Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Ngày đăng : 10:12, 28/11/2023
Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 02 đợt của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hầu hết ý kiến Đại biểu Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước đã được giải trình tại Báo cáo số 666/BC-UBTVQH15 ngày 24/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Kết quả biểu quyết cho thấy, với 87,25% đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Luật gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Với 85,63% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Nhà ở (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã được hoàn thiện sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội; đồng thời có Báo cáo đầy đủ số 697/BC-UBTVQH15 ngày 24/11/2023 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bản đầy đủ.
Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật này với 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%).
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 94,74% ý kiến tán thành
Chiều ngày 27/11/2023, các đại biểu Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy có 468 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%).
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 26/10/2023, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 14/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 6. Ngày 25/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 699/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
Ông Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4); khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).
Cùng với đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51; về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thuỷ lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật; về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm…