Một số vấn đề về xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội
Ngày đăng : 07:51, 16/08/2024
1. Thực trạng xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội
- Xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thuộc sở hữu của người phạm tội:
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể thế nào là công cụ, phương tiện phạm tội. Có quan điểm cho rằng: “Những đối tượng này với tính chất là vật chứng trong vụ án hình sự, có thể thuộc sở hữu của người phạm tội và được người đó sử dụng làm công cụ hoặc phương tiện để thực hiện tội phạm, đó có thể là vũ khí, hung khí được sử dụng để thực hiện tội xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác; là xe máy, ô tô, tàu, thuyền được sử dụng để thực hiện tội buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển ma túy,...”.
Khái quát hơn, công cụ phạm tội được hiểu “là dạng cụ thể của phương tiện phạm tội được chủ thể sử dụng tác động đến đối tượng tác động của tội phạm như dao để đâm nạn nhân, búa để phá cửa nhà kho vào trộm cắp…”; phương tiện phạm tội được hiểu “là đối tượng vật chất được chủ thể của tội phạm sử dụng trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Phương tiện phạm tội có nhiều dạng khác nhau, trong đó có dạng được gọi là công cụ phạm tội như dao để đâm nạn nhân, búa để phá nhà kho vào trộm cắp… Bên cạnh dạng phương tiện phạm tội được gọi là công cụ phạm tội, còn có dạng phương tiện phạm tội khác không được gọi là công cụ phạm tội như xe máy dùng để chở thuốc phiện, tiền để đưa hối lộ”.
Để xác định một vật là công cụ, phương tiện phạm tội, không chỉ cần chứng minh vật này có liên quan đến hành vi phạm tội, mà còn phải xác định cụ thể mối quan hệ nhân quả giữa vật với tội phạm. Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã đưa ra ví dụ về trường hợp: “Các bị cáo sử dụng xe máy chở nhau đi trộm cắp tài sản, sau khi lấy trộm được tài sản lại dùng xe máy chở tài sản đã trộm cắp được để tẩu thoát, thì chiếc xe máy này là vật chứng của vụ án đó”. Như vậy, chỉ xác định xe máy là phương tiện phạm tội khi được sử dụng để chở tài sản do phạm tội mà có; ngược lại, nếu không trộm được tài sản thì xe máy trên không là phương tiện phạm tội. Quan điểm này đã được áp dụng để xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội trong nhiều vụ án.
Ví dụ 1: Khoảng 15 giờ ngày 30/4/2022, do bênh vực người quen nên Đỗ Thái C đã dùng xe ô tô đâm vào xe ô tô do anh B đang điều khiển, làm xe ô tô của anh B bị móp méo phần cửa trước, cửa sau bên trái, vỡ kính chắn gió trước bên trái (gây thiệt hại 9.090.000 đồng). Bị cáo Đỗ Thái C sau đó đã bị xử lý về Tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015). Về vật chứng của vụ án, Cơ quan điều tra thu giữ xe ô tô của C nhưng trong quá trình điều tra đã trả xe ô tô này lại cho Đỗ Thái C.
Ví dụ 2: Khoảng 23 giờ ngày 16/02/2022, A chở H đi tìm T. Khi thấy T, H đã dùng cây gậy ba khúc đánh T gây thương tích. T chạy đến mở cửa xe ô tô lấy dao để đánh lại, H và A thấy vậy nên bỏ chạy. Không đánh trả được H nên T đã điều khiển xe ô tô chạy đến đụng vào phía bên trái xe ô tô do A đang trực tiếp quản lý, sử dụng, làm xe ô tô của H bị hư hỏng với tổng thiệt hại là 81.254.760 đồng. Hành vi của T đã bị khởi tố, điều tra và xét xử về Tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 2 Điều 178 BLHS năm 2015. Ngày 29/8/2023, TAND nhận định xe ô tô của T là công cụ phạm tội, đồng thời là tài sản của bị cáo T và chị B trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 29; Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước 1/2 giá trị chiếc xe ô tô.
Trong hai vụ án trên, các bị cáo đều bị kết án về Tội cố ý làm hư hỏng tài sản, nhưng có điểm khác biệt ở biện pháp xử lý vật chứng. Trong vụ án thứ nhất, Cơ quan điều tra trả lại chiếc xe là vật chứng cho bị cáo; còn trong vụ án thứ hai, Tòa án xác định xe ô tô là công cụ phạm tội nên quyết định tịch thu sung ngân sách nhà nước một phần hai giá trị xe (do đây là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và vợ không biết chồng sử dụng xe vào việc phạm tội).
Theo điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội nếu còn giá trị thì sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào câu chữ theo quy định của pháp luật thì cách xử lý của TAND trong vụ án thứ hai là không sai. Tuy nhiên, với tính chất là một biện pháp tư pháp “có khả năng tác động hỗ trợ hình phạt trong việc giáo dục người phạm tội”, Tòa án cần xem xét toàn diện các tình tiết của từng vụ án hình sự cụ thể, đặc biệt là các tình tiết liên quan đến công cụ, phương tiện phạm tội và tài sản bị hư hỏng (giá trị tài sản bị hư hỏng; mối tương quan về giá trị giữa công cụ, phương tiện phạm tội và tài sản bị hư hỏng; tầm quan trọng của công cụ, phương tiện phạm tội đối với cuộc sống của bị cáo và gia đình;…) để quyết định cách thức xử lý vật chứng phù hợp.
- Xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thuộc sở hữu chung của vợ chồng:
Hiện nay, việc xử lý vật chứng khi một bên vợ/chồng thực hiện hành vi phạm tội gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc vẫn phải tuân thủ Điều 47 BLHS năm 2015 và Điều 106 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, có nơi, có lúc vẫn còn sự hướng dẫn và thực hiện khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ví dụ 1: Tòa án sơ thẩm trả lại vật chứng, Tòa án phúc thẩm tịch thu một phần hai giá trị của vật chứng.
Vào ngày 03/5/2020, bị cáo Võ Văn T sử dụng chiếc xe ô tô tải (là tài sản chung của T và vợ là bà Hoàng Thị S) chở thuê thuốc lá điếu nhập lậu cho người không xác định được nhân thân, lai lịch để hưởng lợi số tiền 2 triệu đồng. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, khi bị cáo T điều khiển xe đến khu vực gần Trạm thu phí Đ thuộc huyện C, tỉnh G thì bị bắt quả tang cùng với tang vật.
Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2020/HS-ST ngày 07/12/2020 của TAND tỉnh G đã xác định chiếc xe ô tô tải là tài sản chung của vợ chồng bị cáo T và bà S, nhưng đây là nguồn sống chính của gia đình bị cáo T, nên đã tuyên trả lại chiếc xe ô tô tải cho bà S.
Quyết định kháng nghị số 06/QĐ-VC2 ngày 30/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao cho rằng, chiếc xe ô tô tải là vật chứng của vụ án nên cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tịch thu một phần hai giá trị xe ô tô là phương tiện phạm tội.
Bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao nhận định: “Chiếc xe ô tô tải là tài sản chung của vợ chồng bị cáo T và bà S đứng tên chủ sở hữu để vận chuyển thuốc lá thuê với số lượng lớn đã phạm vào Tội vận chuyển hàng cấm, nên chiếc xe ô tô là vật chứng của vụ án. Điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Do đó, kháng nghị của VKSND cấp cao là có căn cứ, cần chấp nhận, tịch thu chiếc xe ô tô để bán đấu giá sung công quỹ nhà nước một phần hai giá trị chiếc xe, trả lại cho bà S một phần hai giá trị chiếc xe ô tô nêu trên”.
