Tiếp tục trao đổi về việc áp dụng tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Ngày đăng : 15:55, 05/04/2024
1. Về áp dụng tình tiết định khung “giết 02 người trở lên” và “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”
Nội dung vụ án:
Khoảng 23 giờ 20 phút ngày 30/12/2021, do nghi ngờ anh H, anh M và anh N đang đi trên một xe mô tô là nhóm người đã chặn xe ô tô đánh, chém mình bị thương tích trước đó, nên Q đã điều khiển xe ô tô, nhấn ga tăng tốc độ, đâm vào phía sau bên trái xe mô tô do anh H điều khiển, làm xe mô tô đổ lao vào lề đường, anh M và anh N ngã văng vào lề đường, anh H ngã nằm bất tỉnh trên nắp rãnh thoát nước bên phải theo chiều đi của xe ô tô. Q điều khiển xe ô tô đi thẳng cách vị trí anh H nằm khoản 20m; sau đó điều khiển xe vòng quay lại, thấy anh N và anh M đang cúi đỡ, nâng anh H dậy; Q tiếp tục nhấn ga tăng tốc độ cho xe ô tô đâm thẳng vào anh H, anh M và anh N; bánh trước bên lái của xe ô tô do Q điều khiển đã đâm chèn qua đầu anh H, đầu xe ô tô bên trái quệt vào đùi trái anh M gây thương tích. Hậu quả anh H chết trên đường đi cấp cứu, anh M bị thương tích, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 3%.
Trong quá trình giải quyết vụ án, còn có quan điểm khác nhau về việc áp dụng các tình tiết định khung đối với Q về Tội giết người:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Q phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) với tình tiết định khung theo các điểm a, l, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) là “giết 02 người trở lên”, “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, “có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả Nguyễn Tiến Đường) cho rằng, Q chỉ bị truy cứu TNHS với tình tiết định khung theo các điểm a, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết 02 người trở lên” và “có tính chất côn đồ” và tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai bởi những căn cứ và lập luận sau đây: “Giết 02 người trở lên” và “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” đều là tình tiết định khung thuộc về mặt khách quan của Tội giết người, lần lượt tại điểm a, l khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015. “Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” là trường hợp đối tượng phạm tội giết người đã sử dụng công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn và trong điều kiện cụ thể, phương pháp, thủ đoạn đó có khả năng làm chết nhiều người. Ví dụ: Ném lựu đạn vào trong khách sạn đang có đông người, cho thuốc độc xuống giếng nước có nhiều người sử dụng... Còn “giết 02 người trở lên” là trường hợp người phạm tội cố ý gây ra cái chết cho 02 người khác trở lên một cách trái pháp luật.
Để áp dụng chính xác nhất tình tiết định khung “giết 02 người trở lên” và “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, theo tác giả, cần làm rõ những dấu hiệu mang nét đặc trưng, khác biệt cơ bản của hai tình tiết này. Qua đó, tạo cơ sở nền tảng nhằm xác định trường hợp áp dụng tình tiết định khung “giết 02 người trở lên”; “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” tại điểm a, l khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015; có được áp dụng cả hai tình tiết này trong cùng một vụ án hay không?
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, cũng như nghiên cứu nhiều vụ án có tính chất tương tự như vụ án trên, có thể chỉ ra rằng, dấu hiệu mang tính khác biệt căn bản giữa hai tình tiết này được thể hiện qua hai tiêu chí: (1) Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; (2) Ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội đối với hậu quả do chính hành vi phạm tội đó gây ra được thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp. Theo tác giả, đối với tình tiết “giết 02 người trở lên” tại điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015, nếu lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp đối với 02 chủ thể (con người) khác nhau trở lên, thì cho dù hậu quả xảy ra từ hành vi phạm tội là gây chết 01 người hoặc thậm chí không chết người nào vẫn coi là giết 02 người trở lên. Bởi lẽ, ý chí của người thực hiện hành vi phạm tội là mong muốn tước đoạt tính mạng 02 chủ thể khác nhau trở lên, việc chỉ có 01 người chết hoặc không có người nào chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội (trường hợp phạm tội chưa đạt). Tuy nhiên, nếu người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp đối với 01 chủ thể duy nhất, còn các chủ thể khác chỉ là lỗi cố ý gián tiếp, thì có hai trường hợp xảy ra: (1) Hành vi phạm tội được coi là “giết 02 người trở lên” khi và chỉ khi hậu quả thực tế từ hành vi phạm tội khiến 02 người trở lên chết hoặc người muốn giết thì không chết, trong khi người không muốn giết lại chết; (2) Trong trường hợp hậu quả từ hành vi phạm tội khiến 01 người chết và đó là người mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mong muốn giết, còn những người khác chỉ bị thương, hoặc hậu quả của vụ án chỉ gây ra thương tích mà không gây ra án mạng, hoặc chưa gây ra hậu quả do nguyên nhân khách quan, thì áp dụng tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” theo điểm l khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015.
