Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích có đồng phạm

Ngày đăng : 15:02, 28/06/2024

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn giải quyết các vụ án giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích có đồng phạm trong thời gian qua cho thấy một số khó khăn, vướng mắc về việc định tội danh, đánh giá, phân hóa vai trò, mức độ hành vi của các đồng phạm, trong vụ án nêu quan điểm xử lý không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, tác giả chia sẻ một số kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự giết người, cố ý gây thương tích có đông người tham gia, liên quan đến việc định tội danh, đánh giá vai trò đồng phạm và phân loại diện khởi tố.

1. Một số lưu ý khi kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đối với các vụ án giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích có đồng phạm

Thực tiễn giải quyết các vụ án cho thấy, có một số vụ việc phát sinh tranh chấp về thẩm quyền giải quyết ban đầu, cụ thể là việc xác định thẩm quyền chủ trì việc khám nghiệm hiện trường là của cấp tỉnh hay cấp huyện. Có 02 trường hợp: (1) Sau khi tiếp nhận nguồn tin, xác định nạn nhân của vụ việc bị thương vào các vị trí như đầu, cổ, ngực, bụng.... thì mặc định thẩm quyền thuộc cấp tỉnh, theo đó thiếu chủ động, quan tâm đến các yêu cầu nghiệp vụ của công tác kiểm sát việc chuẩn bị khám nghiệm hiện trường; (2) Căn cứ vào hậu quả của vụ việc không có người bị chết nên nhận định thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện.

Hiện trường vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp huyện nào thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngang cấp thuộc địa bàn đó có trách nhiệm giải quyết ban đầu; theo đó, Kiểm sát viên cần nắm bắt các nội dung sau:

Một là, kiểm sát công tác bảo vệ hiện trường của đơn vị tiếp nhận nguồn tin, nắm bắt thông tin sơ bộ, đánh giá hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn ở mức độ nào...

Hai là, chủ động nắm bắt tình trạng thương tích của nạn nhân như: Có bị hôn mê hay không; đang được mổ cấp cứu hay chỉ sơ cứu vết thương; số lượng vết thương; dự báo của bác sỹ (người cấp cứu hoặc điều trị cho nạn nhân) đã đưa ra nhận định gì về mức độ thương tích của nạn nhân... Ví dụ: Vỡ xương sọ, tổn thương nội sọ; tụ máu màng cứng; thấu ngực, bụng ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng của nạn nhân; rách vỡ tổn thương động mạch, tĩnh mạch, mất máu cấp khó hoàn hồi; vết thương thấu vào trong gây chảy máu trong, không xác định được đáy vết thương, cần phải mổ cấp cứu....

Ba là, nắm bắt thông tin về vụ việc thông qua Điều tra viên để xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc hoặc tự mình nghiên cứu các tài liệu xác minh ban đầu như lời khai của người báo tin, tố giác; người biết vụ việc; người chứng kiến; trường hợp đã có thông tin về hung khí gây án, cần xem xét đặc điểm, tính chất của hung khí, loại hung khí đã sử dụng, như dao rựa, dao phay, kiếm, mã tấu, dao bầu, gậy tre đặc.... (xem xét độ dày mỏng, nặng nhẹ, cùn hay sắc của hung khí...).

Bốn là, nắm bắt các thông tin liên quan về đối tượng; đã triệu tập được hay chưa; có dấu vết gì trên thân thể của đối tượng; trang phục mang, mặc (liên quan đến việc phải sớm thu thập tài liệu, chứng cứ đảm bảo căn cứ giữ người khẩn cấp...). 

Trên cơ sở đánh giá sơ bộ tính chất, mức độ của vụ việc, Kiểm sát viên được phân công phải báo cáo lãnh đạo đơn vị xem xét quyết định việc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, từ đó đề xuất thẩm quyền giải quyết ban đầu theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định thẩm quyền giải quyết là của cấp huyện thì sau khi hoàn tất công tác kiểm sát việc khám nghiệm, cần làm ngay báo cáo ban đầu đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để theo dõi, kịp thời chỉ đạo, phối hợp giải quyết các xung đột quan điểm về thẩm quyền ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

2. Về đề ra yêu cầu kiểm tra xác minh và đề ra yêu cầu điều tra trong quá trình kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án

- Trong hoạt động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh (giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm) và đề ra yêu cầu điều tra (giai đoạn điều tra).

Thực tiễn giải quyết các vụ án giết người; cố ý gây thương tích có đông người tham gia còn một số tồn tại, hạn chế như: Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ quan, đánh giá không đúng tính chất phức tạp của vụ việc. Vụ việc thường có hậu quả một trong hai bên xô xát có người bị thương với tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%. Quá trình giải quyết vụ việc các bên đều khai có lợi cho mình; nhiều vụ việc không có người làm chứng hoặc nếu có họ cũng ngại va chạm mà khai né tránh... Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định vụ việc có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại) nên định hướng ưu tiên hòa giải, không làm rõ mâu thuẫn dẫn đến việc xô xát giữa các bên (ghen tuông, nợ nần, tranh chấp đất đai kéo dài, lặp lại nhiều lần, đã được cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết chưa, hình thức xử lý,...). Do chỉ định hướng đến hành vi cố ý gây thương tích mà không xem xét có hành vi gây rối trật tự công cộng của các đối tượng hay không, không đánh giá đúng tính chất phức tạp của vụ việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải quyết vụ án sau này, thậm chí các bên liên quan còn có đơn khiếu nại nhiều lần và khiếu nại vượt cấp.

Bên cạnh đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường có xu hướng coi trọng lời khai nhận tội của các bị can, đến khi một trong số các bị can thay đổi lời khai (khai khác hoặc chối tội) thì lại lúng túng khi đánh giá chứng cứ dẫn đến kéo dài việc giải quyết vụ án. Việc thu thập các tài liệu, dấu vết, vật chứng không kịp thời sẽ làm hạn chế, thậm chí là mất đi giá trị chứng minh của chứng cứ. Đây cũng là một trong những lý do làm phát sinh xung đột về quan điểm đánh giá chứng cứ giữa những người tiến hành tố tụng ở các giai đoạn tố tụng khác nhau.

Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi Kiểm sát viên phải chủ động, không chủ quan, coi nhẹ các vụ việc có đông người tham gia xô xát, đánh nhau nhưng lại có hậu quả không lớn liên quan đến tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, đồng thời phải đánh giá đúng tính chất, mức độ phức tạp của vụ án. Khi xây dựng yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần tổng hợp, định hướng đúng khi lựa chọn các nội dung có ý nghĩa cho việc buộc tội, gỡ tội, phải đảm bảo kịp thời và có tính khả thi. Trong các vụ án có đồng phạm, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các nội dung mà những người đồng phạm khai về hành vi của bản thân và khai về đồng phạm khác; theo đó kịp thời phát hiện các tài liệu, chứng cứ có mâu thuẫn với nhau; ghi chép đầy đủ các nội dung mâu thuẫn cụ thể để yêu cầu khắc phục. Cần lưu ý, khắc phục mâu thuẫn giữa các tài liệu phải bằng hoạt động thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự, tuyệt đối không ghi bổ sung, sửa chữa nội dung vào các biên bản điều tra.

Đối với vụ án giết người có đồng phạm, trong đó có đồng phạm bỏ trốn sau khi gây án, bị truy nã và vụ án đã được đưa ra xét xử đối với một số bị cáo. Sau một thời gian dài, vụ án được phục hồi điều tra do bắt được một hoặc một số đồng phạm khác, Kiểm sát viên cần chú ý đề ra các yêu cầu điều tra nhằm củng cố chứng cứ buộc tội bị can, yêu cầu lựa chọn sao lục các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã xét xử các đồng phạm trước đó đảm bảo đầy đủ chứng cứ để làm căn cứ xem xét quyết định việc truy tố bị can.

- Trong việc đánh giá chứng cứ:

Đánh giá chứng cứ là hoạt động thường xuyên, liên tục của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án, thể hiện ở việc vừa thu thập vừa đánh giá chứng cứ; thu thập đến đâu đánh giá chứng cứ đến đó; đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ trước khi kết thúc việc điều tra và trước khi xem xét quyết định việc truy tố. Trong giai đoạn xét xử, Kiểm sát viên tiếp tục phải đánh giá chứng cứ khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Trường hợp những người tham gia tố tụng cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ trước và trong khi diễn ra phiên tòa, thì nhiệm vụ của Kiểm sát viên phải đánh giá các tài liệu, chứng cứ này để lựa chọn hướng xử lý đảm bảo đúng quy định pháp luật, trên cơ sở đó đề nghị Tòa án tiếp tục xét xử hoặc tạm dừng hoặc hoãn phiên tòa... Như vậy, đánh giá chứng cứ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của Kiểm sát viên tại các giai đoạn tố tụng của vụ án.

