Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 14/2024

Ngày đăng : 09:39, 23/07/2024

(Kiemsat.vn) - Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới Quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 14/2024 phát hành ngày 20/7/2024, với các nội dung chính sau đây:

Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 14/2024:

Bài viết: Đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Tác giả: TS. Lê Minh Long.

Bài viết: Bàn về quyền yêu cầu giải quyết nuôi con sau khi ly hôn. Nhóm tác giả: PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Lê Phương Thủy.

Bài viết: Một số bất cập trong quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nhóm tác giả: ThS. Trần Văn Hiền - Nguyễn Thị Kim Hường.

Bài viết: So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ 2 và hết). Tác giả: PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy.

Trên Chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT, bài viết “Đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi” của tác giả Lê Minh Long đã nêu và phân tích các yêu cầu, cách thức đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua việc xác định điểm và chạm đầu tiên; cơ chế hình thành dấu vết; trưng cầu giám định các dấu vết chưa đủ cơ sở đánh gia ngay tại hiện trường và những vấn đề cần lưu ý đối với một số trường hợp cụ thể.

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, việc áp dụng các căn cứ pháp lý giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết “Bàn về quyền yêu cầu giải quyết nuôi con sau khi ly hôn” của các tác giả Nguyễn Minh Hằng - Lê Phương Thủy trên Chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên đương sự.

Trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế của Việt Nam, thỏa thuận “bồi thường thiệt hại ước tính” (liquidated damages) ngày càng xuất hiện nhiều ở các hợp đồng được ký kết giữa bên tham gia hợp đồng tại Việt Nam và các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, việc thiếu quy định về “bồi thường ước tính” trong pháp luật Việt Nam phần nào gây khó khăn khi xác định việc có hay không áp dụng và chấp nhận điều khoản liên quan đến vấn đề này trong các hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài. Những nội dung này được đề cập trong bài viết “Bồi thường ước tính - bản chất và sự tương quan với các chế định tương tự trong pháp luật Việt Nam” của các tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Lê Thị Kim Quy trên cùng Chuyên mục.

Chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC tiếp tục đăng tải kỳ 2 bài viết “So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ II và hết)” của tác giả Lê Huỳnh Tấn Duy, trong đó tập trung so sánh một số quy định của pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự như nguồn luật điều chỉnh, căn cứ chấp nhận và loại trừ chứng cứ, những vấn đề không phải chứng minh, tiêu chuẩn chứng minh; trên cơ sở đó, đưa ra định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 14/2024 còn có một số bài viết đáng chú ý như: “Hoàn thiện quy định của pháp luật về quyền im lặng của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự” của các tác giả Trần Trọng Hoàn - Phan Xuân Linh; “Một số bất cập trong quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác” của các tác giả Trần Văn Hiền - Nguyễn Thị Kim Hường…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

 

 

Hồng Phong