Đối với vụ án trên, hành vi của Q điều khiển xe ô tô là nhằm vào số lượng người cụ thể với lỗi cố ý trực tiếp, mục đích là giết cả 03 người gồm anh H, anh M và anh N. Tuy nhiên, hậu quả từ hành vi phạm tội của Q khiến anh H chết trên đường đi cấp cứu; anh M bị thương tích với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 3%. Hành vi của Q đủ điều kiện để bị truy cứu TNHS với tình tiết định khung “giết 02 người trở lên”, bởi ý chí của Q là mong muốn tước đoạt tính mạng đối với anh H, anh M và anh N, nhưng chỉ có anh H tử vong, anh M và anh N không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của Q. Q chỉ phải chịu TNHS với tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” trong trường hợp: Q có lỗi cố ý trực tiếp khi thực hiện hành vi phạm tội với bản thân anh H, còn với anh M và anh N là lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả khiến anh H tử vong, anh M và anh N bị thương tích; hoặc chỉ gây ra thương tích cho anh H, anh M và anh N mà không gây ra án mạng; hoặc chưa gây ra hậu quả do nguyên nhân khách quan chi phối.
2. Về việc đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thì có áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ không”?
Nội dung vụ án:
Khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 14/8/2021, tại nhà ông Lý Văn H, Lý Thị C (con đẻ của ông H) bị bệnh tâm thần phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đã cầm dao bằng kim loại, lưỡi dao dài 27cm, bản dao chỗ rộng nhất là 4,2cm, chỗ hẹp nhất là 2,7cm chém, cứa nhiều nhát vào đầu, cổ ông H. Hậu quả ông H chết. Trong quá trình giải quyết vụ án, còn có quan điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng các tình tiết định khung đối với Lý Thị C:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Lý Thị C phải bị truy cứu TNHS theo các điểm đ, i, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, “thực hiện tội phạm một cách man rợ”, “có tính chất côn đồ” và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả Nguyễn Tiến Đường) cho rằng, Lý Thị C chỉ bị truy cứu TNHS theo điểm đ, i khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là “giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, “thực hiện tội phạm một cách man rợ” và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai bởi những căn cứ và lập luận sau đây:
Thứ nhất, nhận thức về người mắc bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi: 1) Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức là người khi phạm tội mắc một bệnh làm cho họ nhận thức không đầy đủ được tính chất nguy hiểm về hành vi của mình, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra. Họ ở trong trạng thái không tỉnh táo hoàn toàn. Pháp luật chỉ thừa nhận và giảm nhẹ hình phạt cho họ nếu căn bệnh đó do bẩm sinh hoặc do những tác động khách quan đưa đến; nếu do tự họ gây ra thì không được giảm nhẹ; 2) Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình là trường hợp họ vẫn nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó, nhưng họ không điều khiển được hành vi theo ý muốn do hạn chế về hoạt động cơ học của cơ thể (như muốn nói mà không nói được, muốn giữ lại hoặc chống lại mà không hành động được hoặc có hành động nhưng không được như ý muốn).
Thứ hai, theo nội dung vụ án, Lý Thị C bị bệnh tâm thần phân liệt. Nghiên cứu cho thấy, tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi một sự suy giảm quá trình suy nghĩ và sự thiếu hụt các đáp ứng cảm xúc điển hình. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ảo giác, nghe thấy tiếng động hay giọng nói đến từ tâm trí và tự thức biến nó thành những cảm xúc tiêu cực và tích cực, bởi vì sự tương tác đó đã tác động đến cảm xúc, nên dẫn đến phản ứng hành vi không rõ ràng của bệnh nhân, đôi khi có thái độ căm ghét, thù hận những người thân, gia đình và xã hội. Chỉ những tác động nhỏ đủ khiến cho người bệnh mất đi sự ý thức, nhận thức như lo sợ, hoảng loạn, giận dữ hay cư xử với người và vật xung quanh bằng những hành vi thiếu kiểm soát. Người bệnh không thể định được thân tâm, rối loạn suy nghĩ; vô cảm và thiếu động lực sống, bất ổn trí nhớ. Bệnh gây rối loạn các chức năng xã hội và ảnh hưởng lớn đến công việc.
Thứ ba, về mối quan hệ giữa việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 với tính tiết định khung “có tính chất côn đồ” tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015.
Nếu người bị mắc bệnh tâm thần không nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của các quan hệ xã hội, về tính nguy hiểm và hậu quả của hành vi mình gây ra cho xã hội, thì không thể kết luận là họ hoàn toàn chủ động khi nhận thức và kiểm soát hành vi. Trong khi đó, tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” đòi hỏi người phạm tội phải nhận thức được đầy đủ về tính chất nguy hiểm và hậu quả của hành vi, nhưng do coi thường pháp luật, tính mạng của người khác, sẵn sàng dùng vũ lực và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một lý do nhỏ nhặt mà đâm chém, thậm chí giết người. Rõ ràng, nội hàm của tình tiết “bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi” và “có tính chất côn đồ” là hoàn toàn trái ngược nhau, nên không thể cùng một lúc áp dụng cả hai tình tiết trong một vụ án cụ thể.
Đối với vụ án trên, tác giả cho rằng, do bị hạn chế khả năng nhận thức (thậm chí do triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt gây ra), nên Lý Thị C không nhận thức được một cách đầy đủ hành vi của mình bị pháp luật hình sự cấm và có thể gây nguy hiểm cho ông Lý Văn H (bố đẻ của mình), đã thực hiện hành vi giết người khi không hoàn toàn kiểm soát được hành vi. Do đó, không thể áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” đối với Lý Thị C trong vụ án này.
Trong thực tiễn, có các vụ án còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tình tiết định khung “giết 02 người trở lên” thì có áp dụng tình tiết định khung “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” không; hay đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thì có áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” không? Thời gian tới, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn để luận giải rõ hơn nội dung này, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật một cách thống nhất khi giải quyết, xử lý những vụ việc tương tự trong thực tiễn.