Vụ 3 VKSND tối cao: Tăng cường kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm về kinh tế thông qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp
Ngày đăng : 08:48, 04/01/2024
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể Vụ 3 VKSND tối cao. |
Năm 2023, tình hình tội phạm kinh tế, chức vụ đã đặt ra nhiều thách thức lớn, chưa có tiền lệ đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Viện kiểm sát nói riêng trong đấu tranh, xử lý, phòng ngừa loại tội phạm này. Trước tình hình đó, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, các kế hoạch của Ngành về công tác trọng tâm năm 2023, lấy phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả” làm mục tiêu, phương pháp, Vụ 3 đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp tăng cường công tác công tố, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong các giai đoạn tố tụng, như: Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra có thẩm quyền đánh giá tài liệu, chứng cứ trước khi khởi tố vụ án, bị can; thực hiện cơ chế “công tố song hành với điều tra”, gắn chặt mọi hoạt động điều tra của Điều tra viên với Kiểm sát viên, bảo đảm việc điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc đúng tiến độ, yêu cầu, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo...
Chất lượng công tác thực hành quyền công tố được tăng cường; không có bị can đình chỉ do không phạm tội, bảo đảm truy tố đúng thời hạn, tội danh, không có bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội, tuyên khác tội danh truy tố; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; đồng thời, phối hợp với Cơ quan điều tra làm rõ bản chất nhiều vụ án và chứng minh, làm rõ hành vi chiếm đoạt. Từ đó, áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.
Chủ động rà soát và phối hợp rà soát, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều tra; tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; xây dựng và ban hành Hướng dẫn công tác kịp thời, bảo đảm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan các lĩnh vực đấu thầu, giáo dục, y tế… của Viện kiểm sát địa phương; thực hiện số hóa hồ sơ tài liệu và thực hiện trình chiếu tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa, phục vụ tốt tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên, bảo đảm công khai, dân chủ, tranh luận đến cùng với các quan điểm của luật sư, bảo đảm việc truy tố, xét xử đối với các bị can có căn cứ, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình cao.
Đặc biệt, qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, Vụ 3 VKSND tối cao luôn chú trọng phát hiện những “lỗ hổng” về thể chế, chính sách, về quản lý nhà nước - là một trong những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm. Từ đó ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót, tồn tại trong điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc; kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát các quy định có bất cập và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao ghi nhận và biểu dương kết quả công tác xuất sắc trong năm 2023 mà Vụ 3 VKSND tối cao đạt được. Kết quả này được thể hiện qua việc đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm mà Vụ 3 VKSND tối cao đã đề ra. Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý; tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của Vụ trưởng, tập thể lãnh đạo Vụ, Trưởng phòng trong phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của đơn vị; giữ gìn sự đoàn kết, nêu gương trong mọi mặt hoạt động, thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, đào tạo gắn với phân công giao việc và đánh giá cán bộ chính xác, thực chất, có sức thuyết phục; tiếp tục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tiêu cực, đồng thời bảo vệ công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Chủ động, tích cực thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự; xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Tiếp tục thực hiện cơ chế “Công tố song hành với điều tra”, không thụ động; bảo đảm việc tranh tụng có tính thuyết phục, thông qua tranh tụng nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Kiểm sát viên, của Ngành; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, chuyển hóa chứng cứ kịp thời, bảo đảm việc chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án.
Chủ động tăng cường phối hợp ngay từ đầu và xuyên suốt trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; đẩy mạnh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề khó, phức tạp trong công tác tư pháp, phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Tiếp tục thực hiện tốt hơn việc áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng rà soát, thực hiện các biện pháp để phục hồi, giải quyết ngay các vụ án, vụ việc đang tạm đình chỉ không có căn cứ hoặc không còn lý do tạm đình chỉ. Chú trọng phát hiện nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, nhất là những thiếu sót, sơ hở trong thể chế, chính sách về quản lý Nhà nước, để kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này.
Quản lý chặt chẽ kết quả giải quyết các vụ án kinh tế của Viện kiểm sát cấp dưới; nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, trả lời thỉnh thị. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị, xác định là khâu đột phá năm 2024 và năm 2025.