi phạm, cần lập đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, kiểm tra, giám sát liên tục, do đó, không phù hợp với hoạt động của cơ quan có thẩm quyền; việc ứng dụng công nghệ trong phát hiện và xử lý vi phạm cũng đặt ra các vấn đề về quyền của các chủ thể vi phạm.
- Tăng thuế thuốc lá: Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, việc áp dụng thuế cao đối với mặt hàng thuốc lá đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, việc tăng chi phí cho sử dụng thuốc lá làm giảm khả năng tiếp cận thuốc lá, về dài hạn sẽ ngăn cản hành vi sử dụng thuốc lá của những người đang sử dụng và hạn chế số lượng người sử dụng mới. Theo Tổ chức y tế thế giới, giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá chung trong cộng đồng khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam khi tốc độ gia nhập của người hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa và chiếm tỉ lệ cao trong nhóm dân số có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế sẽ tăng thu cho ngân sách, nguồn lực này sẽ trở lại các chương trình kiểm soát hoạt động hút thuốc lá, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thuốc lá…
Để đảm bảo hiệu quả ngăn chặn tiếp cận thuốc lá, khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới là áp mức thuế trên 70%. Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là 75% trên giá xuất xưởng của nhà sản xuất. Thực tiễn cho thấy, cách xác định thuế như trên chưa đem lại hiệu quả do tác động không đủ lớn, giá xuất xưởng và giá bán lẻ có độ chênh lệch lớn, việc xác định tỉ lệ 75% trên giá xuất xưởng chỉ tương đương 38,8% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, giai đoạn 2007 - 2020, thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam tăng 3,7 lần nhưng giá thuốc lá bán lẻ chỉ tăng 1,9 lần cũng làm tăng cơ hội tiếp cận thuốc lá của người dùng.
- Xây dựng quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá: Việc xây dựng và vận hành quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là phù hợp với Công ước về kiểm soát thuốc lá. Theo đó, “mỗi bên sẽ thiết lập hoặc củng cố và cung cấp tài chính cho một cơ chế điều phối quốc gia hoặc các cơ quan đầu mối về kiểm soát thuốc lá”.
Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá hoạt động trên nguyên tắc xã hội hóa, bao gồm các khoản đóng góp bắt buộc từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá, các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện và các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là quỹ quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động phi lợi nhuận, có nhiệm vụ hỗ trợ và triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các hoạt động tại cộng đồng, bao gồm: Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng; tổ chức cai nghiện thuốc lá; xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả; nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học; thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.
Các khoản thu bắt buộc cho quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá được giao cho cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai và nộp vào quỹ, nhưng đều tính vào giá bán thuốc lá cho người dùng cuối. Việc sử dụng thuốc lá đã được chứng minh là gây hại đến sức khỏe cá nhân và cộng đồng, do đó, xác định trách nhiệm phải nộp một khoản phí tương ứng với việc sử dụng sẽ có ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, thể hiện trách nhiệm của cá nhân người dùng đối với lợi ích chung của xã hội và những người bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá là bên được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh thuốc lá cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình.
Việc thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá tạo cơ sở về tài chính cho các hoạt động một cách thống nhất và liên tục. Đây là một quỹ quốc gia được đứng đầu bởi các cơ quan ở trung ương, góp phần thống nhất hoạt động của các địa phương; đồng thời, việc duy trì một quỹ liên tục và độc lập với ngân sách nhà nước cũng đảm bảo các chương trình, hoạt động của quỹ ổn định, không phụ thuộc năm tài khóa, kế hoạch phân bổ ngân sách và giá trị nguồn được cấp. Giá trị của quỹ tương ứng với sự phát triển của thị trường thuốc lá nội địa, tỉ lệ thuận với số lượng người tiêu dùng trực tiếp và những người bị ảnh hưởng gián tiếp trong cùng giai đoạn, đảm bảo khả năng chi trả cho các hoạt động cần thiết.
Tuy nhiên, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc danh mục nhiệm vụ của quỹ chưa có tính bao quát để có thể khắc phục hậu quả của việc hút thuốc lá; pháp luật chưa quy định cơ chế bắt buộc chủ thể kinh doanh các dịch vụ công cộng (như rạp chiếu phim, sân vận động, bến xe, nhà ga…) phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ lợi ích công cộng, hay lợi ích chung cho tất cả những người hút thuốc lá thụ động.
2. Đề xuất, kiến nghị
Nhằm đảm bảo quyền của người hút thuốc lá thụ động ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tích hợp công nghệ trong phát hiện, thông báo và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng; tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của nhân dân trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; có các biện pháp khen thưởng kịp thời nhằm khích lệ, lan tỏa các hành vi tích cực liên quan đến hoạt động này.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế nhằm đảm bảo thuế là một công cụ hạn chế nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thuốc lá của người dân; cần đảm bảo mức thuế phù hợp theo khuyến nghị của Công ước khung về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đạt được mục tiêu kép về nguồn thu ngân sách và giảm tiêu dùng.
Thứ ba, có các chính sách phù hợp nhằm hướng các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá phát triển sản phẩm theo hướng giảm độc tố cho người tiêu dùng, giảm tác động có hại cho những người xung quanh. Đây cũng là hướng phát triển của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá nước ngoài.
Thứ tư, bổ sung phạm vi hoạt động của quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá liên quan đến việc chi trả, bồi thường cho những người mắc bệnh do khói thuốc lá, đặc biệt là người hút thuốc lá thụ động.
Thứ năm, xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích công cộng, trong đó bảo vệ quyền lợi của những người hút thuốc lá thụ động bằng việc bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc chủ thể đại diện bảo vệ lợi ích công khi phát hiện lợi ích công cộng bị xâm hại do việc hút thuốc lá thì có thể kiến nghị khắc phục, xử lý vi phạm; nếu chủ thể bị kiến nghị khắc phục, xử lý vi phạm không thực hiện thì chủ thể bảo vệ lợi ích công có quyền khởi kiện yêu cầu xem xét, giải quyết.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy