Công ty năng lượng sắp lên sàn của Bamboo Capital: Tổng tài sản gần 20 nghìn tỷ, liên tục bắt tay các tập đoàn quốc tế lớn

Ngày đăng : 10:03, 31/07/2024

(Kiemsat.vn) - Ngày 31/7, Công ty Cổ phần BCG Energy - một thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) - sẽ giao dịch 730 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, với mã cổ phiếu là BGE và giá tham chiếu 15.600 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, BCG Energy đang có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp năng lượng tái tạo nằm trong top 3 Việt Nam hiện nay, cùng với việc sở hữu các dự án năng lượng quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thời gian qua, BCG Energy liên tục được các Tập đoàn và các định chế tài chính quốc tế lớn lựa chọn hợp tác khi đầu tư tại Việt Nam.

Danh mục dự án “khủng”, chỉ số tài chính tích cực

BCG Energy được thành lập vào năm 2017, là công ty phụ trách mảng năng lượng của Tập đoàn Bamboo Capital. Thành lập với tầm nhìn trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, BCG Energy đã không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng.

Ngay sau khi thành lập, từ năm 2018 đến 2020, BCG Energy đã triển khai thần tốc bốn dự án năng lượng tái tạo lớn: Nhà máy điện mặt trời BCG Long An 1, BCG Long An 2, nhà máy điện mặt trời BCG Vĩnh Long, và Cụm nhà máy điện mặt trời BCG Phù Mỹ 1, BCG Phù Mỹ 2 và BCG Phù Mỹ 3. Bên cạnh đó, hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, giúp tổng công suất phát điện của BCG Energy đạt gần 600 MW. Các nhà máy này được hưởng giá FiT ưu đãi trong 20 năm và đang mang lại doanh thu ổn định hằng năm cho BCG Energy. Đây là nền tảng vững chắc để công ty xác lập vị thế trên bản đồ năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Các nhà máy điện mặt trời BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long và 216 MW giai đoạn 1 của nhà máy BCG Phù Mỹ được hưởng giá FiT trong 20 năm, mang lại doanh thu ổn định cho BCG Energy.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, một chương mới với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo nói chung và BCG Energy nói riêng được mở ra. Các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong quy hoạch, đặc biệt là phát triển điện gió, đã khẳng định sự đúng đắn về tầm nhìn của Bamboo Capital trong chiến lược phát triển năng lượng sạch.

BCG Energy hiện sở hữu danh mục lên đến gần 1 GW được phê duyệt theo Quy hoạch điện VIII với tầm nhìn triển khai đến năm 2030. Đáng chú ý, loạt dự án điện gió quy mô lớn, bao gồm: Điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau sẽ được BCG Energy triển khai trong năm nay và dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2025. Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thêm khoảng 53% tổng công suất phát điện cho BCG Energy.

Ngày 20/7 vừa qua, Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy đã tổ chức thành công Lễ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Giai đoạn 1 của nhà máy được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60 MW. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2026-2027, công suất đốt rác được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện lên đến 130 MW, trở thành nhà máy điện rác lớn nhất thế giới. Giai đoạn 3 của nhà máy dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến 2029, công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW.

Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do BCG Energy xây dựng tại Củ Chi, TP.HCM.

Song song với việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM, BCG Energy sẽ sớm triển khai dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Long An và Kiên Giang.

BCG Energy đặt kỳ vọng đến năm 2026 tổng công suất các dự án năng lượng triển khai thành công sẽ đạt mốc 2GW. 

Về tài chính, sau 7 năm hình thành và phát triển, hiện nay, BCG Energy đang có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng. Trong ba năm gần đây, BCG Energy liên tục ghi nhận kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 760 tỷ đồng, sang năm 2022, doanh thu tăng trưởng mạnh 40% lên 1.064 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu thuần BCG Enegy tăng 5,8%, đạt hơn 1.125 tỷ đồng. Riêng trong quý 1 năm 2024, doanh thu BCG Energy đạt 320,4 tỷ đồng, chiếm 32,5% trong tổng doanh thu của Tập đoàn Bamboo Capital.

Doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo của Bamboo Capital hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới khi các dự án điện mặt trời áp mái được mở rộng và các dự án điện gió tại Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng và giai đoạn 1 nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa hoàn thành.

Liên tục hợp tác với nhiều Tập đoàn quốc tế lớn, chú trọng áp dụng công nghệ mới

Thời gian qua, BCG Energy đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn như Sembcorp Industries, Singapore Power, Hanwha Energy, và Leader Energy Group để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đây đều là những Tập đoàn lớn của Singapore và Hàn Quốc với tiềm lực mạnh và bề dày kinh nghiệm quản lý dự án. Trong mảng huy động vốn, từ năm 2019 đến nay, BCG Energy liên tục gọi vốn thành công trên thị trường quốc tế. Điển hình như thương vụ huy động thành công 5 triệu USD từ Hanwha Energy (năm 2019) và 43,6 triệu USD từ Leader Energy (năm 2020).

Tháng 3 năm 2023, Công ty cổ phần BCG - SP Solar 1, Công ty con thuộc liên doanh giữa BCG Energy và SP Group (Singapore) đã nhận khoản giải ngân 31,5 triệu USD trong tổng hạn mức tín dụng lên đến 50 triệu USD của 3 ngân hàng Singapore là DBS Bank Limited (DBS), Oversea Chinese Banking Corporation (OCBC) và United Overseas Bank Limited (UOB). Thương vụ này được The Asset vinh danh là Thương vụ năng lượng tái tạo của năm.

Tháng 6 năm 2023, CTCP BCG Gaia - Liên doanh giữa BCG Energy và Sembcorp Energy được giải ngân khoản vay 77,5 triệu USD từ DBS Bank Limited (DBS) của Singapore. Trong bối cảnh biến động của thị trường tài chính quốc tế và trong nước, việc huy động được 77,5 triệu USD từ DBS cho thấy sự tin tưởng của các tổ chức tài chính quốc tế vào nền tảng kinh doanh và hồ sơ tín dụng lành mạnh của các dự án phát triển bởi BCG Gaia.

Ngoài kinh nghiệm và năng lực triển khai dự án, khả năng làm việc với các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế uy tín để huy động nguồn vốn lãi suất thấp sẽ là lợi thế cạnh tranh giúp BCG Energy có khả năng bứt phá mạnh mẽ so với các doanh nghiệp cùng ngành trên thị trường.

BCG Energy cũng không ngừng mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế để tận dụng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm từ các tập đoàn hàng đầu. Tháng 6 vừa qua, BCG vừa ký kết với Công ty SK Ecoplant (thuộc Tập đoàn SK - Chaebol lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, sau Samsung) và SLC (Sukokwon Landfill Site Management Corp - Tập đoàn quản lý bãi chôn lấp Sudokwon, Hàn Quốc) thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc để phát triển dự án điện rác và các giải pháp xử lý rác thải tại các tỉnh tiềm năng phía Nam. Các dự án hợp tác này không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế cho cả hai bên.

BCG Energy ký kết với SK Ecoplant và Sudokwon Landfill Site Management Corp hồi tháng 6/2024 để phát triển các dự án điện rác.

Với nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi, Công nghệ lõi mà BCG Energy sử dụng là công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll hiện đại bậc nhất hiện nay, đã được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới. Công nghệ này là lựa chọn tối ưu với đặc trưng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.

Việc không ngừng tìm kiếm và áp dụng công nghệ mới giúp BCG Energy giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Việc niêm yết trên sàn UPCoM là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của BCG Energy. Với tổng tài sản 20 nghìn tỷ đồng và một loạt các hợp tác quốc tế đáng chú ý, BCG Energy đang khẳng định và nâng cao vị thế của mình trong ngành năng lượng tại Việt Nam và khu vực, hướng tới việc mang lại giá trị và tương lai bền vững cho cộng đồng và xã hội.

Tống Phương - Kiều Trang