VKSND cấp cao tại Đà Nẵng: Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án phá sản doanh nghiệp

Ngày đăng : 14:40, 13/03/2024

(Kiemsat.vn) - Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án phá sản doanh nghiệp theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy việc giải quyết vụ án "Yêu cầu mở thủ tục phá sản" của TAND tỉnh G có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm tới các đơn vị VKSND khu vực miền Trung - Tây Nguyên để tham khảo.

Nội dung vụ án

Ngày 04/5/2023, Tòa án nhân dân tỉnh G nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phán sản của Công ty L đối với Công ty Đ. Trước đó, giữa Công ty L và Công ty Đ có ký hợp đồng kinh tế cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủ công vào năm 2016, đến năm 2018 công trình được nghiệm thu quyết toán. Công ty L khởi kiện yêu cầu Công ty Đ trả nợ số tiền gốc còn lại là 14.764.848.038 đồng và tiền lãi tính từ ngày 01/10/2020. Nội dung này đã được nhận định và quyết định tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2022/KDTM-ST ngày 07/6/2022 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh G và Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G.

Ngày 15/3/2023, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh G ra Quyết định số 1044/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án theo yêu cầu theo yêu cầu thi hành án của Công ty L. Sau đó tạm đình chỉ thi hành án do có Thông báo thụ lý phá sản số 210/PS-TBTA ngày 25/7/2023 của TAND tỉnh G theo yêu cầu của Công ty L đối với Công ty Đ.

Quá trình giải qyết vụ án

Ngày 09/10/2023, TAND tỉnh G đã ra Quyết định số 01/2023/QĐ-MTTPS tuyên bố mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đ. Và ngày 13/10/2023, Công ty Đ có đơn đề nghị xem xét lại Quyết định mở thủ tục phá sản Quyết định số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09/10/2023 của TAND tỉnh G.

Tại Quyết định số 03/2023/QĐ-PT giải quyết đề nghị xem xét lại đối với Quyết định mở thủ tục phá sản ngày 10/11/2023 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định: Chấp nhận đơn đề nghị xem xét lại Quyết định mở thủ tục phá sản của Công ty Đ; Hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09/10/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G đối với Công ty Đ.

Vấn đề cần rút kinh nghiệm

Quyết định thi hành án số 1044/QĐ-CCTHADS ngày 15/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P đã căn cứ Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G, đã cho thi hành án đối với người phải thi hành án là Công ty Đ với số tiền phải thi hành án là 17.127.349.629 đồng.

Tại Biên bản giải quyết việc thi hành án ngày 11/4/2023, đại diện Công ty L yêu cầu thanh toán nợ, trong đó trả 50% trong vòng 03 tháng (04, 05, 06/2023) và trả dứt điểm trong năm 2023. Đại diện Công ty Đ đề nghị được trả dần hàng tháng theo lộ trình 03 năm.

Ngày 26/4/2023, Công ty L có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Tòa án nhân dân tỉnh G, với lý do Công ty Đ đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ gốc 14.764.848.038 đồng. Đến ngày 09/10/2023 thì Công ty Đ chưa thanh toán được khoản tiền nào cho Công ty L; do đó đã căn cứ vào Điều 9, Điều 42 và Điều 66 của Luật phá sản để ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đ.

Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định phá sản doanh nghiệp đối với Công ty Đ mà chưa áp dụng đúng quy định pháp luật và chưa đánh giá toàn diện vụ án, cụ thể: Công ty Đ là Công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều Chi nhánh và cơ sở hoạt động kinh doanh ở nhiều địa phương khác nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Về tố tụng: Quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sơ thẩm không thành lập Tổ Thẩm phán đối với vụ án nêu trên là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật phá sản và Điều 2 Thông tư 01/2015/TT-CA ngày 08/10/2015 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về quy chế làm việc của Tổ; Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản và không tổ chức phiên họp thương lượng giữa chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo khoản 1 Điều 37 Luật phá sản.

Về đánh giá chứng cứ: Việc thanh toán khoản nợ 17.127.349.629 đồng mới được tuyên tại bản án phúc thẩm có hiệu lực vào tháng 02/2023, so với tài sản của Công ty Đ thì số tiền phải thanh toán là không lớn và Công ty Đ cũng đã lên phương án, lộ trình để trả nợ, đã thực hiện chuyển trả tiền vào ngày 14/6/2023 là 500.000.000 đồng và ngày 29/6/2023 chuyển trả 400.000.000 đồng vào tài khoản Công ty L nhưng không chuyển được vì tài khoản bị khóa, Công ty đã rất có thiện chí trong việc trả nợ. Thực tế, trước khi mở phiên họp xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản, Công ty Đ đã chuyển trả cho Công ty L vào các ngày 12/10/2023 số tiền 100.000.000đ, ngày 17/10/2023 là 300.000.000 đồng và ngày 08/11/2023 là 3.600.000.000 đồng, tổng cộng đã chuyển trả là 4.000.000.000 đồng và cam kết có lộ trình thanh toán nợ cụ thể. Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đồng thời tạo điều kiện cho 2 công ty thương lượng trả nợ. Việc ra Quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp lớn như Công ty Đ là gây ra thiệt hại lớn đến thương hiệu của Công ty; làm ảnh hưởng đối với hàng ngàn lao động tại địa phương. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 39/10/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế và xã hội.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân các địa phương khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cùng tham khảo và rút kinh nghiệm khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án phá sản doanh nghiệp tương tự.

Thy Anh