Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024
Ngày đăng : 21:04, 25/12/2023
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024. |
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương, gồm: Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Văn phòng Quốc hội; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Kiểm toán Nhà nước; Hội luật gia Việt Nam.
Về phía ngành Kiểm sát nhân dân, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng và đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải. Dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát cấp huyện và các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp tại các điểm cầu trong toàn Ngành.
Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trung tâm VKSND tối cao đến 817 điểm cầu trong toàn Ngành. |
Ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác Quốc hội giao
Năm 2023, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Chủ động tham mưu ban hành nhiều chỉ thị, quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ để thực hiện trong toàn Ngành; tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bảo đảm hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ; hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác của Ngành và của Quốc hội giao.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự tiếp tục đạt những kết quả tích cực; đã kiểm sát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, nhất là công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã; trách nhiệm công tố tiếp tục được tăng cường; tập trung rà soát, quản lý, giải quyết vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; số lượng, chất lượng kháng nghị án hình sự vượt chỉ tiêu của Quốc hội;...
Đặc biệt, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao chỉ đạo khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đồng tình ủng hộ; chủ động yêu cầu áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Viện kiểm sát quân sự các cấp chủ động tham mưu hiệu quả trong phòng ngừa và đấu tranh chống vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền; đã phối hợp tốt với các đơn vị và các cơ quan tư pháp trong và ngoài quân đội, phát huy vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát quân sự trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, góp phần giữ vững kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, đạt và vượt 100% chỉ tiêu của Quốc hội; đã kịp thời phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án dư luận quan tâm; ban hành nhiều kiến nghị góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được tăng cường, hiệu quả được nâng cao. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã đề ra các giải pháp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả hơn. Công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, hiệu quả hơn; chất lượng kháng nghị, kiến nghị được bảo đảm; kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Công tác xây dựng ngành chuyển biến tích cực, chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy lãnh đạo chủ chốt và công tác thi tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh tư pháp trong Ngành; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành quy định mới của pháp luật và giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Ngành; công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được chú trọng và đạt kết quả tốt; thực hiện nhiều biện pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ đột phá về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; công tác thi đua khen thưởng thực chất hơn, kịp thời động viên, khuyến khích công chức, viên chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; chủ động hơn trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ hoạt động công tác; tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách cấp kinh phí phù hợp với hoạt động đặc thù của Ngành.
Đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp
Năm 2024, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế, quyết tâm vượt khó; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ nhất là số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và công tác điều tra, xử lý án xâm phạm hoạt động tư pháp.
Tiếp tục coi trọng công tác cán bộ từ khâu quy hoạch, tập trung lãnh đạo nâng chất đội ngũ Kiểm sát viên các cấp với nhiều hình thức, nhất là qua phân công giao việc. Tiếp tục đổi mới trong đánh giá cán bộ, trong xem xét bổ nhiệm cán bộ cả chức vụ quản lý và chức danh tư pháp. Tăng cường giáo dục cán bộ về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp gắn với yêu cầu giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành. Năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy định 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để phòng chống tiêu cực trong Ngành.
Toàn Ngành tiếp tục xác định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động là nhiệm vụ trọng tâm; các đơn vị chủ động, tích cực, quyết liệt đề ra các biện pháp phù hợp, khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; có chính sách khích lệ, động viên thông qua việc quy hoạch, tạo điều kiện học tập, bổ nhiệm, bố trí chức vụ lãnh đạo quản lý nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trong khâu công tác này. Đồng thời nghiên cứu báo cáo đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh 02 chỉ tiêu trong Nghị quyết 96 của Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tập trung vào các nhiệm vụ của Ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về VKSND gắn với việc sơ kết 08 năm thực hiện Luật Tổ chức VKSND và 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân; đẩy mạnh nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND.
Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, trợ lý ảo cho Kiểm sát viên; xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc; các phần mềm quản lý công tác và phần đầu ứng dụng phòng họp không giấy. Nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, chủ động tham gia các diễn đàn đa phương nhằm góp phần phòng ngừa, xử lý có hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng ngành Kiểm sát nhân dân bức tranh Nhà Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
Ngành Kiểm sát nhân dân "nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân"
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được và những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2023. Những kết quả này càng đáng trân trọng trong bối cảnh khối lượng công việc của cả hệ thống chính trị nói chung và của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng ngày càng tăng, biên chế có hạn, áp lực công việc ngày càng lớn. Điều đó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm rất cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát, góp phần làm dày thêm thành tựu của 63 năm xây dựng và phát triển, tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam "nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân".
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; không để xảy ra trường hợp bị oan, sai trong tố tụng hình sự, tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài…
Bên cạnh đó, thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự, chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự. Tiếp tục quan tâm làm tốt hơn công tác phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là trong khối tư pháp, nội chính. Bên cạnh đó, VKSND tối cao cần tích cực chuẩn bị tốt một số nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, quyết tâm, chung sức đồng lòng của toàn ngành Kiểm sát nhân dân và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, phối hợp của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; góp phần bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và thực thi pháp luật; xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu kết luận Hội nghị. |
Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND là khâu công tác đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025
Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và cá nhân đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đối với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua; đồng thời khẳng định, những ý kiến chỉ đạo quý báu, toàn diện của đồng chí Chủ tịch Quốc hội sẽ là định hướng cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao sẽ nghiêm túc tiếp thu, thảo luận, chỉ đạo quyết liệt để toàn Ngành thực hiện nghiêm, qua đó hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu toàn ngành Kiểm sát thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo; chủ động phối hợp các ngành liên quan trong giải quyết vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tham mưu cấp ủy địa phương ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó, phức tạp trong công tác tư pháp; đặc biệt chú ý công tác thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án.
Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND, xác định là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025 của toàn Ngành; người đứng đầu các cấp Kiểm sát chịu trách nhiệm, trong triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số, bảo mật để đem lại kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo mật thông tin tài liệu, dữ liệu công tác trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Viện kiểm sát…
Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng lưu ý, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư công của đơn vị mình, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 22 tập thể, gồm 08 đơn vị thuộc VKSND tối cao và 14 VKSND tỉnh, thành phố. |
Danh sách 22 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, gồm:
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ VKSND tối cao; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Cục Kế hoạch - Tài chính; Báo Bảo vệ pháp luật.
- VKSND cấp cao tại Hà Nội và VKSND các tỉnh, thành phố: VKSND thành phố Hà Nội; VKSND thành phố Hải Phòng; VKSND thành phố Cần Thơ; VKSND tỉnh Quảng Ninh; VKSND tỉnh Phú Thọ; VKSND tỉnh Hải Dương; VKSND tỉnh Thanh Hóa; VKSND tỉnh Hà Tĩnh; VKSND tỉnh Gia Lai; VKSND tỉnh Quảng Nam; VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; VKSND tỉnh Tiền Giang; VKSND tỉnh Hậu Giang.