Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền của Tòa án nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng
Ngày đăng : 13:50, 27/11/2023
1. Điều kiện bảo đảm tranh tụng trong xét xử từ phía Tòa án và những bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền của Tòa án
Trên phương diện là hoạt động tố tụng, tranh tụng trong xét xử được hiểu là “hoạt động của bên “buộc tội” và bên “gỡ tội” tại phiên tòa xét xử, thực hiện trước một trọng tài công minh, khách quan là Tòa án (chủ thể xét xử) thể hiện bằng các hành vi chủ yếu như đưa ra chứng cứ, yêu cầu, xét hỏi và tranh luận với nhau nhằm bảo vệ quan điểm của mình hoặc bác bỏ quan điểm của người khác”. Qua tranh tụng “sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh luận tự do và cởi mở giữa những người có dữ liệu chính xác”.
Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm bằng việc quy định và thực hiện quyền bình đẳng của các chủ thể tố tụng (bên buộc tội và gỡ tội) trong việc thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận sòng phẳng, dân chủ, bình đẳng với nhau tại phiên tòa xét xử, trước một trọng tài công minh là Tòa án - Hội đồng xét xử (HĐXX), có vai trò độc lập và trung lập với hai bên. “Trong tất cả các loại tranh tụng, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Tòa án thực hiện chức năng như một trọng tài có địa vị độc lập với các bên để phân xử một cách khách quan theo pháp luật. Trong tố tụng hình sự, chức năng xét xử của Tòa án độc lập với chức năng buộc tội và chức năng bào chữa”. Nếu bên buộc tội và bên bào chữa (gỡ tội) không thực sự được bình đẳng và Tòa án (HĐXX) không giữ vị trí độc lập và trung lập trong quá trình xét xử thì sẽ không có tranh tụng thực sự hoặc nếu có thì tranh tụng chỉ mang tính hình thức mà thôi.
Khi nghiên cứu về tranh tụng, các nhà khoa học pháp lý thuộc Liên Xô cũ như Viện sĩ hàn lâm M.X. Strogovich đã có quan điểm: Tranh tụng là cách thức tiến hành xét xử vụ án hình sự mà ở đó chức năng buộc tội tách khỏi Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xét xử vụ án; chức năng buộc tội và bào chữa do các bên có quyền bình đẳng với nhau thực hiện để bảo vệ các lập luận của mình, bác bỏ các lập luận của bên đối phương; bị cáo là một bên tham gia tố tụng có quyền bào chữa; Hội đồng xét xử điều khiển phiên tòa, tích cực nghiên cứu các tình tiết của vụ án và tự phán xử vụ án. Tranh tụng gồm các yếu tố sau: (1) Việc buộc tội tách khỏi Tòa án; (2) Địa vị tố tụng của Cống tố viên và bị cáo là các bên tham gia tố tụng và các bên có quyền bình đẳng; (3) Tòa án có vị trí độc lập, tích cực trong mối quan hệ với hai bên.
Theo chúng tôi, để tranh tụng thật sự bình đẳng, dân chủ giữa Công tố viên thực hiện chức năng buộc tội (ở Việt Nam là Kiểm sát viên) với người bị buộc tội (bị cáo), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo (người bào chữa), ngoài việc phải tách buộc tội khỏi trách nhiệm của Tòa án, bảo đảm địa vị bình đẳng giữa Công tố viên (Kiểm sát viên - bên buộc tội) với người bị buộc tội (bị cáo - người bào chữa) trong thu thập, đánh giá chứng cứ, cần phải quy định vị trí độc lập và trung lập của Tòa án với các bên tranh tụng và coi đây là điều kiện có tính chất quyết định tới chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
Với vai trò là trọng tài, Tòa án có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện cho các chủ thể tranh tụng thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phân định rõ chức năng của các bên tranh tụng và Tòa án tại phiên tòa xét xử. “Từ góc độ chức năng tố tụng, các hoạt động tố tụng (hình sự) thực chất là hoạt động của các cơ quan, người tiến hành tố tụng thực hiện các chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử”. Trong đó, để bảo đảm tranh tụng được thực hiện theo đúng nghĩa thì chức năng xét xử của Tòa án phải tách khỏi chức năng buộc tội và chức năng bào chữa.
Nhằm bảo đảm sự độc lập của Tòa án, trước mắt cần “nghiên cứu làm rõ thẩm quyền HĐXX khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong giai đoạn xét xử” để có sự điều chỉnh về thẩm quyền này của Tòa án nhằm hạn chế sự can thiệp của cơ quan thực hiện chức năng xét xử trong mối quan hệ với các chủ thể thực hiện các chức năng khác của tố tụng hình sự là buộc tội và bào chữa. Bảo đảm sự độc lập của Tòa án mà quan trọng nhất là sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong xét xử vụ án cũng chính là một trong những mục tiêu trọng tâm trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa, HĐXX không thể bị ràng buộc bởi các yêu cầu, đề nghị của các bên tham gia tranh tụng, không được biểu lộ chính kiến của mình về những vấn đề thuộc nội dung vụ án, cũng như kết luận về các chứng cứ đã được các cơ quan có thẩm quyền thu thập trong các giai đoạn tố tụng trước đó đang được thẩm tra, xác minh, xem xét tại phiên tòa hoặc do các bên mới cung cấp tại phiên tòa xét xử. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử một mặt bảo đảm quyền bình đẳng giữa hai bên chủ thể tranh tụng (bên buộc tội và bên bào chữa) trong quá trình tham gia phiên tòa, mặt khác, khẳng định và đề cao vai trò quan trọng của Tòa án (HĐXX) trong việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh tụng nhằm giải quyết đúng đắn vụ án.
