Trao đổi về chuyển giao quyền yêu cầu

Ngày đăng : 09:35, 29/07/2024

(Kiemsat.vn) - Quy định về chuyển giao quyền yêu cầu trong nghĩa vụ dân sự tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện quyền dân sự một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định rõ ràng về khái niệm, hình thức, phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu, nên gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án.

1. Nội dung tình huống

Bà G (nguyên đơn) là nhân viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn A. Quá trình làm việc, bà được Công ty A cấp cho thẻ taxi để sử dụng phục vụ công việc. Do giữa Công ty A và bà Y (bị đơn) có mối quan hệ hợp tác nên Công ty A đồng ý để bà G đưa thẻ taxi trên cho bà Y sử dụng và bà Y có nghĩa vụ thanh toán chi phí cho Công ty A. Quá trình sử dụng thẻ, bà Y thanh toán phí phát sinh đầy đủ cho Công ty A. Tuy nhiên, kể từ ngày 26/5/2015, bà Y vẫn sử dụng thẻ nhưng không thanh toán phí sử dụng cho Công ty A. Tính đến ngày 01/4/2016, bà Y còn phải thanh toán cho Công ty A phí sử dụng thẻ taxi là 27.257.000 đồng. Ngày 29/4/2016, Công ty A đã chuyển quyền yêu cầu thanh toán phí sử dụng thẻ taxi của Công ty A đối với bà Y cho bà G. Ngày 16/6/2016, việc chuyển giao quyền yêu cầu đã được Công ty A thông báo bằng email cho bà Y; bà Y không có phản hồi về việc chuyển quyền này. Tuy nhiên, bà Y vẫn chưa thực hiện việc thanh toán phí sử dụng thẻ taxi cho bà G hay Công ty A. Theo đó, nguyên đơn (bà G) khởi kiện yêu cầu: (1) Bà Y phải thanh toán cho bà G số tiền 27.257.000 đồng phí sử dụng thẻ taxi; (2) Bà Y phải trả 8.047.629 đồng tiền lãi chậm trả phát sinh trên số tiền chậm trả tính từ ngày 30/4/2016 đến ngày 25/7/2019 (ngày xét xử sơ thẩm vụ án) theo mức lãi suất 9%/năm.

Về vấn đề buộc bà Y thanh toán phí dịch vụ: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều có quan điểm thống nhất cho rằng, bà Y phải thanh toán phí dịch vụ cho bà G là đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, có đủ cơ sở xác định việc Công ty A chuyển giao quyền yêu cầu cho bà G và bà G khởi kiện yêu cầu bà Y thanh toán tiền cho bà.

Về vấn đề liên quan đến khoản lãi chậm trả, có hai ý kiến trái chiều như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc bà G yêu cầu bà Y thanh toán lãi chậm trả là không có căn cứ. Bà G căn cứ vào các email yêu cầu thanh toán ngày 02, 13, 22 và 29/4/2016 để khẳng định rằng bà (với tư cách là bên có quyền yêu cầu) đã yêu cầu bà Y thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí sử dụng thẻ taxi và đã thông báo cho bà Y biết trước một khoảng thời gian hợp lý, từ đó xác định thời điểm bắt đầu tính lãi chậm trả đối với bà Y là ngày 30/4/2016. Xét thấy những email trên của bà G gửi cho bà Y là với tư cách cá nhân, mà không phải tư cách đại diện của Công ty A. Mặt khác, thời điểm gửi những email này là trước ngày Công ty A thông báo việc chuyển giao quyền yêu cầu cho bà G (ngày 16/6/2016). Ngoài những email trên, bà G không đưa ra được thêm tài liệu, chứng cứ nào khác có đủ cơ sở để khẳng định bà hoặc Công ty A đã gửi yêu cầu thanh toán hợp lệ cho bà Y, nên không thể xác định chính xác thời điểm bắt đầu tính lãi chậm trả đối với bà Y. Do vậy, yêu cầu của nguyên đơn (bà G) về việc buộc bị đơn (bà Y) phải trả 8.047.629 đồng tiền lãi chậm trả phát sinh trên số tiền chậm trả (27.257.000 đồng) tính từ ngày 30/4/2016 đến ngày 25/7/2019 (ngày xét xử sơ thẩm vụ án) theo mức lãi suất 9%/năm là không đủ cơ sở để chấp nhận.

Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả cho rằng: Việc bà G yêu cầu bà Y thanh toán lãi chậm trả là có căn cứ. Bởi lẽ, bà G thế quyền Công ty A và được hưởng trọn quyền yêu cầu thanh toán đối với bên có nghĩa vụ (bà Y) bao gồm quyền yêu cầu thanh toán khoản tiền còn thiếu và lãi chậm trả. Theo nội dung vụ việc, bà Y vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với Công ty A và thời hạn chậm thanh toán được xác định là 01 năm. Theo khoản 2 Điều 280 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo Điều 357 BLDS năm 2015 thì “trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”. Vì vậy, về nguyên tắc theo luật định, bà Y đã chậm thanh toán tiền nên bị phạt lãi chậm trả theo yêu cầu của bên có quyền (bên có quyền là bà G đã thế quyền cho Công ty A). Hơn nữa, việc chuyển giao quyền yêu cầu sẽ chấm dứt sự ràng buộc pháp lý của bên có quyền đầu tiên với bên có nghĩa vụ. Quan hệ nghĩa vụ sẽ được xác lập giữa bên thế quyền với bên có nghĩa vụ. Người thế quyền trong quan hệ chuyển giao thực hiện quyền yêu cầu không phải với tư cách là người thứ ba hay bên được ủy quyền, mà với tư cách pháp lý là bên thế quyền và có quyền độc lập như bên có quyền đầu tiên.