Kiểm sát viên cần lưu ý: Đối với các tài liệu do người tham gia tố tụng cung cấp ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, về nguyên tắc đều phải được Cơ quan điều tra tiến hành xác minh tính xác thực của các thông tin có trong tài liệu đó. Như vậy, nếu tại phiên tòa người bào chữa xuất trình các tài liệu, chứng cứ mới liên quan đến việc bào chữa của mình thì Kiểm sát viên cần kiểm tra kỹ xem tài liệu đó có phải là tình tiết mới phát sinh chưa được Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hay không. Trường hợp các thông tin đưa ra không mới, có dấu hiệu của việc ngụy tạo chứng cứ, thì phải viện dẫn hệ thống chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, từ đó đánh giá tính khách quan, hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ đã thu thập để đối đáp với người bào chữa, bác bỏ tài liệu, chứng cứ mà họ xuất trình...

Ví dụ, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư tiến hành ghi lại lời khai bị hại, người làm chứng có nội dung theo hướng có lợi cho bị cáo và có mâu thuẫn với lời khai của bị hại và người làm chứng do Cơ quan điều tra thu thập tại giai đoạn điều tra. Quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, bị hại có mặt và khai giống như đã khai tại Cơ quan điều tra, đồng thời cung cấp lý do của việc khai khác là do bị xúi giục. Như vậy, chỉ cần có lời khai này của bị hại, Kiểm sát viên đã có thể đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ lời khai của người làm chứng do Luật sư cung cấp, kể cả khi người làm chứng không có mặt tại phiên tòa.

Đối với hoạt động đánh giá chứng cứ là lời khai, Kiểm sát viên cần lưu ý các thông tin có trong các lời khai của người bị buộc tội và người tham gia tố tụng khác phải đảm bảo tính ổn định và phù hợp với nhau. Cần phân biệt rõ tính phù hợp không đồng nghĩa với việc nội dung các lời khai phải giống nhau. Ở mỗi lời khai của những người tham gia tố tụng khác nhau trong cùng vụ án vì các lý do khác nhau, không thể có nội dung lời khai giống hệt nhau, bởi vì nó liên quan đến vị trí, điều kiện mà họ quan sát được; mức độ ghi nhớ, nhận định về thông tin mà họ biết được; các ảnh hưởng khác về mối quan hệ giữa họ với nhau, về tính liên quan đến hành vi vi phạm (nếu có), làm cho họ có tâm lý né tránh, sợ liên lụy vì có thể sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội họ.

Đối với việc đánh giá chứng cứ là các dữ liệu hình ảnh thu giữ được từ hệ thống camera an ninh, Kiểm sát viên cần chú ý kiểm sát chặt chẽ việc sử dụng loại chứng cứ này trong quá trình điều tra vụ án. Thực tiễn có trường hợp các đương sự được xem lại toàn bộ diễn biến hình ảnh của vụ việc xô xát, đánh nhau ở các góc quay khác nhau trước khi tiến hành xét hỏi, do đó có nhiều nội dung người được hỏi hầu hết phụ thuộc vào diễn biến hình ảnh đã xem, vì vậy đã trình bày diễn biến vụ án giống hệt nhau, gần như mô tả lại những gì đã được xem ở video trước đó, dẫn đến thiếu khách quan, gây khó khăn khi đánh giá chứng cứ và khi tranh luận với người bào chữa tại phiên tòa.

Chính vì vậy, để đảm bảo khai thác tối đa giá trị chứng cứ là dữ liệu hình ảnh, đồng thời với việc chuyển hóa chứng cứ trong tố tụng hình sự, như: Giám định, trích xuất hình ảnh liên quan, lập bản ảnh, thuyết trình về đặc điểm, hành vi khách quan của đối tượng có trong bản ảnh.... quá trình điều tra, khi xem và sử dụng các hình ảnh này (trước khi có kết luận giám định), Kiểm sát viên chỉ nên coi đây là tài liệu tham khảo, vì có thể còn có những hình ảnh liên quan khác đã vô tình bị bỏ sót khi thu giữ như hình ảnh liên quan đến vị trí, địa điểm mà đối tượng đi lấy hung khí; phương tiện hoặc sự bàn bạc, phân công cho đồng phạm...; hoặc có trường hợp các bên liên quan tự quay lại và tự sao chép một số hình ảnh có lợi cho mình, sau đó phá hủy đầu thu, vứt bỏ thiết bị quay, điện thoại...

Quá trình giải quyết các vụ việc xô xát có đông người sử dụng hung khí nguy hiểm (thậm chí là vũ khí) tham gia đánh nhau nhưng gây ra hậu quả thương tích dưới 11% cho thấy, phần lớn giải quyết theo hướng có hay không có tội phạm cố ý gây thương tích quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Theo đó, chỉ tiến hành khởi tố vụ án hình sự khi bị hại có yêu cầu. Điều này còn cho thấy sự bất hợp lý khi áp dụng quy định khác của pháp luật đối với hành vi của các đồng phạm trong trường hợp đã có sự chuẩn bị hung khí, vũ khí... nhằm mục đích đánh nhau, nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên không có hậu quả thương tích cho nạn nhân (khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015). Tại Mục 14 Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, theo đó các đối tượng không cần phải hoàn thành hành vi khách quan gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của bị hại, vì giữa các đồng phạm đã có sự bàn bạc, thống nhất với nhau và đã hoàn thành việc chuẩn bị hung khí nguy hiểm nhằm mục đích tấn công, gây thương tích cho bị hại.

Như vậy, chỉ cần các đồng phạm chuẩn bị hung khí đi đánh nhau, nếu chưa kịp gây hậu quả thương tích cho người nào mà bị phát hiện, ngăn chặn thì đã phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích (giai đoạn chuẩn bị phạm tội). Trường hợp nhóm người này đã hoàn thành việc đánh người và gây hậu quả làm tổn hại dưới 11% sức khỏe của nạn nhân, thì lại phải chờ phía bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới xử lý.

Có thể thấy, khi tiến hành giải quyết các vụ án trên này, các cơ quan tiến hành tố tụng thường hướng đến khách thể về quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của con người mà chưa xem xét đến khách thể về xâm phạm trật tự công cộng để định hướng giải quyết vụ việc theo dấu hiệu của Tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo tác giả, khi giải quyết vụ việc xô xát có đông người sử dụng hung khí nguy hiểm tham gia đánh nhau, có người bị thương dưới 11%, cần chú ý ưu tiên lựa chọn khách thể bị xâm hại, tương ứng với việc định tội danh nặng hơn để chủ động khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần lưu ý đối với Tội gây rối trật tự công cộng mà có sử dụng hung khí, vũ khí, cần phải đảm bảo việc đề ra yêu cầu điều tra thu thập kịp thời các dấu vết vật chất, đồ vật liên quan, đồng thời đề xuất lãnh đạo đơn vị xem xét quyết định việc tổ chức họp các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp, đánh giá xác định tội danh và đường lối xử lý. Bởi những vụ việc này thường không thống nhất quan điểm khi đánh giá thế nào là gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội...

- Trong việc phân hóa, đánh giá vai trò đồng phạm khi giải quyết các vụ án giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích.

Việc phân hóa, đánh giá vai trò đồng phạm thường được đặt ra khi giải quyết các vụ án giết người chưa đạt, có đồng phạm, không có dự mưu và các đối tượng tham gia ở các mức độ khác nhau. Kiểm sát viên cần đánh giá chứng cứ, phân hóa vai trò để định định tội danh đối với toàn bộ các đối tượng tham gia, bao gồm: Những người thực hiện hành vi quyết định hậu quả thương tích của nạn nhân; những người chưa kịp có hành động tấn công trực tiếp nạn nhân; những người có hành vi tấn công, nhưng có mức độ, như chỉ đấm đá hoặc chỉ dùng chuôi dao, cán kiếm, cán giáo đánh vào người nạn nhân mà không thực hiện các nhát đâm, chém nào mặc dù có đủ cơ hội nếu muốn thực hiện; có những người đứng bên ngoài dùng lời lẽ kích động, thúc giục đồng bọn tấn công bị hại...

