Trao đổi về xác định là tình tiết định khung hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm đối với người phạm tội
Ngày đăng : 08:52, 03/06/2024
Thông qua vụ án cụ thể, tác giả trao đổi cùng bạn đọc nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.
Tại điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS, tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định:
“1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ví dụ: Vũ Trung K, sinh năm 1978, trú tại thôn A, xã D, huyện E, tỉnh H. Ngày 31/10/2023, A thực hiện hành vi phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy (lượng ma túy thu giữ khi bắt quả tang là 0,75 gamHeroine). Khi xem xét tiền án, nhân thân của K thấy trước đó K đã bị Tòa án nhân dân huyện E xử phạt 15 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, chấp hành xong hình phạt tù ngày 16/12/2022.
Ý kiến thứ nhất cho rằng: Vũ Trung K phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 249 BLHS.
Bởi vì các lý do sau đây:
- Thứ nhất: Xét quy định của Điều 249, khoản 1 là khung hình phạt cơ bản và khi thuộc một trong các trường hợp theo điểm a đến điểm i thì có người thực hiện hành vi tàng trữ chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa, các trường hợp này có vị thế ngang nhau trong việc thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Trong đó có hai trường hợp:
+ Đã bị kết án về tội này hoặc các tội quy định tại Điều 248, 250, 251, 252 BLHS chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.
+ Heroine, Cocaine, Methamphetamine… có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 5 gam…
Đây là hai trường hợp độc lập với nhau, trường hợp đầu tiên không đặt ra đòi hỏi về khối lượng của chất ma túy được tàng trữ. Dấu hiệu “lại” vi phạm thể hiện tính chất nguy hiểm của việc lặp lại và điều này làm cho hành vi tàng trữ khối lượng nhỏ chất ma túy có tính chất nguy hiểm nằm trong cùng một khung mức độ nguy hiểm với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy khi đạt khối lương theo các trường hợp khác.
Do đó, vì nhân thân bị cáo “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là yếu tố cấu thành tội phạm với tình tiết định khung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS. Và hành vi bị cáo “tàng trữ trái phép ma túy” nếu đủ định lượng là yếu tố cấu thành tội phạm với tình tiết định khung quy định tại điểm từ b đến i khoản 1 Điều 249 BLHS.
Do đó khi một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy với khối lượng, thể tích được quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều này mà có các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thì ngoài việc áp dụng một trong các điểm từ b đến điểm i, còn phải áp dụng thêm điểm a khoản 1.
Ý kiến thứ hai cho rằng: Vũ Trung K phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS.
Vì, điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS quy định như vậy là chỉ áp dụng cho những trường hợp tàng trữ trái pháp chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 điều này.
Dó đó, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy không đạt mức tối thiểu được quy định từ điểm b đến điểm i khi người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trường hợp người phạm tội đã bị kết án về các tội theo quy định chưa được xóa án tích thì áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm; còn trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này thì chỉ xem xét vấn đề nhân thân khi lượng hình mà thôi.
Từ những quan điểm phân tích như trên, tác giả cho rằng, để thống nhất nhận thức, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS, cần có văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 249 theo hướng, chỉ khi nào người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy chưa đủ khối lượng, thể tích chất ma túy tối thiểu quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS mà có một trong các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đây là vụ án trong thực tiễn giải quyết còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Vì vậy, tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.