Có thể hiểu rằng, khi chuyển giao quyền yêu cầu, cơ bản chỉ thay đổi chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ, người có quyền đầu tiên được thay thế bởi người thế quyền, còn những nội dung về quyền và gắn liền với quyền đã được xác lập giữa bên có quyền đầu tiên và bên có nghĩa vụ là không thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc nghĩa vụ dân sự đã tồn tại vẫn còn nguyên vẹn và không có sự thay đổi, chỉ thay đổi chủ thể có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không ảnh hưởng đến lợi ích của bên có nghĩa vụ. Vì vậy, dù thực hiện nghĩa vụ với bất kỳ ai, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đó. Trong tình huống trên, các bên không thỏa thuận chuyển giao một phần, nên có thể hiểu là chuyển giao toàn bộ quyền yêu cầu thanh toán. Quyền yêu cầu thanh toán gắn liền với việc phát sinh lãi chậm trả theo luật định do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nên bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng phạm vi chuyển giao quyền; tức là từ thời điểm thế quyền, bà G được yêu cầu bà Y thực hiện việc thanh toán phí thẻ và lãi chậm trả.

2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật và đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, còn thiếu quy định về khái niệm chuyển giao quyền yêu cầu. Theo Điều 365 BLDS năm 2015, “bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận”, nhưng không nêu rõ thế nào là “chuyển giao quyền yêu cầu”. Trong khoa học pháp lý, có một số quan điểm về khái niệm chuyển giao quyền yêu cầu theo thỏa thuận như: “Chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng bởi việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao”; hoặc “chuyển giao quyền yêu cầu chỉ xuất hiện khi có sự thỏa thuận của chủ thể quyền trong giao dịch và một chủ thể thứ ba mới xuất hiện là bên nhận chuyển giao quyền yêu cầu”. Như vậy, về bản chất, sự chuyển giao quyền yêu cầu là sự chuyển dịch quyền từ chủ thể chuyển quyền sang chủ thể thế quyền; chủ thể thế quyền chính là người thứ ba thay thế người có quyền trước và trở thành bên có quyền.

Theo tác giả, BLDS năm 2015 cần quy định cụ thể về khái niệm chuyển giao quyền yêu cầu. Theo đó, chuyển giao quyền yêu cầu theo thỏa thuận là sự thỏa thuận giữa bên có quyền đầu tiên và bên thế quyền về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Người thế quyền được công nhận và được đảm bảo thực hiện quyền yêu cầu như người có quyền đầu tiên. Người có quyền đầu tiên chấm dứt quan hệ nghĩa vụ với bên có nghĩa vụ và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ với bên thế quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Về sự ràng buộc pháp lý giữa bên thế quyền và bên có nghĩa vụ, cần quy định bên thế quyền có những quyền năng như bên có quyền đầu tiên và có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện những nội dung liên quan đến quyền yêu cầu.

Thứ hai, còn thiếu quy định về hình thức chuyển giao quyền yêu cầu. Liên quan đến thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu giữa bên có quyền đầu tiên và bên thế quyền, BLDS năm 2015 không quy định cụ thể việc chuyển giao quyền yêu cầu được thể hiện dưới hình thức nào (lời nói, văn bản hay hành vi)? Có quan điểm cho rằng, BLDS năm 2015 không quy định vấn đề này giúp việc chuyển giao linh hoạt, không bị ràng buộc pháp lý về hình thức, đảm bảo sự tự do trong giao dịch giữa các chủ thể. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, việc không quy định về hình thức trong những trường hợp này có thể dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của bên thế quyền liên quan đến việc xác định nội dung, phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu, đặc biệt là khi việc chuyển giao quyền yêu cầu gắn liền với những nghĩa vụ phụ, nghĩa vụ bổ sung (như yêu cầu trả lãi, phạt lãi chậm trả, chuyển giao quyền yêu cầu gắn liền với biện pháp bảo đảm, quyền ưu tiên…).

Bộ luật Dân sự năm 2015 cần quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu có thể được thể hiện thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi. Đây là cơ sở pháp lý để ghi nhận việc xác lập quan hệ chuyển giao quyền giữa bên có quyền đầu tiên và bên thế quyền; là bằng chứng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bên thế quyền khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với bên thế quyền.

Thứ ba, còn thiếu quy định về phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu. Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định cơ sở để xác định phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu, mà chỉ quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu được xác lập theo thỏa thuận từ bên chuyển giao quyền cho bên thế quyền. Thực tế, các bên thường không thỏa thuận về phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu, nên gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp của Tòa án.

Bộ luật Dân sự năm 2015 cần quy định rõ phạm vi chuyển giao quyền yêu cầu theo hướng: Các bên có thể thỏa thuận chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền yêu cầu. Trong đó, cần xác định quyền yêu cầu có thể được chuyển giao toàn bộ, bao gồm quyền yêu cầu thực hiện những nghĩa vụ chính, gắn liền với các nghĩa vụ phụ, nghĩa vụ bổ sung, nghĩa vụ khác kèm theo (nếu có).

ThS. Lê Thị Diễm Phương (Theo Tạp chí Kiểm sát in số 22/2023)