Cẩn trọng với các hợp đồng góp vốn, mượn vốn đầu tư
Ngày đăng : 15:19, 27/11/2023
Những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn này thường núp dưới vỏ bọc là những doanh nhân giàu có, đi xe hơi sang trọng, đắt tiền, có mối quan hệ để chiếm đoạt tiền góp vốn đầu tư vào các dự án, kinh doanh không có thật. Nhiều nhà đầu tư dễ dàng bị các đối tượng qua mặt, tham gia góp vốn. Hệ lụy là nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tiền đầu tư, lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”, tụ tập đông người, căng băng rôn đòi quyền lợi, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự.
Nhiều “siêu lừa” đã phải nhận những bản án nghiêm khắc
Ngày 15/9, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và quyết định tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thị Phương Lan (sinh năm 1978, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt chung là 19 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty An Vạn Lộc (Ảnh: Báo điện tử Đầu tư). |
Theo Cáo trạng truy tố của VKSND TP. Hà Nội, năm 2018, Nguyễn Thị Phương Lan làm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên An Vạn Lộc (Công ty An Vạn Lộc) có trụ sở tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội; chuyên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, vận tải và du lịch.
Trong thời gian này, do điều kiện kinh tế khó khăn nên công ty của Lan không có hoạt động kinh doanh.
Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn V. trong giai đoạn này, Lan đã đưa ra các thông tin không chính xác, tự giới thiệu với nhiều người là Công ty An Vạn Lộc của Lan đang có nhiều dự án đầu tư bất động sản liên quan đến hệ thống Tập đoàn V., với hình thức đầu tư nhanh, lợi nhuận lớn... với mục đích huy động vốn của nhiều người đầu tư để chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện việc chiếm đoạt, Lan đã nhận tiền của nhiều người, sau đó sử dụng quay vòng để trả một phần gốc và lãi cho chính những người góp vốn; đồng thời còn làm giả một số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để làm tài sản thế chấp việc đầu tư, góp vốn nên nhiều người đã tin tưởng góp vốn đầu tư với Lan.
Bằng phương thức và thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ ngày 3/1/2019 đến tháng 7/2019, Lan đã huy động vốn của 3 cá nhân, rồi chiếm đoạt, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty Cường Thịnh (Ảnh: Báo điện tử Đầu tư). |
Trong một vụ án khác, ngày 26/9, TAND TP. Hà Nội đã mở lại phiên xử sơ thẩm đối với Hoàng Văn Cường (sinh năm 1960, trú ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội, Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam do Lê Hồng Bàng (sinh năm 1976, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và các cổ đông sáng lập từ năm 2008. Trên thực tế, công ty này không có vốn để hoạt động kinh doanh và cũng không hoạt động kinh doanh, không báo cáo tài chính theo quy định. Từ tháng 2 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng cùng Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh (Công ty Cường Thịnh) và Hà Tuấn Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hoàng Hà ký 4 hợp đồng liên danh đầu tư và kinh doanh dự án nhà ở. Trên thực tế, các doanh nghiệp này không có khả năng về tài chính, không đủ điều kiện và đăng ký kinh doanh đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo quy định.
Từ các hợp đồng trên, các công ty này đã “vẽ” ra một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại...tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (nay là phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) như: dự án Khu nhà ở Phương Đông; Khu nhà ở 683; Khu nhà ở Lộc Hòa và Khu nhà ở 683B. Tất cả 4 dự án này đều chưa được UBND TP. Hà Nội duyệt quy hoạch; chưa chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở; chưa xác nhận chủ đầu tư, không có quyết định phê duyệt giao đất làm dự án xây dựng nhà ở...
Bằng thủ đoạn gian dối, tạo dựng hồ sơ pháp lý của các dự án, ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng các dự án; thuê làm các bản vẽ thiết kế dự án để phân ô, phân lô và ghi rõ chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà để quảng bá, giới thiệu với mọi người. Cả 3 giám đốc doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân và tổ chức san lấp mặt bằng trái phép, khiến nhiều người bị hại tin tưởng dự án là có thật và nộp tiền cho Cường, Bàng dưới hình thức “Hợp đồng vay vốn”, thực chất là đăng ký mua căn hộ.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, từ tháng 6 đến tháng 7/2009, Hoàng Văn Cường đã thu tiền dưới hình thức ký hợp đồng vay vốn với 25 người có nhu cầu đăng ký mua căn hộ bằng phiếu thu tiền, với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt.
