Họp Ban Chỉ đạo cuộc thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ Nhất
Ngày đăng : 17:31, 20/06/2024
Toàn cảnh phiên họp. |
Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu tại VKSND tối cao đến các điểm cầu: VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND thành phố Đà Nẵng, VKSND tỉnh Quảng Nam, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, VKSND tỉnh Phú Thọ.
Dự phiên họp tại điểm cầu VKSND tối cao có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo là Lãnh đạo VKSND tối cao, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; các đồng chí là thành viên của các Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Giám khảo.
Theo báo cáo tại phiên họp, thời gian vừa qua, nhiều VKSND cấp tỉnh đã tổ chức thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy tại địa phương mình, qua đó, đã tạo tinh thần sôi nổi trong rèn luyện, nghiên cứu, học tập và nâng cao trình độ; hình thành đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án. Sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án được coi là một phương pháp làm việc mới, khoa học, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, công tác trợ lý ảo trong cung cấp thông tin phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, cho đến nay ngành Kiểm sát nhân dân chưa tổ chức một cuộc thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy với quy mô toàn Ngành. Việc tổ chức cuộc thi ở quy mô toàn Ngành nhằm tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích để tìm kiếm, phát hiện các điển hình xuất sắc áp dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án để hoàn thiện, mở rộng và hướng dẫn thực hành chung trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thông qua cuộc thi góp phần đánh giá đúng thực tế năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ công chức ngành Kiểm sát, từ đó có giải pháp tăng cường, đẩy mạnh công tác đào tạo, tự đào tạo trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, mang lại hiệu quả thiết thực, đạt được mục tiêu như trên là cần thiết; nội dung thi trước hết là báo cáo đề xuất giải quyết vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố bằng sơ đồ tư duy, qua đó, giúp nắm bắt nhanh chóng, chính xác bản chất hành vi phạm tội và những vấn đề cần chứng minh của vụ án; làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu để định hướng điều tra, quyết định truy tố, tranh tụng, giải quyết án hình sự. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm mà Ngành đã được giao.