Chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày đăng : 09:34, 22/08/2024

(Kiemsat.vn) - Chiều 21/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn, từ 14h30 đến 17h00, chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Điều hành nội dung phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong chiều nay và sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai gồm 06 lĩnh vực:

Lĩnh vực Tư pháp: Trách nhiệm trả lời thuộc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Lĩnh vực Nội vụ: Trách nhiệm trả lời thuộc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Lĩnh vực An ninh, trật tự xã hội: Trách nhiệm trả lời thuộc Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Lĩnh vực Thanh tra: Trách nhiệm trả lời thuộc Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Lĩnh vực Tòa án: Trách nhiệm trả lời thuộc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Lĩnh vực Kiểm sát: Trách nhiệm trả lời thuộc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình chất vấn, tùy nội dung chất vấn, Chủ tịch Đoàn sẽ mời các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn. Cuối phiên chất vấn sáng 22/8 sẽ mời Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng phát biểu làm rõ thêm các nội dung có liên quan đến trách nhiệm thuộc Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia chất vấn.

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tuy được tăng cường nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập như chế độ bồi dưỡng, chính sách đối với người giám định tư pháp còn thấp, chưa được tháo gỡ. Còn 2/13 bộ, ngành chưa ban hành quy trình giám định dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc chậm đưa ra xử lý và có nguyên nhân từ công tác giám định tư pháp. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên?

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia chất vấn.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp vẫn phát hiện rất nhiều văn bản có quy định trái pháp luật đã tác động ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, việc tiến tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở. Đại biểu đề nghị đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên gắn với việc thực hiện Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chi phí giám định, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong số các nội dung về giám định mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần chất vấn trước, nội dung về chi phí giám định có ít tiến triển nhất. Các vụ việc tồn đọng trong giám định đã giảm. Trong việc ban hành thể chế, số lượng các bộ, ngành ban hành hướng dẫn, quy định liên quan đến công tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình đã tăng lên.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, hiện nay, các vấn đề liên quan đến chi phí giám định thực hiện theo Quyết định số 01 ban hành năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, dự kiến trình một văn bản mới. Trong quá trình triển khai, cần thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương, trong đó có lương hóa tất cả các khoản chi và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù, nên tiến độ triển khai đã chậm lại. Ý kiến của các Bộ, ngành trong Chính phủ tương đối thống nhất về vấn đề này. 

Bên cạnh đó, pháp lệnh về chi phí tố tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi, hoạt động chi. Hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao đang trình Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần vấn đề giám định tư pháp. Chính phủ đã có đóng góp ý kiến, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Cùng với việc xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, vấn đề này cũng sẽ được tháo gỡ và dần cải thiện.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra văn bản, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ thường xuyên phải tự kiểm tra các văn bản do cơ quan mình ban hành. Bộ Tư pháp cũng thực hiện như các bộ, ngành khác, đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đề xuất giải pháp xử lý. Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản. 

Qua số liệu có được, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa được thực hiện tốt. Nguyên nhân là do các cơ quan chưa chủ động trong thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra còn hạn chế. Sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hy vọng sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để rõ hơn nội dung về thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức, cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Đồng thời, cần thực hiện tốt Quy định số 118 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tham gia phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết các giải pháp đã được triển khai và những chuyển biến trong việc tỷ lệ yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung sau khi thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi đại biểu của Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng là một biện pháp được phép sử dụng để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, vấn đề là cần sử dụng đúng biện pháp này, vì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tòa án hoặc kiểm sát phát sinh tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc thì vẫn phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung để không oan sai và không bỏ lọt tội phạm.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, về mặt khách quan, tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, đặt ra thủ tục tố tụng không theo kịp tính chất phức tạp của nó như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… Vì vậy, có những vấn đề chưa tiên liệu được, trong khi chúng ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp mới về tội phạm; đồng thời phải đảm bảo quyền con người, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận thấy, việc điều tra bổ sung là việc cần phải làm nhưng không được lạm dụng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự có phát sinh một số vướng mắc chưa được cơ quan có thẩm quyền giải thích, dẫn đến sự khác nhau về nhận thức áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng, đặc biệt của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên;…

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tham gia chất vấn.

Đặt câu hỏi tới Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo Nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/3/2023 có nêu, trong công tác xét xử tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các cái giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án để đảm bảo trong tố tụng, trong xét xử và chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng. Vậy Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết là trong thời gian qua đã triển khai những giải pháp đột phá nào để thực hiện tốt các nội dung trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án đã triển khai 17 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử như: thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tăng cường đảm bảo áp dụng pháp luật trong xét xử; đổi mới các phiên tòa; nâng cao chất lượng bản án; công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử để nhân dân giám sát; tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến kịp thời; tăng cường hòa giải; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan để giải quyết vụ án; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó giao chỉ tiêu cho các Thẩm phán mỗi năm có ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm để Luật sư, Kiểm sát viên, Điều tra viên cùng tham gia để nhận xét những mặt được, chưa được của các Thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử của Thẩm phán…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Tham gia chất vấn, đại biểu Hoàng Ngọc Định, cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án được Toà án nhân dân cấp tỉnh chuyển đến Toà án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi quá lâu hoặc không có văn bản trả lời đã gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay mức chi bồi dưỡng phiên tòa cho Hội thẩm nhân dân là 90.000đ đồng, như vậy là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị Toà án nhân dân tối cao cho biết giải pháp để khắc phục hai vấn đề trên? 

Trả lời chất vấn đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang liên quan đến việc Tòa án tỉnh xin ý kiến thỉnh thị của Tòa án tối cao nhưng chậm trả lời ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguyên tắc hoạt động của Tòa án là độc lập. Các cấp xét xử chịu trách nhiệm về việc đưa ra phán quyết của mình, việc xin ý kiến Tòa án tối cao chỉ là tham khảo, trả lời của Tòa án tối cao chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải định hướng xét xử vụ án. Việc tuân thủ thời hạn tố tụng thuộc các hội đồng xét xử.

Về tiền bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là Nghị định của Chính phủ, trong thời gian tới, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có quy định về chi phí tố tụng.

PV (Theo quochoi.vn)