Một số vấn đề về thủ tục tạm ngừng phiên tòa dân sự
Ngày đăng : 09:18, 01/04/2024
1. Hình thức tồn tại của quyết định tạm ngừng phiên tòa
Khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa”. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 không quy định rõ ràng việc tạm ngừng phiên tòa có phải lập thành quyết định riêng hay không. Chính vì vậy, thực tế giải quyết cho thấy có Tòa án ban hành quyết định tạm ngừng phiên tòa riêng nhưng cũng có Tòa án không ban hành quyết định tạm ngừng phiên tòa mà chỉ ghi nhận trong biên bản phiên tòa.
Ví dụ 1: Ông H và bà M là vợ chồng hợp pháp và có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường B, quận C, thành phố P từ ngày 13/8/1999. Trong thời gian chung sống, ông H và bà M phát sinh nhiều mâu thuẫn và đã sống ly thân từ năm 2012. Ngày 02/10/2019, ông H đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) quận B giải quyết được ly hôn với bà M. Tại phiên tòa ngày 28/8/2020, ông H và bà M cùng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải về việc ly hôn và nuôi con. Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn và ban hành Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 01/2020/QĐST-HNGĐ ngày 28/8/2020 quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Ví dụ 2: Vào ngày 18/8/2018, bà T đi bán vé số bằng xe đạp đang lưu thông trên đường thì bất ngờ bị xe mô tô do A điều khiển đi cùng chiều tông thẳng vào phía sau xe làm bà T ngã bất tỉnh phải đi cấp cứu, tai nạn làm bà T gãy xẹp đốt sống và chấn động não. Theo kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Đ thì tỉ lệ tổn thương cơ thể của bà T tại thời điểm giám định là 30%. Mặc dù, hai bên đã thương lượng nhưng không có kết quả. Nay nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho bà T chi phí thuốc men chữa trị thương tật số tiền 80 triệu đồng đã có danh sách kèm theo ngày 15/01/2019.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX sơ thẩm tạm ngừng phiên tòa nhưng không ban hành quyết định tạm ngừng phiên tòa. Do đó, khi xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm nhận định: “Hội đồng xét xử không ban hành quyết định tạm ngừng phiên tòa là vi phạm khoản 2 Điều 259 BLTTDS”.
Ở ví dụ 1, khi tạm ngừng phiên tòa, HĐXX sơ thẩm đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐST-HNGĐ ngày 28/8/2020 quyết định tạm ngừng phiên tòa. Trong khi đó, ở ví dụ 2, HĐXX sơ thẩm khi tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm đã không ra một quyết định riêng. Chính vì lẽ đó, Tòa án cấp phúc thẩm mới cho rằng, HĐXX sơ thẩm đã vi phạm khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015.
Tuy nhiên, như nêu trên, khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể việc tạm ngừng phiên tòa phải ban hành bằng một quyết định riêng biệt, mà chỉ quy định việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Giả sử trong ví dụ 2 HĐXX sơ thẩm đã ghi nhận việc tạm ngừng phiên tòa vào biên bản phiên tòa nhưng không ban hành một quyết định riêng thì cũng không bị coi là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 như HĐXX phúc thẩm đã nhận định. Theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 theo hướng:
Một là, việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi nhận trong bản án bên cạnh ghi trong biên bản phiên tòa. Việc ghi nhận trong bản án sẽ thuận tiện cho việc kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát.
Hai là, việc tạm ngừng phiên tòa cũng phải lập thành quyết định riêng. Khi xây dựng quy định về quyết định tạm ngừng phiên tòa có thể tham khảo quy định về quyết định hoãn phiên tòa tại khoản 2 Điều 233 BLTTDS năm 2015. Bởi vì, việc lập thành một quyết định riêng với các nội dung cụ thể sẽ hạn chế được tình trạng không minh bạch trong tạm ngừng phiên tòa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Ngoài ra, việc ghi nhận bằng một quyết định cụ thể cũng thuận tiện cho việc thông báo đến người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát. Đồng thời, cũng tương thích với quy định về biểu mẫu quyết định tạm ngừng phiên tòa được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.
2. Nghĩa vụ thông báo sau khi có quyết định tạm ngừng phiên tòa
Theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 thì “HĐXX phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa”.
Có quan điểm cho rằng, “những người tham gia tố tụng” trong trường hợp này được hiểu là những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa, theo cách hiểu này, HĐXX chỉ phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa mà không phải gửi cho những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa.
