VKSND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang): Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan CSĐT cùng cấp đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
Ngày đăng : 15:39, 29/01/2024
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm trên cả nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ và nghiêm trọng hơn về tính chất. Tội phạm trên không gian mạng, tín dụng đen tiếp tục xuất hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm xâm phạm trật tự kinh tế nổi lên với các vi phạm trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, xây dựng cơ bản, ngân hàng…; nhiều vụ án tham nhũng có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Nhóm các tội phạm có sử dụng bạo lực như cướp, cố ý gây thương tích diễn biến phức tạp và có xu hướng trẻ hóa; tội phạm về ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh gây lo lắng, bất an trong nhân dân; tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận; tội phạm trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều, các hành vi khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản, xâm hại động vật hoang dã vẫn diễn ra tại nhiều địa phương; số vụ, việc vi phạm khi tham gia giao thông chưa giảm nhiều, thiệt hại về người và tài sản còn cao…
Kiểm sát viên VKSND huyện Yên Sơn kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án dân sự trên địa bàn. |
Với đặc thù là huyện miền núi và là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh Tuyên Quang, diện tích hơn 1000km2 và có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, huyện Yên Sơn vừa mang đặc điểm của địa bàn miền núi nhưng lại có vị trí địa lý nằm bao quanh đô thị lớn nhất tỉnh là thành phố Tuyên Quang. Do đó, ngoài những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì huyện Yên Sơn luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn. Tình hình tội phạm trên địa bàn vẫn có những tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhất là các loại tội phạm như: Cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gia tăng…
Nguyên nhân của thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều yếu tố như: Những ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của quá trình phát triển kinh tế - xã hội mang lại; hệ thống các văn bản pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn còn có sơ hở, bất cập; công tác quản lý Nhà nước trong nhiều lĩnh vực còn bị buông lỏng; hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật chưa cao; ý thức phòng, chống tội phạm và tuân thủ pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Trước tình hình đó, Viện kiểm sát và Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Sơn đã nỗ lực thể hiện vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phát hiện, xử lý cũng như góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm tại địa phương; kịp thời, chủ động, tích cực phối hợp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong thực tiễn như: Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLTTHS) và Thông tư số 01/TTLT ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Thông tư số 02/2017 ngày 22/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Thông tư số 04/2018/TTLT ngày 19/10/2018 quy định về việc phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát về việc thực hiện một số quy định của BLTTHS; Thông tư số 01/2020 ngày 01/6/2020 quy định về việc phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ….
Cùng với sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của các Kiểm sát viên, Điều tra viên và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cơ quan nên hoạt động phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan CSĐT huyện Yên Sơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng bài bản, nề nếp và đi vào thực chất. Kết quả cho thấy trong những năm qua, chất lượng hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại huyện Yên Sơn không ngừng được nâng cao. Về cơ bản, các loại tội phạm hình sự xảy ra đều được phát hiện điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật; không để xảy ra vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong hoạt động điều tra; hạn chế được tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không có án hủy án để điều tra lại. Đặc biệt, không để xảy ra các trường hợp để xảy ra oan sai, phải xem xét bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Sự phối hợp hiệu quả này không chỉ thể hiện qua số lượng vụ án đã được giải quyết, mà còn thể hiện ở chất lượng điều tra, truy tố thông qua việc đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác quan trọng. Cụ thể, trong 03 năm (từ năm 2021 đến năm 2024), VKSND huyện Yên Sơn đã tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp giải quyết 378 nguồn tin về tội phạm, khởi tố 314 vụ/542 bị can; đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 294 vụ/511 bị can... Kết quả đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và chỉ tiêu công tác nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, ma túy, trật tự xã hội... có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở điểm nóng với quy mô tương đối lớn, diễn ra trong khoảng thời gian dài và được dư luận quan tâm đã được VKSND huyện Yên Sơn và Cơ quan điều tra cùng cấp phối hợp giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Kết quả giải quyết thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định xã hội, an ninh chính trị tại địa phương.
Trong 3 năm qua, VKSND huyện Yên Sơn đã chủ trì họp liên ngành để giải quyết 12 vụ án phức tạp còn chưa thống nhất về quan điểm, đường lối giải quyết, tích cực tranh thủ ý kiến của liên ngành và các cơ quan hữu quan bảo đảm giải quyết các vụ án kịp thời, đúng pháp luật, hạn chế tối đa việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay phải thỉnh thị cấp trên. Bên cạnh đó, trong quá trình tố tụng hai cơ quan luôn chú trọng tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa. Các kiến nghị được các cơ quan hữu quan tiếp thu thực hiện như: Kiến nghị về vi phạm pháp luật bảo vệ rừng và lâm sản; kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về tham gia giao thông đường bộ; kiến nghị về tình hình tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…. Kết quả này đã góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Có được những kết quả đáng khích lệ như vậy, trước hết là do lãnh đạo hai cơ quan đã nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa VKSND và Cơ quan CSĐT trong giải quyết án hình sự. Từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát sao, phối hợp chặt chẽ, đưa mối quan hệ này trở nên thực chất, hiệu quả trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành. Lãnh đạo VKSND huyện Yên Sơn, Kiểm sát viên thường xuyên trao đổi với lãnh đạo Cơ quan CSĐT và Điều tra viên về những vấn đề còn vướng mắc, thiếu sót trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; vướng mắc, thiếu sót trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ, thủ tục tố tụng trong các vụ án cụ thể, không để những thiếu sót, vi phạm tồn đọng kéo dài ảnh hưởng tới với chất lượng, hiệu quả chung. Về phía Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Sơn cũng tích cực, chủ động trong phối hợp với VKSND huyện ngay từ việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; từ đó giúp vụ án được giải quyết hiệu quả, nhanh chóng và đúng đắn.
