Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 13/2024
Ngày đăng : 11:02, 08/07/2024
Mục lục Tạp chí Kiểm sát in số 13/2024:
Bài viết: Thu thập chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Nhóm tác giả: PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa và ThS. Chu Thị Thanh An.
Bài viết: Xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tác giả: Đinh Minh Lượng.
Bài viết: Kỹ năng xử lý tình huống của Kiểm sát viên khi người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật tại phiên tòa hình sự. Tác giả: Nguyễn Thị Huân.
Bài viết: So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ 1). Tác giả: PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là di sản tư tưởng, lý luận quý báu; là kim chỉ nam cho sự ra đời, phát triển và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong điều kiện thực tiễn của đất nước, đòi hỏi cần tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung này được khẳng định và làm rõ qua bài viết “Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Trung Thành, Trần Quốc Trưởng tại chuyên mục NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI.
Do sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, chứng cứ điện tử rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, chứng cứ điện tử rất dễ bị thay đổi, xóa bỏ, làm sai lệch hoặc bị thao túng. Vì vậy, quá trình tìm kiếm, thu thập chứng cứ điện tử trở nên phức tạp. Bài viết “Thu thập chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” của tác giả Dương Quỳnh Hoa, Chu Thị Thanh An trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI đã tập trung đánh giá thực trạng pháp luật, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về thu thập chứng cứ điện tử.
Trong chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT, bài viết “Kỹ năng xử lý tình huống của Kiểm sát viên khi người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật tại phiên tòa hình sự” của tác giả Nguyễn Thị Huân khẳng định: Xử lý tình huống khi người tham gia tố tụng cung cấp tài liệu, chứng cứ, đồ vật tại phiên tòa hình sự là một trong những kỹ năng quan trọng, đòi hỏi Kiểm sát viên phải thật sự bản lĩnh, có nhiều kinh nghiệm để vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật, hướng dẫn, quy chế của ngành trong từng trường hợp cụ thể.
Chứng cứ và chứng minh giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự, quyết định kết quả của quá trình xác định sự thật vụ án. Bài viết “So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ I)” của tác giả Lê Huỳnh Tấn Duy trên chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC tập trung so sánh một số quy định của pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự như nguồn luật điều chỉnh, căn cứ chấp nhận và loại trừ chứng cứ, những vấn đề không phải chứng minh, tiêu chuẩn chứng minh; trên cơ sở đó, đưa ra định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 13/2024 còn có một số bài viết đáng chú ý như: “Xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” của tác giả Đinh Minh Lượng; “Về công tác phân loại, xử lý, giải quyết đơn - Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp” của tác giả Trần Thị Bé Duyên; “Bất cập về thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự” của tác giả Phạm Tuấn Kiệt…
Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!
|