Tập “Trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” - Ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 08:42, 26/02/2024
Ngày 26/02/1961, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xuất bản số 1 “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Đây là ấn phẩm báo chí đầu tiên đánh dấu sự mở đầu cho công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân, là ấn phẩm có nội dung chuyên ngành, thông tin những vấn đề về lý luận, khoa học nghiệp vụ, phương pháp công tác kiểm sát và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, thể hiện trên những điểm sau: (1) “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” là ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân - một ngành mới được thành lập trong thể chế nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; (2) Đây là ấn phẩm mở đầu cho công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân; (3) Sự ra đời của ấn phẩm đã giúp những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân vừa mới được thành lập nhanh chóng đến với cán bộ trong ngành. Góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ chuyên môn đối với cán bộ của ngành. Tôn chỉ, mục đích của ấn phẩm được xác định: Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát là tiếng nói của ngành Kiểm sát từ trung ương đến địa phương, với mục đích yêu cầu là phương tiện để hướng dẫn công tác kiểm sát, học hỏi lẫn nhau và về trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trong toàn ngành, giữa các địa phương, các cán bộ với nhau. Phương châm là kịp thời, nhanh, sắc bén; tính chất là phục vụ cho từng đợt công tác ngắn; chủ yếu không phải là một tập nghiên cứu pháp lý lâu dài.
Trong thời gian này, Phòng Tuyên truyền pháp luật trực thuộc Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, là đơn vị trực tiếp phụ trách ấn phẩm. Phòng đã tiến hành biên tập và in ấn “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” với số lượng 500 bản, phát hành định kỳ 02 tháng/01 số tới các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố và các Viện kiểm sát quân sự. Đã nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cộng tác viên đông đảo, có những bài viết phản ánh mọi mặt hoạt động của ngành, trao đổi những kinh nghiệm thiết thực trong công tác, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngành.
Đến năm 1963, Phòng Tuyên truyền pháp luật được đổi tên thành Phòng Tuyên truyền - Nội san; đây chính là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức nội dung, biên tập, in ấn, phát hành “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” và “Nội san công tác kiểm sát”. Nhiệm vụ chung của Phòng Tuyên truyền - Nội san là: Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức công tác tuyên truyền pháp luật trong toàn ngành, phụ trách việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tình hình thời sự trong cơ quan, phụ trách việc làm và xuất bản “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Nhiệm vụ cụ thể là: Vạch kế hoạch nội dung, biện pháp tuyên truyền cho các Viện kiểm sát địa phương, soạn đề cương tuyên truyền, hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương sử dụng; theo dõi công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của các đơn vị trong toàn ngành và rút kinh nghiệm, tổng kết công tác; viết bài và sách về pháp luật; tổ chức nói chuyện về thời sự và pháp luật trong cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bảo quản tài liệu liên quan đến công tác xây dựng ngành và tổ chức triển lãm; chuẩn bị bài, sửa bài, xuất bản “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” của ngành; tham gia việc tổ chức các hội nghị lớn của toàn ngành như sơ kết, tổng kết công tác kiểm sát hằng năm; biên dịch, nghiệm thu những tài liệu sách báo ngoại văn có liên quan đến công tác kiểm sát để tham khảo.
Về nhân sự: Từ năm 1961, đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc làm và xuất bản “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Đồng chí Nguyễn Văn Khuê - Trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức việc biên tập và xuất bản “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Ban Biên tập “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” lúc mới thành lập và trong các năm 1961, 1962 gồm có 03 người: Đồng chí Nguyễn Văn Khuê - Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Thạch Giản làm nhiệm vụ biên tập và phóng viên, đồng chí Phạm Quang Lý phụ trách công tác trị sự, hành chính của Toà soạn.
Trong hai năm 1961 và 1962, “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” phát hành mỗi năm 8 kỳ (bình quân một tháng rưỡi ra một kỳ), số trang mỗi kỳ không cố định, từ 36 trang đến 75 trang, tuỳ theo từng số, có những số còn có phụ lục đặc biệt; phạm vi phát hành nội bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Từ số 01 đến số 03 năm 1961, được in trên khổ nhỏ 16cm x 21cm, đánh bằng máy chữ, in roneo, tên gọi trên trang bìa là: “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Ngay từ số 01 đã có Hộp thư và mục Hướng viết bài cho số tiếp theo.
Bìa số 1 Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát, phát hành tháng 02 năm 1961. |
Từ số 04/1961, xuất bản trên khổ lớn hơn là 17cm x 24cm và được in sắp chữ tipo, tên gọi trên trang bìa là “Kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Ngoài các bài viết chính có thêm mục “Hỏi và đáp pháp luật” và mục “Điểm tin hoạt động trong ngành” in ở cuối mỗi tập, có số có kèm theo Phụ lục đặc biệt.
Trong những số đầu tiên, “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã tập trung giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân để cán bộ trong toàn ngành có nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.
Số đầu tiên (số 01/1961), ngoài việc giới thiệu về tôn chỉ, mục đích hoạt động, “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã tập trung vào việc định hướng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã có bài xã luận với tiêu đề “Phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của Hội nghị toàn ngành tháng 1 năm 1961”; bài “Bàn về phương châm lấy ngăn ngừa phạm pháp làm chính” của tác giả T.H; bài “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật” của tác giả Đức Bẩy... Những bài báo đầu tiên này đã truyền tải tới cán bộ trong toàn ngành những nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về trọng tâm công tác của ngành, về công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác tuyên truyền pháp luật và tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân.
