Hội nghị triển khai phần mềm "Trợ lý ảo" trong ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 12:05, 29/02/2024
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh: Nguyễn Mai Thúy, Nguyễn Văn Minh; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Ninh, các đồng chí Biên tập viên Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao. Cùng dự có đồng chí Phan Văn Phúc, Giám đốc VNPT Quảng Ninh và cán bộ VNPT tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên toàn cầu khiến cho lĩnh vực tư pháp cũng không nằm ngoài được xu thế đó. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp đang gặp không ít khó khăn xuất phát từ những rào cản về con người, kĩ thuật và cơ sở pháp lý. Để tránh bị tụt hậu so với xu thế chung, trong những năm gần đây, ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã sớm chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo điều hành, đào tạo và giải quyết công việc cụ thể và đã đạt được nhiều kết quả làm cơ sở để hoạt động này diễn ra mạnh mẽ hơn.
Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh và đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát VKSND tối cao đồng chủ trì Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân; theo đó, ngày 02/12/2022, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-VKSTC phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm xuyên suốt của công tác chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân là lấy công chức, viên chức và người lao động làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, VKSND tối cao xác định năm 2024 là năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch số 221/KH-VKSTC ngày 15/12/2023 của VKSND tối cao về chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 là xây dựng ứng dụng "Trợ lý ảo" trong hoạt động hành chính, nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Ứng dụng sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho cán bộ, Kiểm sát viên rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và có thể liên kết, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Viện kiểm sát các cấp.
Đồng chí Lưu Văn Hưng, Chánh Văn phòng giới thiệu về phần mềm trợ lý ảo trong Ngành Kiểm sát Quảng Ninh. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những nhận thức về ứng dụng "Trợ lý ảo", xác định rõ mục tiêu, tiếp thu những kinh nghiệm, kết quả của một số cơ quan, đơn vị trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Trợ lý ảo. Đồng thời, bước đầu thống nhất cách thức phối hợp, triển khai nhằm đảm bảo tiến độ triển khai và đạt hiệu quả cao nhất.
Kế hoạch số 221/KH-VKSTC của VKSND tối cao ban hành ngày 15/12/2023 về chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, xác định năm 2024 là năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ đề ra phải bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện; lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng. Tập trung phát triển các nền tảng số dùng chung toàn ngành Kiểm sát nhân dân để liên kết, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Viện kiểm sát các cấp và giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các bộ, ban, ngành, địa phương. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết và cần thực hiện trước một bước trong chuyển đổi số.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là ứng dụng công nghệ số hiện đại, bảo mật để đem lại kết quả công việc tốt hơn, từ công tác đảng, công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ của từng lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính và một số hoạt động nghiệp vụ chính của Ngành lên môi trường số; từng bước ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ của Ngành, trong đó trọng tâm là việc quản lý, xử lý toàn trình án hình sự trên môi trường số.