Theo cơ chế phân công quyền lực nhà nước đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp Việt Nam, “Tòa án có vị trí độc lập của cơ quan tư pháp. Tòa án không thể thực hiện bất kỳ yếu tố nào của chức năng buộc tội mà phải là thiết chế của công lý, chỗ dựa đáng tin cậy của người dân. Do đó, cần có vị trí vô tư, khách quan, từ bỏ vai trò quá chủ động và tích cực trong việc truy tìm sự thật vốn là công việc của các bên trong tố tụng”. Vì Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (xét xử), thực hiện chức năng xét xử, không thực hiện các hoạt động có tính chất khởi động hoặc thực hiện quyền công tố (buộc tội). Cụ thể, trước khi mở phiên tòa xét xử, Tòa án nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử nhưng để bảo đảm sự độc lập, khách quan của Tòa án, pháp luật tố tụng hình sự không nên quy định cho Tòa án những quyền hạn, trách nhiệm mà khi thực hiện chúng thể hiện quan điểm của cơ quan này về những vấn đề liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội cần phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung như hiện nay. Việc thu thập chứng cứ để tranh tụng tại phiên tòa xét xử là trách nhiệm của bên buộc tội (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát), là quyền của người tham gia tố tụng (bên gỡ tội), không thuộc trách nhiệm của Tòa án.
Nếu Tòa án cũng có trách nhiệm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm thì vai trò trọng tài của Tòa án sẽ bị ảnh hưởng, Tòa án sẽ không thể độc lập và trung lập với các bên tranh tụng tại phiên tòa. Do vậy, việc quy định Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong các trường hợp hồ sơ thiếu chứng cứ để định tội, lượng hình (chứng cứ buộc tội, gỡ tội) hoặc việc quy định Tòa án có thể tự mình xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trước khi mở phiên tòa xét xử như quy định tại các Điều 252 và 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành là không phù hợp với chức năng xét xử cũng như vai trò trọng tài, độc lập của Tòa án.
Tác giả cho rằng, cần bỏ quy định Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ tại Điều 252 BLTTHS hiện hành, đồng thời, cần hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung về những vấn đề có liên quan đến nội dung vụ án (quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 280 BLTTHS) mà chỉ quy định cho Tòa án trả hồ sơ để khắc phục những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố (quy định tại điểm d khoản 1 điều này).
Ngoài ra, quy định tại Điều 153 BLTTHS hiện hành cho phép HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa xét xử nếu qua việc xét xử mà phát hiện tội phạm còn bị bỏ lọt, xét thấy cần khởi tố, điều tra, theo tác giả cũng chưa phù hợp. Bởi lẽ, khởi tố vụ án hình sự là hoạt động khởi động quyền buộc tội vốn không thuộc chức năng xét xử của Tòa án; “đa số các nhà khoa học cũng như thực tiễn đều thống nhất rằng việc giao cho Tòa án thẩm quyền khởi tố vụ án là trái với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, trái với bản chất của tố tụng hình sự, vì điều đó là giao cho Tòa án đồng thời cả hai chức năng buộc tội và chức năng xét xử”. Nếu Tòa án (HĐXX) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ làm mất đi vai trò trọng tài của mình, Tòa án vừa khởi động việc buộc tội lại vừa có thể xét xử chính vụ án mà mình đã khởi tố liệu còn có thể khách quan được hay không? Trong trường hợp này, HĐXX không ra quyết định khởi tố mà chỉ yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án.
Mặt khác, việc ra quyết định khởi tố vụ án đòi hỏi phải có căn cứ. Muốn vậy, phải có quá trình kiểm tra, xác minh kỹ các sự việc xảy ra trong thực tế có dấu hiệu của tội phạm hay không để vừa tránh bỏ lọt tội phạm, vừa không làm oan người không phạm tội. Với điều kiện xét xử vụ án tại phiên tòa chủ yếu là thẩm tra chứng cứ có trong hồ sơ, lắng nghe tranh tụng giữa các bên tranh tụng cộng với áp lực công việc xét xử trên cả phương diện số lượng vụ án phải giải quyết, xét xử và yêu cầu về chất lượng bản án, quyết định, liệu HĐXX có điều kiện làm tốt việc kiểm tra, xác minh làm rõ dấu hiệu của tội phạm hay không?
