Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Ngày đăng : 09:27, 02/07/2024
1. Về thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Trong 06 tháng đầu năm 2023, số lượng các vụ án vi phạm quy định về xuất nhập cảnh; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 35%). Trong kỳ, đã khởi tố 45 vụ/110 bị can (tăng 29 vụ/ 77 bị can so với cùng kỳ)1. Tội phạm này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú mà còn tiềm ẩn các loại tội phạm khác, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào trong nước.
Năm 2021, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án ma túy, kinh tế, tham nhũng chức vụ (Phòng 1) Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã cử Kiểm sát viên phối hợp với Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng hướng dẫn Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng khởi tố 01 vụ án đưa 17 người xuất cảnh trái phép và đón 05 người nhập cảnh trái phép. Qua vụ án này, VKSND tỉnh đã ban hành 02 kiến nghị khắc phục và phòng ngừa vi phạm được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng chấp nhận và gửi cho 15 Đồn Biên phòng khác để rút kinh nghiệm chung. Đồng thời, cử Kiểm sát viên hướng dẫn Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, huyện Hạ Lang và Đồn Biên phòng Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng điều tra theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 39 và Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 đối với 02 vụ án “vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm này, VKSND hai cấp tỉnh Cao Bằng đã kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đảm bảo việc ban hành các quyết định tố tụng khởi tố, không khởi tố vụ án tuân thủ đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Bộ đội Biên phòng nắm chắc, phân loại chặt chẽ và giải quyết tốt các tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo trong kỳ thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng tố giác, tin báo không được thụ lý, giải quyết hoặc để kéo dài, quá hạn.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Cao Bằng đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra rà soát những trường hợp có liên quan đến việc chứa chấp, đưa, đón người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, nhất là các huyện có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo, tố giác về tội phạm; đảm bảo kịp thời phân loại ngay từ ban đầu, nếu có căn cứ thì khởi tố vụ án, bị can và chuyển để điều tra theo thẩm quyền.
2. Một số khó khăn, bất cập
Thứ nhất, trong hoạt động tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm kịp thời phát hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, số lượng tin báo đối với các vụ tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trên địa bàn vẫn còn hạn chế, hầu như việc phát hiện, xử lý do các lực lượng Biên phòng, Công an bắt quả tang trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở khu vực biên giới. Thông qua điều tra các đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp đưa dẫn, chuyên chở, chuẩn bị giấy tờ liên quan đến xuất cảnh, tiền bạc, phương tiện di chuyển để hỗ trợ đưa người rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, đã mở rộng điều tra xác minh các đối tượng liên quan đến vụ án.
Quá trình thụ lý, giải quyết, xác minh tin báo còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do các bị can thường được các đối tượng (không quen biết, không rõ địa chỉ, nơi cư trú...) hoặc người nước ngoài liên hệ qua điện thoại bằng sim rác, chỉ đạo các đầu mối để thuê đưa dẫn. Do đó, nhiều vụ án không thể tiến hành xác minh do thông tin không đủ, không rõ ràng, dẫn đến tình trạng giải quyết tin báo hết thời hạn, kéo dài, có trường hợp phải tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết...
Thứ hai, trong thu thập chứng cứ, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình kiểm sát điều tra.
Đối với nhóm tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, chủ yếu là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm thuê. Mỗi trường hợp người đi thường phải nộp một khoản tiền nhất định, việc nộp tiền, thu tiền, chuyển khoản không theo một cách thức cố định nào, có trường hợp người đón, dẫn thu, có trường hợp người đón bên nước ngoài thu, sau đó chuyển lại cho người đưa, dẫn; hoặc đi trót lọt làm việc ở nước ngoài mới thu thông qua việc trừ dần vào tiền lương hàng tháng. Thông thường, người tổ chức (là người trả tiền) và người nhận tiền khi xuất cảnh trót lọt không biết nhau mà chỉ liên lạc qua mạng xã hội.
Ngoài ra, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường liên lạc chỉ đạo qua mạng xã hội, không gặp gỡ, không quen biết, mỗi đối tượng trong đường dây nhận người đưa đến địa chỉ chỉ thực hiện một công đoạn nhất định; khi lực lượng chức năng bắt được đối tượng đón, dẫn biên thì các đối tượng đã xóa hết dữ liệu điện thoại có liên quan đến giao dịch, trao đổi. Bên cạnh đó, việc thu thập các chứng cứ, trích xuất dữ liệu, thông tin cuộc gọi từ các đơn vị thông tin viễn thông cũng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng dùng sim rác, không có định danh cụ thể, các số điện thoại từ nước ngoài hay tài khoản wechat, zalo, viber... không xác định được thông tin người dùng. Do đó, việc mở rộng điều tra, xác định đối tượng cầm đầu cũng như xác minh đầy đủ căn cứ để khởi tố còn gặp nhiều khó khăn.