Đánh giá hành vi trên, Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của Cường là đặc biệt nghiêm trọng, vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của 25 bị hại. Do đó, cần phải áp dụng mức án nghiêm khăc đối với bị cáo nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Sau khi xem xét các chứng cứ và lời khai của bị cáo, cũng như khai báo của các bị hại tại tòa, đánh giá bị cáo này đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn và chưa khắc phục được đồng nào, nên Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Hoàng Văn Cường mức án tù chung thân.
Nhiều nhà đầu tư kêu cứu khi góp vốn đầu tư vào các dự án bất động sản
Mới đây, trên Xa lộ Hà Nội (phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. HCM) và tại trụ sở Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền (14 Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức) xảy ra sự việc một nhóm nhà đầu tư căng băng rôn đòi quyền lợi vì cho rằng ông Đỗ Quốc Huy (là Giám đốc Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền) kêu gọi vốn đầu vào dự cao ốc văn phòng và kinh doanh tài chính nhưng không thực hiện, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhà đầu tư căng băng rôn đòi quyền lợi. |
Được biết trước đó, tin tưởng vào quảng cáo của Giám đốc Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền, nhiều nhà đầu tư đã góp hàng tỷ đồng đầu tư vào một dự án có tiềm năng sinh lời cao, ổn định hàng tháng. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều năm dự án không được triển khai, công ty đóng cửa không còn hoạt động; nhiều nhà đầu tư mới vỡ lẽ, đứng trước nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng.
Chị Hồ Thị Ngọc Tr (58 tuổi, thường trú đường Lê Đức Thọ, P.14, Q. Gò Vấp, TP. HCM) là một trong những nạn nhân của vụ việc nêu trên cho biết, bản thân chị là một giáo viên đã về hưu, thấy ông Huy là một người kinh doanh giỏi, lại là bạn thân với con trai chị nên tin tưởng vào lời mời gọi đầu tư mang lại lợi nhuận cao của Huy đưa ra với hy vọng số tiền tích góp bao năm làm việc đem đi đầu tư sinh lời để hưởng tuổi hưu. Chị Tr cho biết, tổng số tiền chị đưa cho ông Huy là 2 tỷ đồng, đây là toàn bộ tài sản gia đình tích góp được qua bao năm lao động.
Giống như chị Tr, nhiều nhà đầu tư khác cũng là nạn nhân trong vụ việc nêu trên đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì tin tưởng vào lời mời gọi đầu tư sinh lời cao của ông Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền, địa chỉ tại phường Thảo Điền).
Theo các nhà đầu tư, ngoài hình thức huy động vốn bằng hình thức góp vốn vào xây dựng toà nhà văn phòng thì ông Đỗ Quốc Huy còn đứng ra huy động bằng hình thức vay tiền từ nhà đầu tư với lãi thoả thuận. Các hợp đồng có quy định thời gian hợp đồng, được quyền tất toán trước thời hạn khi báo trước 45 ngày. Trường hợp với các hợp đồng đã tới hạn mà muốn tái kí thì sẽ kí kết hợp đồng với thời hạn mới, số tiền gốc không rút ra mà đáo hạn trực tiếp bằng hợp đồng mới.
Sau khi vay tiền, ông Huy duy trì việc trả lãi đều đặn cho tới tháng 5/2023. Từ tháng 5/2023, lấy lý do sức khoẻ cũng như việc vận hành khó khăn, ông Huy thông báo sức khoẻ yếu, không có khả năng trả nợ.
Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức kêu gọi vốn đầu tư vào dự án bất động sản, kinh doanh tài chính là một hình thức lừa đảo tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường núp dưới vỏ bọc là người kinh doanh thành đạt, bằng sự quen biết, tạo niềm tin cho những người có nhu cầu đầu tư.
Hình thức lừa đảo này cũng đã được cơ quan Công an TP. HCM nhiều lần cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác. Cụ thể, trước đó Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM từng thông tin về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi góp vốn xảy ra tại Công ty TNHH Một thế giới lành mạnh (viết tắt là Công ty OHW) và Công ty TNHH Lý tưởng thuận lợi 3 chìa khóa.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM cũng đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM truy tố bà Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina, Đất Vàng Hoàng Gia) cùng bảy đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc kêu gọi kinh doanh đầu tư và bán bất động sản không có thật cho hơn 500 người, chiếm đoạt số tiền lên tới 815 tỉ đồng.