Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các nội dung quan trọng và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31
Ngày đăng : 17:03, 14/03/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày; dự kiến cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng.
Theo đó, thứ nhất, về nhóm công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình và tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật trước khi trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Cùng với 2 dự án Luật đã được cho ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 9 dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô mà đối với cả nước, với vị trí Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cũng là đầu tàu động lực, không chỉ vùng mà cho cả nước. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến để hoàn thiện cao nhất cho dự án Luật này.
Về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, theo Chủ tịch Quốc hội, ban hành Luật này là một cơ hội để hoàn thiện thể chế tốt nhất cho lĩnh vực phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án luật khác đã được chuẩn bị và tiếp thu, chỉnh lý tối đa, trên cơ sở các chính sách đã trình đã có những thay đổi một cách rất sâu sắc cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Chỉ rõ những nội dung trọng tâm trong phiên họp tháng 3 này, trong bối cảnh thời gian không có nhiều, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên từng lĩnh vực và những lĩnh vực khác có liên quan tích cực, thảo luận liên tục để đóng góp ý kiến cho chất lượng của các dự án Luật là tốt nhất.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, theo công tác thường niên, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với báo cáo công tác dân nguyện tháng 2 năm 2024.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày làm việc, ngày 18/3/2024 để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là thuộc lĩnh vực tài chính, tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính. Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao, tập trung các nội dung: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Các nội dung chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp và có kết nối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, có sự tham gia của một số Phó Thủ tướng và một số các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tổ chức một cuộc họp để chuẩn bị cho nội dung chất vấn này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trọng tâm các nội dung làm việc tại phiên thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, trong tháng 3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, cùng với các phiên họp trong thời gian tới, cơ bản hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.