Thực tiễn giải quyết loại án này cho thấy, các đối tượng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí là người nước ngoài, có người thân, quen cư trú tại nước ngoài hoặc thông qua mạng xã hội để liên lạc đặt vấn đề, sau đó được hướng dẫn di chuyển đến các nhà nghỉ của các huyện biên giới để chờ người đến đón và thường xuất cảnh vào ban đêm. Khi phát hiện, cơ quan chức năng chủ yếu lập biên bản vụ việc nếu hành vi vi phạm chưa rõ ràng để thụ lý theo dạng tin báo tội phạm; trường hợp đã rõ ràng thì lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và chuyển về cấp có thẩm quyền tiếp tục giải quyết. Thực tế, nhiều vụ việc thông tin ban đầu không đầy đủ, các đối tượng được thuê dẫn dắt không có địa chỉ liên lạc cụ thể, không xác minh được nơi ở hoặc thỏa thuận cụ thể... dẫn đến phải đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ việc.
Mặt khác, nhiều bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người nước ngoài, bất đồng về ngôn ngữ. Khi thụ lý giải quyết phải tiến hành trưng cầu phiên dịch (theo Điều 70 BLTTHS năm 2015) để lấy lời khai, hỏi cung. Việc tham gia của người phiên dịch phải được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu và tham gia suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo. Đồng thời, người phiên dịch phải đáp ứng tiêu chuẩn có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cán bộ phiên dịch của Cơ quan điều tra còn hạn chế, nhiều vụ có số bị hại, bị can lớn, dẫn đến có lúc việc trưng cầu chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian. Quy định về chi phí phiên dịch cũng còn thiếu, chưa thỏa đáng, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Qua các vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho thấy, các đối tượng cầm đầu chủ yếu đến từ địa phương khác, các đối tượng thuê dẫn là người dân tộc bản địa ở khu vực biên giới vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp nên Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên phải thu thập, xác minh thông tin lý lịch bị can ở nhiều tỉnh thành. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động này còn hạn hẹp, phải tiến hành ủy thác điều tra; vì vậy, thời gian chờ xác minh, đợi kết quả ủy thác kéo dài, ảnh hưởng tới thời hạn điều tra cũng như tiến độ giải quyết vụ án.
Thứ ba, hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật… Nhiều yêu cầu của phía Việt Nam đề nghị cơ quan hữu quan nước bạn xác minh không được phúc đáp kịp thời, dẫn đến việc truy bắt đối tượng, truy xét đồng phạm gặp khó khăn.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong giải quyết các vụ án tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tác giả đề xuất, kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với cơ quan Công an, Biên phòng và các cơ quan hữu quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm để có biện pháp nắm, kiểm sát tin báo, tố giác về tội phạm. Trong quá trình kiểm sát điều tra cần áp dụng linh hoạt các biện pháp, thu thập chứng cứ số, số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để mở rộng điều tra; quyết liệt trong đấu tranh triệt phá các đường dây xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài; truy bắt, xử lý các đối tượng phạm tội.
Thành lập các tổ liên ngành tại khu vực biên giới, kiểm soát tình hình xuất nhập cảnh (trong đó có sự tham gia của Viện kiểm sát) nhằm kịp thời phát hiện hành vi tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc tự ý xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, đồng thời, có biện pháp ngăn chặn, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Hai là, Viện kiểm sát các cấp cần thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành; chú trọng xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ về tổ chức, môi giới xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, khai thác cụ thể hơn về kỹ năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra; phối hợp với cơ quan An ninh điều tra trong xử lý giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài; tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm và cách làm hay của các địa phương, các tỉnh biên giới phát sinh nhiều tội phạm liên quan đến an ninh trật tự biên giới...
Ba là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong nước có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với pháp luật khu vực, quốc tế và thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh, quản lý đường biên giới tại các địa phương tiếp giáp khu vực cửa khẩu, có nhiều đường mòn, lối mở thông thương giữa hai nước. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù; thiết lập và từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền trong nước cũng như giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong trao đổi thông tin; phối hợp truy bắt, truy tìm, áp giải đối tượng, xử lý yêu cầu về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi xuất cảnh, nhập cảnh, lao động ở nước ngoài; tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các nước, đặc biệt là nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời trao đổi, nắm bắt các thông tin tội phạm, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý người phạm tội.
Bốn là, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, chuyển đổi công nghệ số,... cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Năm là, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật; kinh phí để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ điều tra như: Kinh phí thuê phiên dịch, thực hiện các biện pháp giám định nghiệp vụ, hỗ trợ cán bộ thực hiện ủy thác điều tra hoặc trực tiếp điều tra đối với các vụ án có quy mô lớn, liên quan đến nhiều địa phương để đáp ứng yêu cầu về thời hạn cũng như đảm bảo chất lượng công tác điều tra, giải quyết án.
Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và dân tộc ít người, để từ đó, người dân có ý thức cảnh giác trước các biểu hiện của hoạt động môi giới, lôi kéo xuất nhập cảnh trái phép (Hứa hẹn đưa người đi lao động, làm việc ở nước ngoài không cần hợp đồng lao động, làm việc ngay không yêu cầu trình độ, không cần giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, yêu cầu người có nhu cầu tìm kiếm việc làm tự đến các khu vực cửa khẩu biên giới có người đưa đón...); tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh và phòng ngừa các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.
Đàm Thị Kim Thuyên - Trần Thị Len