Trong số 02 (ra tháng 3/1961), “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đăng bài nói của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị chỉnh huấn của ngành. Trong đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu các văn kiện: Bản Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân tại Mát-cơ-va tháng 11/1960; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân 1961; Lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng về chỉnh huấn. Đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng nhấn mạnh công tác của ngành Kiểm sát nhân dân: Phải luôn luôn tiến hành trên hai mặt, là tăng cường chuyên chính với địch, đồng thời mở rộng dân chủ đối với nhân dân và phát huy tinh thần làm chủ trên các mặt công tác để bảo vệ pháp luật của Nhà nước.
Từ số 4/1961, với tên gọi: “Kinh nghiệm công tác kiểm sát”, đã đăng các bài chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao như bài phát biểu của đồng chí Hoàng Quốc Việt bế mạc Hội nghị kiểm sát xét xử tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đăng số tháng 7/1961); bài viết của đồng chí Hoàng Quốc Việt về công tác tuyên truyền (đăng số tháng 11/1962); bài lược ghi ý kiến phát biểu của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt về công tác cán bộ và công tác thi đua của ngành (đăng số tháng 12/1962)... Các bài có tính chất nghiên cứu, với nội dung chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ công tác như bài “Tính chất chính trị và sự cần thiết của các bước công tác, các thủ tục pháp luật trong công tác kiểm sát điều tra” của đồng chí Trần Hiệu – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đăng số 4/1961); bài “Một vài kinh nghiệm phổ biến Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân” của tác giả Nguyễn Nhã (đăng số 6/1961); bài “Kinh nghiệm kiểm sát điều tra” của tác giả Duy Soạn (đăng số 10/1962); bài “Mấy kinh nghiệm bước đầu về công tác kiểm sát tại chỗ một số hợp tác xã nông nghiệp” của tác giả Thanh Trưu (đăng số 12/1962)...
Về mặt nghiệp vụ báo chí, số 9/1962 của tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” có in thêm Phụ lục đặc biệt, giới thiệu “Bản luận tội về vụ án Lạm dụng chức vụ gây ra tham ô lãng phí tại nhà máy thuốc lá Thăng Long”; trên số 15 (1962) có đăng bài “Phỏng vấn đồng chí Huỳnh Lắm - Vụ trưởng Vụ kiểm sát xét xử hình sự về công tác kiểm sát xét xử hình sự trong năm 1962”, đây có thể coi là bài phỏng vấn đầu tiên của Tạp chí Kiểm sát; trên số 10 (1962) đăng bài “Thời đại chúng ta với vấn đề phạm tội” dịch từ bài viết của tác giả La Cheinine đăng trên báo “Tin tức Mạc Tư Khoa” số ra ngày 01/4/1961, đây là bài dịch đầu tiên và là bài viết có sapo đầu tiên được đăng trên ấn phẩm của Tạp chí Kiểm sát.
Trang bìa tập Kinh nghiệm công tác kiểm sát, phát hành tháng 9 năm 1962. |
Trong những số ra tiếp theo, “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” và “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã tập trung vào việc giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về lý luận và quy định về tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960; làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp công tác của Viện kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội và thực hành quyền công tố; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền dân chủ của công dân, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều bài nghiên cứu về lý luận và kinh nghiệm của Viện kiểm sát Liên Xô và Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa đã có tác dụng thiết thực, làm cho cán bộ Kiểm sát nhận thức đúng và đầy đủ hơn về phạm vi, nội dung của công tác kiểm sát trong bối cảnh của những năm đầu thành lập ngành Kiểm sát nhân dân. Nội dung tập trung vào các chủ đề: Tuyên truyền phục vụ việc học tập và triển khai thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960; thông tin về sự chỉ đạo, chủ trương công tác của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với toàn ngành; giới thiệu kinh nghiệm hoạt động công tố trước đây và những kinh nghiệm trong các khâu công tác; giới thiệu kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các nước anh em trong khối xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc... trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động công tác kiểm sát, đặc biệt là công tác kiểm sát chung, công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm.
Thể loại báo chí chủ yếu là các bài viết, bài phát biểu chỉ đạo, kết luận các hội nghị của đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt và các đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc bấy giờ, cùng các bài viết của các biên tập viên, phóng viên, cán bộ Phòng Tuyên truyền - Nội san và một số cán bộ của các Vụ, Văn phòng Tổng hợp thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; ngoài ra, còn có một số bài do cán bộ Viện kiểm sát địa phương gửi về.
Mặc dù nội dung chưa thật phong phú, khuôn khổ nhỏ, trình bày đơn giản, số lượng bản in và phạm vi phát hành còn hạn chế song “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” thực sự là một tài liệu học tập cần thiết, có giá trị, góp phần hết sức quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về chính trị, pháp lý và nghiệp vụ công tác kiểm sát cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm đầu thành lập, rất thiếu thốn thông tin, tài liệu. Đồng thời, việc làm và phát hành “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã giúp đội ngũ biên tập viên, phóng viên của Toà soạn tích luỹ kinh nghiệm cho việc làm và xuất bản ấn phẩm “Nội san công tác kiểm sát” trong những năm tiếp theo.