Việc Tòa án tuyên tịch thu 1/2 giá trị vật chứng là phù hợp với hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 Mục I Công văn số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của VKSND tối cao về giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự (Công văn số 2160): “Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”. Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng”.
Qua thực tiễn xét xử các vụ án điển hình cho thấy, cùng một tình huống nhưng có Tòa án tuyên trả lại toàn bộ, tịch thu toàn bộ, hoặc tịch thu 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng mà một bên sử dụng để phạm tội.
Tác giả cho rằng, việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản chung của vợ chồng cần được xem xét một cách toàn diện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 47 BLHS năm 2015. Có quan điểm cho rằng, TAND tối cao chỉ chú trọng đến điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 mà chưa xem xét đến khoản 3 Điều 47 Bộ luật này nên đã hướng dẫn “phải tịch thu toàn bộ công cụ, phương tiện phạm tội đó không phụ thuộc vào việc người vợ hoặc chồng của bị cáo có lỗi hay không trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản chung đó làm công cụ, phương tiện phạm tội”. Theo tác giả, giải thích trên là chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi của những người đồng sở hữu và trái với tinh thần của khoản 2 Điều 47 BLHS năm 2015. Hơn nữa, sau khi giải quyết vụ án hình sự, còn phải trải qua quá trình tố tụng dân sự, kéo dài thời gian bảo quản vật chứng, ảnh hưởng đến giá trị vật chứng và quyền lợi của những người liên quan, đặc biệt là chủ sở hữu. Quan điểm xử lý vật chứng tại Công văn số 2160 của VKSND tối cao là hợp lý, vì có sự xem xét toàn diện quy định tại khoản 2, 3 Điều 47 BLHS năm 2015 và bảo đảm lợi ích hợp pháp của người đồng sở hữu.
- Xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản vô chủ:
Hiện nay, BLTTHS năm 2015 và BLHS năm 2015 chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thông báo tìm chủ sở hữu vật chứng. Thực tiễn, Cơ quan điều tra thường căn cứ vào Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015 và áp dụng tương tự quy định tại Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 để ra thông báo tìm chủ sở hữu của tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng trong một thời hạn nhất định (thường là một năm kể từ ngày ra thông báo) và sau đó chuyển vật chứng sang cơ quan thi hành án để Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định việc xử lý vật chứng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Trình tự, thủ tục Cơ quan điều tra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự được thực hiện như thế nào? Có nơi chỉ thông báo tìm chủ sở hữu tài sản trên đài truyền hình địa phương, nơi khác lại thông báo trên đài truyền hình trung ương; số lần thông báo trên đài truyền hình cũng khác nhau, có nơi chỉ 01 lần, có nơi 03 lần; thời gian thông báo cũng khác nhau, có nơi là 30 ngày như xử lý tang vật theo thủ tục hành chính, có nơi là 01 năm kể từ ngày ra thông báo.
2. Đề xuất việc hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội
Từ những nội dung được phân tích ở trên, tác giả đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội. Trong văn bản này cần có các nội dung sau:
Thứ nhất, xác định rõ khái niệm vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội. Trước khi quyết định áp dụng biện pháp tịch thu vật chứng nộp ngân sách nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét toàn diện các tình tiết liên quan đến công cụ, phương tiện phạm tội (như mối tương quan, so sánh về giá trị giữa công cụ, phương tiện phạm tội và tài sản bị hư hỏng; tầm quan trọng của công cụ, phương tiện phạm tội đối với cuộc sống của bị cáo và gia đình;…). Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc tương xứng giữa tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội với tính nghiêm khắc của chế tài áp dụng.
Thứ hai, hướng dẫn cách thức xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản chung của vợ chồng.
Thứ ba, đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự thì bị tịch thu.
Bên cạnh việc ban hành văn bản liên tịch nói trên, thời gian tới, cần xem xét phát triển án lệ để các Tòa án trong cả nước áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội.
PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - ThS. Ngô Văn Lượng