Để đảm bảo căn cứ trong việc phân hóa vai trò, mức độ tham gia của các đối tượng trong các vụ án giết người chưa đạt, có đông người tham gia ở các mức độ khác nhau, Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung sau:

(1) Về căn cứ định tội danh giết người chưa đạt phải đảm bảo các yêu cầu, như: Xác định lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý trực tiếp; đánh giá về đặc điểm của hung khí gây án phải có tính chất nguy hiểm và có khả năng sát thương cao (như dao phay, dao rựa, dao bầu, dao quắm, đao, mã tấu, dao găm, giáo, mác,...); mức độ, cường độ tham gia tấn công nạn nhân thể hiện sự quyết liệt; số lượng, vị trí các vết thương để lại trên thân thể nạn nhân, trong đó có vết thương tác động vào các vị trí hiểm yếu trên thân thể người và hậu quả của các thương tích đó; thái độ của người phạm tội trước, trong, sau khi tấn công nạn nhân (tưởng nạn nhân chết mà bỏ đi, tấn công liên tiếp cho đến khi nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự, bỏ mặc sống chết của nạn nhân).

Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể, còn phải căn cứ vào tương quan lực lượng giữa các bên, thể trạng, thể lực của bị can và bị hại; số lượng về người, hung khí, nguyên nhân dẫn đến xô xát, đánh nhau... Ngoài ra, cần chú ý về độ tuổi của người phạm tội, vì yếu tố này có liên quan trực tiếp đến mức độ nhận thức của họ khi thực hiện tội phạm.

Đối với việc xác định vị trí hiểm yếu trên thân thể người, có nguy cơ tử vong cao, hiện tại vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên từ thực tiễn giải quyết các vụ án, có thể xác định các vị trí hiểm yếu trên thân thể người, bao gồm: Vùng đầu, gáy, cổ, ngực, bụng, hai mạn sườn hướng cột sống... Việc gây thương tích ở vùng đầu, cổ phải dẫn đến hậu quả làm tổn thương sọ (như vỡ, lún, khuyết sọ, chấn thương cột sống cổ...). Việc gây thương tích ở vùng ngực, bụng, mạn sườn hai bên phải có mức độ thấu vào bên trong, gây tổn thương tim, phổi, gan, ruột, hố chậu hai bên; gây đứt động mạch cảnh, gây chảy máu ồ ạt...;

(2) Về việc phân hóa mức độ phạm tội và diện xem xét khởi tố, Kiểm sát viên cần căn cứ hành vi khách quan cụ thể của các đối tượng (bao gồm hành động, lời nói) để phân hóa mức độ tham gia. Nếu là đồng phạm tội giết người chưa đạt, cần chú ý các tình tiết: Lý do tấn công nạn nhân (vô cớ, ghen tuông, vay nợ, tranh chấp đất đai, tranh giành khách hàng, được thuê gây thương tích, được rủ đi cùng và hùa theo đồng bọn tấn công nạn nhân); sự chuẩn bị và vận chuyển hung khí của các đối tượng (đi mua, đi mượn, nhặt được, mang vác, tập kết, phân phát hung khí….); hành vi tham gia tấn công nạn nhân sau khi đã trực tiếp chứng kiến đồng bọn sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công liên tiếp vào các vị trí hiểm yếu trên thân thể nạn nhân (kể cả khi không sử dụng hung khí gì); hò hét kích động đồng bọn tấn công, chặn đường chạy của nạn nhân tạo điều kiện cho đồng bọn tấn công, cản trở sự can ngăn, can thiệp của người khác; bỏ mặc sống chết của nạn nhân, đưa đồng bọn rời khỏi hiện trường, vứt hung khí phi tang vật chứng….

Trường hợp không thỏa mãn các điều kiện định tội danh đồng phạm giết người, thì cần xem xét về các tội danh khác như: Gây rối trật tự công cộng; không tố giác hoặc che giấu tội phạm.

Đối với các vụ án hình sự giết người có dự mưu, do nhiều người cùng nhau tham gia, Kiểm sát viên cần chú ý xác định có hay không có hành vi thái quá của người đồng phạm, nội dung này đã được thể hiện tại Án lệ số 01/2016, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016. Ngoài ra, cần chú ý đảm bảo sự công bằng khi phân loại xem xét diện khởi tố, đó là trường hợp bị hại cũng có lỗi trong việc rủ rê, lôi kéo, kích động đồng bọn nhóm mình tham gia đánh nhau. Mặc dù bị hại bị thương nặng nhưng cũng cần xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có thể xử lý bằng hình sự hoặc hành chính tùy thuộc mức độ tham gia).

Lương Thị Thúy Dung (Theo Tạp chí Kiểm sát in số 22/2023)