Quy định về quản lý, xét duyệt công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân đi nước ngoài
Ngày đăng : 06:58, 03/05/2024
Quy định này quy định thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục quản lý, xét duyệt, cử, cho phép đi nước ngoài, gia hạn thời gian ở nước ngoài đối với công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quy định này được áp dụng đối với VKSND các cấp, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, người được cử đi nước ngoài về việc công và người được cho phép đi nước ngoài về việc riêng; không áp dụng đối với Viện trưởng VKSND tối cao và Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân đi nước ngoài bị nghiêm cấm các hành vi như sau:
Trường hợp đi nước ngoài về việc công: Tự ý đi nước ngoài mà không được cử hoặc trước khi được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền; tự ý ở lại nước ngoài quá thời gian quy định mà không xin phép hoặc trước khi được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền; mang theo trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ, tiền, tài sản được cơ quan, đơn vị giao quản lý khi đi nước ngoài; trừ trường hợp vì mục đích công vụ và được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép; mang theo tài liệu xác định độ “Mật" của Đảng, Nhà nước và của cơ quan, đơn vị đi nước ngoài khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền; đi không đúng quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đã được cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền cho phép; tự ý tiếp xúc với cá nhân, tổ chức nước ngoài khi chưa được Trưởng đoàn công tác hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Trường hợp đi nước ngoài về việc riêng, ngoài các hành vi bị nghiêm cấm quy định nêu trên, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân đi nước ngoài về việc riêng bị nghiêm cấm các hành vi sau: Sử dụng ngân sách nhà nước để đi nước ngoài về việc riêng; sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích cá nhân; không trung thực trong việc kê khai mục đích đi nước ngoài và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Công chức, viên chức và người lao động thuộc một trong những trường hợp sau đây chưa được xét duyệt đi nước ngoài:
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đang trong thời gian xem xét kỷ luật; đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; đang bị tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy; đang bị đình chỉ, tạm đình chỉ công tác.
Đang là đối tượng thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước; bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ để xác định đã thực hiện tội phạm; là người làm chứng quan trọng, là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đang thực hiện kiểm điểm, xem xét xử lý sau thanh tra, kiểm tra.
Đang trong thời gian làm hợp đồng có xác định thời hạn hoặc đang thực hiện chế độ công chức tập sự, công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển có thời gian công tác trong Ngành dưới 01 năm.
Trường hợp thực sự cần thiết, công chức, viên chức và người lao động phải ra nước ngoài thì Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến của Thủ trưởng và cấp ủy cấp trên trực tiếp.
Theo Quy định này, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh căn cứ Quy định này và quy định về bảo vệ chính trị nội bộ trong việc ra nước ngoài để quản lý, xét duyệt công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài đúng quy định. Chịu trách nhiệm thực hiện và triển khai Quy định này đến công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Chịu trách nhiệm với cấp trên về việc xuất cảnh, nhập cảnh của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý trực tiếp; chủ động phối hợp với cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công chức, viên chức và người lao động.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài; kịp thời xử lý khiếu nại, tố cáo và xem xét, xử lý kỷ luật theo đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm. Định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất của cấp có thẩm quyền, có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về kết quả xét duyệt đi nước ngoài của cấp mình về Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao để tổng hợp báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao theo quy định.
Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy định này; theo dõi, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xét duyệt đi nước ngoài. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, xét duyệt công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài. Tổng hợp, báo cáo số lượng, kết quả xét duyệt đi nước ngoài của các cơ quan, đơn vị trình Viện trưởng VKSND tối cao và gửi cấp có thẩm quyền.
Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao trong việc tham mưu cử, cho phép công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài. Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao căn cứ các tài liệu (Thư mời, Chương trình, Kế hoạch,..) xây dựng Tờ trình xin ý kiến Lãnh đạo VKSND tối cao về việc cử công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân đi nước ngoài về việc công. Sau khi Lãnh đạo VKSND tối cao có ý kiến, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao gửi các tài liệu liên quan đến Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao để tham mưu, ban hành Quyết định cử người đi nước ngoài theo quy định.
Sau khi công chức, viên chức và người lao động có Quyết định cử đi công tác nước ngoài, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc khai hồ sơ hoàn thiện thủ tục xin cấp hộ chiếu công vụ theo quy định hướng dẫn sử dụng và thực hiện quy trình quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
Việc đi nước ngoài của công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm chế độ xin phép, báo cáo theo quy định. Công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài phải chấp hành nghiêm Quy định này, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2024. Trường hợp các quy định được viện dẫn trong Quy định có bổ sung, sửa đổi hoặc được thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.