Xem xét, cho ý kiến về 05 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7

Ngày đăng : 18:34, 15/04/2024

(Kiemsat.vn) - Chiều 15/4/2024, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 05 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7; VKSND tối cao đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh:quochoi.vn)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong thời gian 04 ngày làm việc để cho ý kiến với 18 nội dung và 3 nội dung cho ý kiến bằng văn bản. Cụ thể:

Nhóm vấn đề thứ nhất, tiếp tục cho ý kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) gồm: Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, theo đó có 5 dự án luật là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Về các nhóm vấn đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Nhóm vấn đề quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7.

Đối với các nội dung xem xét thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023; cho ý kiến về Tờ trình số 01/TT-CTN ngày 01/3/2024 của Chủ tịch nước về việc ký Hiệp ước vay giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) cho Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; xem xét Báo cáo số 71/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024.

Theo chương trình phiên họp, điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nội dung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm 2 phần: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị để báo cáo Quốc hội và Quốc hội ban hành Nghị quyết; (2) Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung ngay một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhằm xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết, Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 đang điều chỉnh cả 4 lĩnh vực, một số điều luật thuộc phần quy định chung khi áp dụng cho hoạt động TTTP về hình sự, dẫn đến trên thực tế một số cơ quan có thẩm quyền và cán bộ thực thi pháp luật chưa phân định rõ sự khác nhau giữa các lĩnh vực, từ đó gây khó khăn, vướng mắc trong phối hợp triển khai, thi hành. Vì vậy, việc tách Luật TTTP thành 04 luật độc lập điều chỉnh từng lĩnh vực và ban hành Luật TTTP về hình sự là phù hợp và cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Kế thừa, phát huy các quy định còn phù hợp về TTTP về hình sự trong Luật TTTP năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành; khắc phục những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Việc xây dựng luật cũng sẽ hướng đến bảo đảm sự tương thích, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước hiện hành; thống nhất, đồng bộ với các dự án Luật cùng được tách ra; bảo đảm sự phù hợp với các Hiệp định TTTP về hình sự, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật TTTP về hình sự quy định các nguyên tắc, quy định chung, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động TTTP về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động TTTP về hình sự. Về đối tượng áp dụng, Luật TTTP về hình sự áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động TTTP về hình sự với Việt Nam.

Luật được xây dựng với 3 chính sách: Xây dựng cơ sở pháp lý ở tầm luật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dành cho nhau sự hợp tác, tương trợ tối đa; quy định có hệ thống, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động TTTP về hình sự; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong hoạt động TTTP về hình sự; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan Trung ương về TTTP về hình sự với các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoạt động TTTP về hình sự.

VKSND tối cao đề nghị xem xét đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

TH