Bên cạnh đó, không nên quy định cho Tòa án quyền được xét xử bị cáo theo tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố sau khi Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát truy tố lại theo tội danh nặng hơn nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và Kiểm sát viên vẫn bảo vệ quan điểm truy tố đó tại phiên tòa xét xử như quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS hiện hành. Ngay cả sau khi trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát để truy tố lại về tội danh nặng hơn, Tòa án đã thông báo cho bị cáo, người bào chữa biết lý do trả hồ sơ và trong quyết định đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán phải ghi rõ tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và tội danh nặng hơn mà bị cáo có thể bị Tòa án áp dụng khi xét xử thì việc áp dụng tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố còn làm mất đi vị trí khách quan và trung lập của Tòa án. Điều này dễ dẫn tới tâm lý cho rằng Tòa án đã xử trước khi mở phiên tòa và bản án đã có “trong túi” của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rồi, việc mở phiên tòa xét xử chỉ là hình thức hợp thức hóa phán quyết đã có của Tòa án mà thôi.
Do đó, tác giả cho rằng quy định như vậy không phù hợp với chức năng của Tòa án là cơ quan xét xử, với vai trò trọng tài, trung lập với cả hai bên buộc tội và bào chữa, thực hiện việc phân xử đúng sai trong quan điểm của bên buộc tội và bên gỡ tội tại phiên tòa. Quy định như vậy cũng không phù hợp với yêu cầu của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là phán quyết của Tòa án phải dựa chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Bởi lẽ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa sẽ cho thấy quan điểm của cả hai bên tranh tụng đều không mong muốn Tòa án áp dụng tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Nếu trước khi mở phiên tòa, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và tại phiên tòa Kiểm sát viên vẫn đề nghị HĐXX kết tội như nội dung cáo trạng mà HĐXX lại ra bản án kết tội bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố thì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Điều này không chỉ làm bất lợi cho bị cáo, mà còn trái với quan điểm của cơ quan công tố (Viện kiểm sát), nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực bản án mà HĐXX đã tuyên.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Từ những phân tích trên, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Tòa án như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Điều 153 của BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) theo hướng bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của HĐXX trong trường hợp tại phiên tòa xét xử phát hiện tội phạm còn bị bỏ lọt. Việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan công tố (thuộc chức năng buộc tội) với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền điều tra. Tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó. Trong trường hợp này, HĐXX chỉ đề nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Nếu loại bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của HĐXX quy định tại Điều 153 BLTTHS hiện hành như trên thì cũng cần bỏ quy định tương ứng tại Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Thứ hai, cần bỏ Điều 252 BLTTHS hiện hành quy định về quyền “kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Bởi vì trong tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về chủ thể thực hiện chức năng buộc tội (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát). Việc thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ để gỡ tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội là quyền của người bị buộc tội, nghĩa vụ của người bào chữa, còn Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử, tiến hành phân xử trên cơ sở thẩm tra, đánh giá chứng cứ do các bên tranh tụng đưa ra tại phiên tòa. Việc loại bỏ quyền này cũng không làm mất đi điều kiện để Tòa án xét xử vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ. Bởi lẽ, để xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật, tại phiên tòa xét xử, Tòa án vẫn có trách nhiệm phải kiểm tra, xác minh không chỉ các chứng cứ có trong hồ sơ mà cả chứng cứ mới do các bên tranh tụng đưa ra tại phiên tòa một cách bình đẳng, không thiên vị với vai trò trọng tài trung lập với các bên, làm cơ sở đưa ra phán quyết của mình. Việc đưa ra phán quyết của Tòa án vẫn phải “căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Nếu bỏ Điều 252 BLTTHS hiện hành cũng đồng nghĩa với việc phải bỏ Điều 253 Bộ luật này quy định về việc Tòa án tiếp nhận chứng cứ, đồ vật tài liệu liên quan đến vụ án trước khi mở phiên tòa và bỏ quy định tương ứng tại điểm c khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 280 của BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử trong các trường hợp liên quan đến việc buộc tội, quyết định hình phạt. Để bảo đảm tranh tụng bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, chứng cứ buộc tội và gỡ tội do các bên tranh tụng thu thập trong các giai đoạn trước đó và Tòa án chỉ xét xử đưa ra kết luận về nội dung vụ án dựa trên các chứng cứ có trong hồ sơ. Vì vậy, trách nhiệm cung cấp chứng cứ để xác định tội phạm, người phạm tội hay để áp dụng các biện pháp trách nhiệm hình sự không thuộc về Tòa án. Để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, chỉ nên quy định Tòa án trả hồ sơ để khắc phục những trường hợp có vi phạm nghiêm trong thủ tục tố tụng xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc có nguy cơ làm cho việc giải quyết vụ án không khách quan.
Thứ tư, bỏ khoản 3 Điều 298 BLTTHS hiện hành quy định về quyền của Tòa án được xét xử bị cáo theo tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố để cơ quan này thực hiện đúng chức năng là cơ quan xét xử, bảo đảm quyền công tố của Viện kiểm sát, quyền bào chữa của người bị buộc tội và trên hết là bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Nếu xét thấy cần áp dụng tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, Thẩm phán vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử như quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Tại phiên tòa xét xử, qua hoạt động tranh tụng, nếu có căn cứ xác định bị cáo phạm tội khác nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, HĐXX ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để truy tố lại về tội danh nặng hơn đó.