Tuy nhiên, theo tác giả, “người tham gia tố tụng” tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015 là chỉ nhóm chủ thể gồm: Đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; người làm chứng; người giám định; người phiên dịch; người đại diện của đương sự. Sở dĩ, cần phải xác định như vậy vì trong BLTTDS năm 2015, khái niệm “người tham gia tố tụng” được sử dụng nhiều lần để chỉ nhóm người này, thậm chí, BLTTDS năm 2015 cũng dành một chương để quy định về người tham gia tố tụng. Khoản 4 Điều 233 BLTTDS năm 2015 cũng quy định: “Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa”. Theo tác giả, trong cả hai trường hợp tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa, “người tham gia tố tụng” đều được hiểu là nhóm các chủ thể nêu trên. Cách hiểu như vậy phù hợp với khái niệm “người tham gia tố tụng” trong BLTTDS và đảm bảo quyền được tham gia phiên tòa của người tham gia tố tụng. Trong một số trường hợp, có thể tại ngày tiến hành phiên tòa (bị tạm ngừng) người tham gia tố tụng vì một lý do nào đó không thể có mặt, tuy nhiên, tại ngày mở lại phiên tòa (sau khi tạm ngừng) họ có thể tham gia, do đó, nếu HĐXX không thông báo đến những người tham gia tố tụng này là không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của họ và có thể gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
3. Giải quyết vụ án sau khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa đã được khắc phục
Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành không quy định cụ thể khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa không còn, HĐXX tiếp tục phiên tòa ngay tại thời điểm tạm ngừng hay phải mở lại phiên tòa từ đầu.
Thứ nhất, xét khía cạnh bản chất của khái niệm tạm ngừng phiên tòa. Hiện nay, chưa có định nghĩa như thế nào là tạm ngừng phiên tòa. Theo Từ điển tiếng Việt, “tạm” là “chỉ trong một thời gian nào đó, khi có điều kiện thì sẽ có thay đổi”; “ngừng” là “không tiếp tục hoạt động, phát triển”. Theo đó, có thể hiểu tạm ngừng là không tiếp tục hoạt động, phát triển trong một thời gian nào đó khi có căn cứ và sẽ tiếp tục trở lại khi đủ điều kiện. Có quan điểm cho rằng: “Tạm ngừng phiên tòa có thể hiểu là phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong thời gian ngắn khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng dân sự quy định”.
Như vậy, tạm ngừng phiên tòa là trường hợp phiên tòa đang diễn ra và có căn cứ theo quy định của BLTTDS dẫn đến phiên tòa không thể tiếp tục ngay lúc đó, vì vậy, HĐXX phải dời phiên tòa sang xét xử sang một thời điểm khác khi các căn cứ tạm ngừng phiên tòa đã được khắc phục. Như vậy sẽ phù hợp với bản chất của khái niệm tạm ngừng phiên tòa nhất khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa đã khắc phục được, HĐXX tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm phiên tòa tạm ngừng.
Thứ hai, xét khía cạnh căn cứ tạm ngừng phiên tòa. Theo khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015, HĐXX có thể tạm ngừng phiên tòa vì nhiều lý do. Trong các căn cứ tạm ngừng phiên tòa này, có những căn cứ mà khi khắc phục được HĐXX có thể tiếp tục phiên tòa ngay tại thời điểm tạm ngừng phiên tòa, tuy nhiên, cũng có những căn cứ mà việc tiếp tục phiên tòa ở thời điểm tạm ngừng là không khả thi.
(1) Nhóm các căn cứ về tình trạng sức khỏe của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa (điểm a, điểm b khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015). Nghĩa là, khi phiên tòa đang diễn ra, vì lý do sức khỏe hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng không thể tiếp tục phiên tòa, dẫn đến HĐXX phải tạm ngừng phiên tòa. Sau khi tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan đã được khắc phục, tác giả cho rằng HĐXX có thể tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng. Bởi vì, trường hợp này, người tiến hành tố tụng đã tiến hành tố tụng ngay từ đầu, người tham gia tố tụng cũng đã tham gia tố tụng ngay từ đầu, biết rõ nội dung sự việc, hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, họ biết phiên tòa đang tạm ngừng ở giai đoạn nào, do đó, khi phiên tòa mở lại từ thời điểm tạm ngừng, họ có thể tiếp tục tiến hành, tham gia tố tụng phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng phiên tòa không cần phải bắt đầu lại.
(2) Nhóm các căn cứ về thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa (điểm c, điểm d khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015). Nhóm căn cứ này tác động trực tiếp đến các tình tiết, sự việc trong vụ án và có thể làm thay đổi cơ bản kết luận của HĐXX. Tác giả cho rằng, tùy thuộc vào chủ thể thu thập tài liệu, chứng cứ là ai, tùy thuộc vào mức độ tác động của tài liệu, chứng cứ đối với vụ án mà HĐXX cần xem xét có thể tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng hay bắt đầu lại phiên tòa.
Trường hợp 1: Phiên tòa ban đầu không bắt buộc có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhưng sau khi tạm ngừng phiên tòa xuất hiện căn cứ mà pháp luật quy định bắt buộc phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát. Trường hợp này hiện nay còn tồn tại quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, do BLTTDS không có quy định tạm ngừng phiên tòa thu thập chứng cứ, sau khi mở lại thì phải có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, nên không phải thông báo cho Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Nếu theo quan điểm này thì sau khi tạm ngừng, HĐXX có thể tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng mà không phải bắt đầu lại phiên tòa.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu Tòa án có hoạt động thu thập chứng cứ nói chung đều thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, kể cả phiên tòa không có Viện kiểm sát tham gia nhưng phải tạm ngừng để thu thập chứng cứ, sau đó phiên tòa được mở lại thì cũng phải có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định chung. Nếu theo quan điểm này thì sau khi tạm ngừng, HĐXX phải mở lại phiên tòa từ đầu để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát tham gia phiên tòa từ đầu, vì nếu tiếp tục tiến hành phiên tòa từ thời điểm tạm ngừng mà Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nửa chừng thì sẽ không nắm được nội dung vụ án, yêu cầu cụ thể của các bên; và các bên đương sự mất quyền yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên (vì không có phần thủ tục).
Theo tác giả, để đảm bảo đúng nguyên tắc “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”, nếu vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này (khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015) thì phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, kể cả khi điều kiện này phát sinh sau khi HĐXX tạm ngừng phiên tòa. Bởi vì, trước khi tạm ngừng phiên tòa không có sự tham gia của Kiểm sát viên, nên sau khi tạm ngừng mà tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng Kiểm sát viên sẽ không thể kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa một cách toàn diện, dẫn đến khó khăn cho Kiểm sát viên trong việc “bắt kịp” diễn biến phiên tòa do không được tham gia từ đầu. Mặt khác, việc tiếp tục phiên tòa từ thời điểm tạm ngừng cũng làm hạn chế quyền của đương sự trong việc yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên nếu phiên tòa tiếp tục từ giai đoạn tranh tụng.
Trường hợp 2: Việc thu thập tài liệu, chứng cứ làm phát sinh thêm đương sự. Giả sử sau khi HĐXX tạm ngừng phiên tòa để “xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ” mà phát sinh thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì việc tiếp tục phiên tòa ngay ở thời điểm tạm ngừng sẽ không đảm bảo được quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đó (quyền tham gia phiên tòa ngay từ đầu, quyền đưa ra yêu cầu độc lập, quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch trong trường hợp phiên tòa tiếp tục sau thủ tục bắt đầu phiên tòa). Trường hợp này nếu đương sự mới phát sinh đưa ra yêu cầu thì phải quay trở lại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm để Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý yêu cầu, thu thập, cung cấp, kiểm tra, công khai tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hay sự phản đối yêu cầu mới, các đương sự có cơ hội hòa giải đối với yêu cầu mới trừ trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được. Nếu đương sự mới không đưa ra yêu cầu thì cần bắt đầu lại phiên tòa để đương sự mới được tham gia phiên tòa ngay từ đầu, được thực hiện các quyền tố tụng tại phiên tòa (quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch,…). Thời hạn mở lại phiên tòa cần đảm bảo để đương sự mới có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đảm bảo các quyền của họ.
Ngoài ra, nếu sau khi tạm ngừng phiên tòa mà phát sinh đương sự mới và đương sự này thuộc một trong các trường hợp: Đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì lúc này cần xem xét lại trường hợp 1 đã nêu trên về sự tham gia tố tụng của đại diện Viện kiểm sát.