Ngoài ra, thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” của Lãnh đạo Ngành, VKSND huyện Yên Sơn đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan CSĐT cùng cấp trong từng hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra vụ việc, vụ án; bảo đảm việc truy tố có căn cứ, đúng pháp luật; khắc phục những vi phạm, tồn tại, không để lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tiễn quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan CSĐT huyện Yên Sơn ở một số thời điểm, vụ việc vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thiếu chặt chẽ, còn biểu hiện hình thức, nể nang hoặc cứng nhắc; dẫn đến có lúc hoạt động xác minh thu thập chứng cứ chưa được khẩn trương, đầy đủ và toàn diện; việc phối hợp tổng kết rút kinh nghiệm về công tác điều tra, kiểm sát điều tra các vụ án, nhất là các vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng hoặc những vụ án có vi phạm về tố tụng vẫn chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa hai ngành trong truyên truyền pháp luật chưa được chú trọng đúng mức, chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nội dung, hình thức tuyên truyền còn chậm đổi mới, hiệu quả tuyên truyền thông qua chính kết quả giải quyết các vụ án, đặc biệt các vụ án trọng điểm, dư luận quan tâm chưa phát huy tích cực.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giữa VKSND huyện Yên Sơn và Cơ quan CSĐT cùng cấp trong phòng, chống tội phạm nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như: Nhận thức về mối quan hệ phối hợp chưa đầy đủ cùng với những hạn chế về nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Điều tra viên, Kiểm sát viên. Vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo hai cơ quan trong chỉ đạo, điều hành hoạt động phối hợp giải quyết các vụ án có lúc còn chưa thực sự sâu sát, kịp thời; phương pháp chỉ đạo có lúc còn chưa linh hoạt hoặc việc xác định án trọng điểm để phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp giải quyết vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp còn chưa thực sự hợp lý. Chế độ giao ban định kỳ, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm chưa được tiến hành thường xuyên nên chưa tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Mặt khác, hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương chưa xây dựng được quy chế phối hợp trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; do vậy, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Việc khắc phục hạn chế này là điều kiện tiên quyết để bảo đảm mọi hoạt động phối hợp được cụ thể, chặt chẽ, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khắc phục kịp thời những thiếu sót trong quá trình giải quyết.
Ngoài ra, quy định của pháp luật liên quan đến thực hiện mối quan hệ phối hợp trong khởi tố, điều tra vụ án còn có điểm chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn kịp thời và đồng bộ. Quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự vẫn còn có những bất cập nên việc áp dụng pháp luật của Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát còn chưa thống nhất.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng tăng; ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn; thành phần tội phạm đa dạng; các loại tội phạm có xu hướng quốc tế hoá… Vì vậy, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác phối hợp giữa cơ quan CSĐT và VKSND huyện Yên Sơn cần tiếp tục thực hiện đồng bộ những giải pháp sau đây:
Một là, công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm giữa Cơ quan CSĐT điều tra và Viện kiểm sát nói chung và tại huyện Yên Sơn nói riêng cần được quy định chặt chẽ, cụ thể để hai cơ quan cùng thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Cần thống nhất thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế để bảo đảm phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp, triển khai các nhiệm vụ để bảo đảm các yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát được Cơ quan CSĐT thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, thông qua kết quả giải quyết án, mỗi ngành cần chủ động phối hợp để dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phối hơp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án trọng điểm, vụ việc dư luận xã hội quan tâm để tăng cường hiệu quả phòng ngừa.
Hai là, cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo Viện kiểm sát, Cơ quan CSĐT để chỉ đạo, điều hành hoạt động phối hợp giải quyết án sâu sát hơn, kịp thời hơn. Việc chỉ đạo phải được tiến hành bằng nhiều cách thức để nắm bắt đầy đủ, cụ thể những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ đó có đường lối chỉ đạo kịp thời. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của lãnh đạo hai cơ quan trong việc xác định án trọng điểm, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng, phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực và ý thức phối hợp tốt trực tiếp giải quyết vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp.
Ba là, trên cơ sở đặc điểm, tình hình tại địa phương, Viện kiểm sát, Cơ quan CQĐT và các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn huyện cần khẩn trương xây dựng Quy chế để bảo đảm việc phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Việc phối hợp phải mang tính thực chất, liên tục, có tính ràng buộc trách nhiệm thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hình sự, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Bốn là, mỗi Điều tra viên, Kiểm sát viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực trau dồi trình độ và kỹ năng áp dụng pháp luật. Quá trình giải quyết các vụ án cần chủ động, thường xuyên trao đổi, liên tục nắm bắt thông tin, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ. Phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống oan, sai trong tố tụng hình sự, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Năm là, thông qua việc giải quyết các vụ án hình sự, các cơ quan tư pháp nói chung và Cơ quan CSĐT và VKSND huyện nói riêng cần tăng cường phối hợp tổng kết, sơ kết để phát huy những ưu điểm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, thấu hiểu và nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan. Tích cực nhân rộng kết quả những vụ án được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm đối với những vụ án có sai lầm, thiếu sót từ đó giúp nâng cao kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của từng cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên.
Bên cạnh đó, để bảo đảm hiệu quả phối hợp, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, tác giả cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ Công an và VKSND tối cao tiếp tục chỉ đạo 02 ngành thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và các chỉ thị công tác của Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới... Cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi cơ quan gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm.
Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; trọng tâm là rà soát hệ thống quy phạm liên ngành điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan CSĐT và Viện kiểm sát cũng như các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hình sự để có những điều chỉnh kịp thời. Các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng cần được ban hành đầy đủ, rõ ràng để khắc phục vướng mắc thời gian qua, tạo thuận lợi cho việc thi hành trên thực tiễn.