Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024
Ngày đăng : 08:30, 10/06/2024
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. |
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, với 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.48% tổng số ĐBQH), trong đó có 463 đại biểu tán thành (bằng 95.07% tổng số ĐBQH), có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.41% tổng số ĐBQH). Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ngày 30/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024. Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về Chương trình; đồng thời, góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển trong tình hình mới.
Đánh giá công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất với đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan với tinh thần lập pháp chủ động đã phối hợp chặt chẽ, đề cao trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoàn thành chương trình lập pháp đề ra, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. |
Các ĐBQH cũng phân tích, làm rõ thêm những bất cập, hạn chế cần được quan tâm khắc phục như: Kỷ cương lập pháp chưa nghiêm; vẫn còn hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm yêu cầu; tính “gối đầu” của chương trình thấp, một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp gây khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong một số trường hợp chưa kịp thời; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật có phần chưa đáp ứng yêu cầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để tiếp tục phối hợp với Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật; tiếp tục nghiên cứu đề xuất cải tiến, đổi mới quy trình để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Về dự kiến Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Luật để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề ĐBQH nêu cũng là những yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời đôn đốc các Bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành các luật. Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại Đợt 2 của Kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất; đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 01/8/2024.
Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. |
Để bảo đảm chất lượng ban hành Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình chỉ đạo soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội: Đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục; tiếp tục rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại 04 Luật này và các quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm hơn 05 tháng để có phương án xử lý phù hợp; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật. Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Có ý kiến đề nghị sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, xây dựng Luật Dân số: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc cần sớm xây dựng, ban hành các luật này để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn. Trong đó, việc sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế còn để bảo đảm đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chính phủ đã lập đề nghị xây dựng 02 Luật này đưa vào Chương trình năm 2022, 2023 nhưng qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung chính sách của các dự án Luật để bảo đảm tính khả thi. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 02 Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình theo thẩm quyền.
Có ý kiến đề nghị sớm đưa vào Chương trình việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại: Như đã báo cáo Quốc hội tại phiên họp ngày 30/5, Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trọng tài thương mại (sửa đổi) để báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Hội Luật gia Việt Nam khẩn trương hoàn tất các khâu chuẩn bị để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình.
Có ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Hoạt động chữ thập đỏ, Luật An toàn thực phẩm, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác: Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chính phủ đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với các luật này và đã có dự kiến trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật. Tuy nhiên, Chính phủ mới xác định tiến độ trình sửa đổi Luật Hoạt động chữ thập đỏ trong Chương trình năm 2026, hai dự án luật còn lại chưa xác định thời điểm trình. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khẩn trương xem xét, làm rõ tính cấp thiết sửa đổi luật, xác định thứ tự ưu tiên, chuẩn bị hồ sơ đề nghị để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. |
Có ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là các dự án chưa được xác định trong Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhưng nhiều lần được ĐBQH kiến nghị nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để đề xuất hướng xử lý, bổ sung Chương trình nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Có ý kiến đề nghị xây dựng các nghị quyết của Quốc hội thí điểm chính sách đặc thù sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương nước ngoài; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có đường biên giới chung với các nước; quy định về xây dựng, phát triển đường sắt đô thị, về trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng trường học, bệnh viện ở khu đô thị mới và công nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết của các ĐBQH trong việc đề xuất xây dựng các nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Việc xây dựng, ban hành các văn bản này cần bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ đề xuất đưa vào Chương trình. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rà soát quy định của pháp luật có liên quan, trường hợp đủ điều kiện thì lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Có ý kiến đề nghị trong quá trình xây dựng các dự án luật về thuế cần chú ý lộ trình áp dụng các chính sách thuế mới để bảo đảm phù hợp với chủ trương về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật về thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân cần lưu ý đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp và cân nhắc thận trọng, xác định lộ trình áp dụng hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân như ý kiến của các ĐBQH.
Có ý kiến đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 về báo cáo Quốc hội quyết nghị nội dung giảm thuế giá trị gia tăng trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đã 02 lần đề nghị và được Quốc hội quyết nghị cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này trong các nghị quyết kỳ họp Quốc hội. Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục kế thừa cách quy định này để bảo đảm tính thống nhất về hình thức văn bản và cũng thống nhất với cách thể hiện trong các nghị quyết điều chỉnh Chương trình trước đó.
Về tổ chức thực hiện Chương trình: Đa số ý kiến ĐBQH tán thành các biện pháp tổ chức và bảo đảm thực hiện Chương trình như được nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết; đồng thời, kiến nghị thêm một số giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật; nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp... Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý các quy định như thể hiện tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính cân đối về số lượng các dự án được đưa vào Chương trình, tránh tình trạng trong một kỳ họp, một cơ quan phải đảm nhiệm quá nhiều dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một trong các quan điểm, định hướng lập Chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trong Tờ trình Quốc hội là việc đưa các dự án vào Chương trình phải chú ý đến khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra để bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành văn bản.
Tuy nhiên, do yêu cầu cấp thiết của thực tiễn vẫn có trường hợp các dự án, dự thảo được Chính phủ, các cơ quan đề xuất tập trung nhiều trong một số lĩnh vực, dẫn đến một số cơ quan phải chủ trì đảm nhiệm nhiều dự án trong một kỳ họp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, đề xuất dự án, dự thảo đưa vào Chương trình cần lưu ý để hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực; đồng thời, trong phân công cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh khi cần thiết để cân đối hợp lý số lượng dự án, dự thảo được giao chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý giữa các cơ quan của Quốc hội.