Trường hợp 3: Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc để chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại nhưng không thuộc trường hợp 1 và 2 nêu trên thì theo tác giả cần tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng. Điều này đúng với bản chất của tạm ngừng phiên tòa và vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đồng thời cũng không gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
(3) Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa do “các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải”. Tác giả cho rằng, trường hợp này HĐXX có thể tiếp tục phiên tòa ngay tại thời điểm tạm ngừng bởi vì không có sự thay đổi về người tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng do họ đều đã tham gia phiên tòa ngay từ đầu. Sau khi tạm ngừng phiên tòa, nếu các đương sự hòa giải được với nhau thì HĐXX công nhận kết quả hòa giải đó, nếu các đương sự không hòa giải được với nhau thì HĐXX tiếp tục xét xử phiên tòa từ thời điểm tạm ngừng.
(4) Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa vì lý do “cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này”. Tác giả cho rằng, HĐXX có thể tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng mà không cần bắt đầu lại phiên tòa. Bởi vì, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng ngay từ đầu nên khi tiếp tục phiên tòa từ thời điểm tạm ngừng không gây khó khăn cho họ.
Thứ ba, xét khía cạnh HĐXX quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà căn cứ tạm ngừng chưa khắc phục được. Theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015, “thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì thời hạn tạm ngừng phiên tòa có thể là 01 tháng hoặc ít hơn 01 tháng kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Nếu đã hết thời hạn 01 tháng nhưng lý do tạm ngừng phiên tòa chưa khắc phục được thì HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Đối với trường hợp HĐXX tạm đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hạn tạm ngừng mà lý do để tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì sau khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa từ thời điểm tạm ngừng. Bởi vì, tạm đình chỉ giải quyết vụ án là “hành vi tố tụng sau khi thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền tạm dừng quá trình giải quyết vụ án khi phát hiện có một trong những căn cứ để tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật. Vụ án được tiếp tục giải quyết lại nếu căn cứ tạm đình chỉ không còn”. Khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì vụ án được tạm dừng, thì lúc này thời hạn tạm ngừng phiên tòa đã quá 01 tháng, pháp luật tố tụng dân sự cũng không quy định thời hạn tạm đình chỉ giải quyết vụ án nên không xác định được lúc nào Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án. Nếu trường hợp này HĐXX tiếp tục phiên tòa ngay ở thời điểm tạm ngừng thì sẽ rất khó khăn cho người tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng do thời gian gián đoạn phiên tòa quá dài. Hơn nữa, xét về bản chất, trường hợp này không còn là tạm ngừng lại phiên tòa mà là tạm ngừng lại cả quá trình giải quyết vụ án, do đó, sẽ không hợp lý nếu sau khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, HĐXX tiếp tục phiên tòa ngay từ thời điểm tạm ngừng trước đây.
Về vấn đề này, tiểu mục 2 Mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định: “... Như vậy, trường hợp vụ án đã được đưa ra xét xử sau đó mới tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 259 nêu trên, nhưng sau đó lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án phải căn cứ Điều 216 của BLTTDS để ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo Mẫu số 44-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong Mẫu số 44-DS không có nội dung về ngày mở phiên tòa. Vì vậy, kèm theo quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, Tòa án gửi thông báo ngày mở lại phiên tòa và phiên tòa sẽ được tiến hành lại từ đầu”. Theo hướng dẫn này thì trong trường hợp HĐXX tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hạn 01 tháng nhưng căn cứ tạm ngừng phiên tòa vẫn chưa được khắc phục thì sau khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, phiên tòa phải được tiến hành lại từ đầu mà không tiếp tục ngay tại thời điểm đã tạm ngừng.
Thực tiễn cho thấy, Tòa án cũng theo hướng nếu tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do hết thời hạn 01 tháng nhưng căn cứ tạm ngừng chưa khắc phục được thì khi mở lại phiên tòa cần thiết phải bắt đầu lại phiên tòa.
Theo tác giả, đối với trường hợp HĐXX tạm đình chỉ giải quyết vụ án sau khi đã hết thời hạn 01 tháng mà căn cứ tạm ngừng phiên tòa vẫn chưa khắc phục được thì cần tùy thuộc vào căn cứ tạm ngừng phiên tòa là gì mà HĐXX quyết định mở lại phiên tòa hay quay trở lại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Như đã nêu trên, nếu sau khi tạm ngừng phiên tòa để thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ mà phát sinh đương sự mới và đương sự này có yêu cầu độc lập thì việc mở lại phiên tòa từ đầu dường như chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó, mà lúc này cần quay lại thủ tục chuẩn bị xét xử sơ thẩm để thực hiện các thủ tục thụ lý yêu cầu độc lập, thu thập, giao nộp, công khai tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu độc lập, hòa giải đối với yêu cầu độc lập (trừ vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được) trước khi đưa ra xét xử tại phiên tòa.