Bàn về quy định miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự
Ngày đăng : 10:09, 15/05/2024
Quy định của Bộ luật Hình sự
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:
“3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Đây là một quy định mới so với BLHS năm 1999, xét về chính sách hình sự theo hướng có lợi cho người phạm tội. Theo quy định trên thì việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
Một là, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do vô ý hay cố ý). Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù (điểm b khoản 1 Điều 9 BLHS). Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a khoản 1 Điều 9 BLHS).
Hai là, tội phạm đó gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.
Ba là, người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, chỉ khi người thực hiện hành vi phạm tội có đủ ba điều kiện trên thì mới có thể được cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự. Việc cơ quan tiến hành tố tụng có miễn trách nhiệm hình sự hay không còn phải xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả mà hành vi phạm tội đã gây ra trên thực tế, tiền án, tiền sự và nhân thân của người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, loại tội phạm được thực hiện chứ không phải trường hợp nào cũng được miễn trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự
Việc áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo rất ít khi được áp dụng và trên thực tiễn còn chưa thống nhất, ví dụ như sau:
Ví dụ 1: Theo nội dung Bản án số 128/2023/HSST ngày 18/9/2023 của TAND thành phố CB, tỉnh CB: Khoảng 14 giờ ngày 10/5/2023, tại trường Trung học phổ thông B, thành phố CB, tỉnh CB, bị cáo Sầm Đức L (sinh ngày 07/3/2006) và bị cáo Hoàng Nguyễn Trung H1 (sinh ngày 25/4/2006) có hành vi lấy trộm một chiếc điện thoại di động Iphone 12Pro trị giá 9.166.666 đồng của Đàm Quang T2, sau đó đem bán chiếc điện thoại lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt các bị cáo từ 06 tháng đến 09 tháng tù cho hưởng án treo.
Nhận định của Tòa án: Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Các bị cáo là người dưới 18 tuổi, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội, sau khi sự việc xảy ra đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Căn cứ Điều 91 BLHS, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
Quyết định của Tòa án: Áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS cho các bị cáo miễn trách nhiệm hình sự tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội được học tập, sửa chữa lỗi lầm, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Ví dụ 2: Theo nội dung Bản án số 67/2023/HS-ST ngày 14/4/2023 của TAND huyện NT, tỉnh ĐN: Vào lúc 16 giờ 40 phút ngày 05/8/2022, tại ấp Đ, xã H, huyện N, tỉnh Đ, Nguyễn Văn H đã có hành vi lén lút chiếm đoạt 01 xe mô tô hiệu Yamaha Exciter trị giá 9.400.000 đồng và 01 chiếc điện thoại di động Oppo A54 của anh Phan Văn Th trị giá 3.900.000 đồng. Tổng giá trị tài sản H chiếm đoạt là 13.300.000 đồng.
Nhận định của Tòa án: Bị cáo Nguyễn Văn H có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đã thực hiện hoàn thành hành vi phạm tội. Vì vậy có đủ căn cứ và cơ sở xác định hành vi của bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo và gia đình đã tích cực bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại cũng có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Ngoài ra sau khi phạm tội bị cáo ra đầu thú.
Xét tính chất vụ án là ít nghiêm trọng nhưng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tài sản hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Bản thân bị cáo H nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện thể hiện ý thức xem thường pháp luật của bị cáo. Do đó cần áp dụng mức hình phạt nghiêm để răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Quyết định của Tòa án: Căn cứ khoản 1 Điều 173 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 10 (mười) tháng tù.
Có thể thấy ở ví dụ thứ nhất có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị xử phạt các bị cáo từ 06 tháng đến 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, hành vi của các bị cáo đủ điều kiện áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS nên quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Ở ví dụ thứ hai, cũng có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS; tuy nhiên, Tòa án đã quyết định xử phạt tù đối với bị cáo. Qua hai ví dụ nên trên, cho thấy việc áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS có sự không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, sự không thống nhất trong cùng ngành Tòa án.
Thực tiễn hiện nay về việc áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi người thực hiện tội phạm đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS thì cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng căn cứ vào quy định trên để xác định hành vi không cấu thành tội phạm, từ đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 157 BLTTHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Chế định miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS chỉ xem xét, áp dụng đối với người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự tức là đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với họ. Tại Điều 157 BLTTHS quy định các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, mà việc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS không phải là căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu xác định người thực hiện tội phạm đủ điều kiện áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và thực hiện các thủ tục để miễn trách nhiệm hình sự đối với họ theo quy định của pháp luật. Việc miễn trách nhiệm hình sự phải được thể hiện bằng bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Để việc miễn trách nhiệm hình sự thực hiện đúng quy định của pháp luật mà vẫn có lợi cho người phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra nhưng không khởi tố bị can, sau đó ra quyết định đình chỉ vụ án.
Kiến nghị, đề xuất
Về việc áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS đối với người phạm tội khi đủ điều kiện thì quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai cho rằng việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự tức là họ đã bị khởi tố bị can về hành vi phạm tội của mình. Bởi vì, để áp dụng chính xác khoản 3 Điều 29 BLHS thì cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra xác minh, làm rõ những căn cứ tội phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, việc hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại, tình hình chính trị và những yếu tố khác để xem xét, quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không.
Theo quan điểm của tác giả thì việc áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS chỉ nên quy định thẩm quyền cho Tòa án xem xét quyết định áp dụng. Bởi vì, một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực. Mặt khác, việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người đủ điều kiện theo khoản 3 Điều 29 BLHS về bản chất người đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu của tội phạm được quy định trong BLHS. Tuy nhiên, do họ có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS nên có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc kết tội một người bằng bản án của Tòa án có hiệu lực thì việc miễn trách nhiệm hình sự cũng nên trao quyền xem xét, quyết định áp dụng cho Tòa án sẽ phù hợp hơn và đảm bảo cụ thể hóa Hiến pháp và thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Từ những tồn tại nêu trên khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS vào thực tiễn, tác giả đề nghị các cơ quan trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, điều kiện áp dụng để đảm bảo áp dụng thống nhất trong cả nước, trách tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật.
Lê Văn Thanh (TAQS khu vực QK 1) - Trần Công Tuấn Anh (TAQS QK 4)