Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Ngày đăng : 16:13, 23/10/2023
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu trung tâm VKSND tối cao kết nối đến các điểm cầu trong toàn Ngành. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Hưng Bình, Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao cho biết, khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, là biểu hiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy Nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò quan trọng trong quản lý Nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện các chủ trương đường lối của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trong hoạt động tư pháp, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo có vai trò rất quan trọng do trong quá trình thực hiện công vụ của các cơ quan, cá nhân tiến hành tố tụng nếu có vi phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức (đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự); nhìn từ góc độ khác, việc giải quyết đúng đắn, thấu đáo, tỉ mỉ, thận trọng các khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp còn nhằm thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan tư pháp.
Hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2023 được VKSND tối cao tổ chức nhằm đảm bảo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp được thực hiện đúng quy định của pháp luật và của Ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu, hướng dẫn và giải đáp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác này của VKSND các cấp.
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về những nội dung mới của “Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao; những điểm mới của “Hệ thống biểu mẫu công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-VKSTC ngày 15/02/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Hội nghị cũng tập trung phố biến, thảo luận một số điểm mới như: Hướng dẫn “Một số nội dung trong công tác tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ giám đốc thẩm, tái thẩm; thủ tục đặc biệt”; hướng dẫn: “Hoạt động kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật của VKSND” và hướng dẫn “Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”; một số kinh nghiệm khi thực hiện phương thức trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý, tiếp đoàn khiếu nại, tố cáo có đông người tham gia; giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Dưới sự điều hành tham luận của đồng chí Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao, một số VKSND địa phương gồm TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Khánh Hoà đã trình bày tham luận về các nội dung như: Tăng cường thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại VKSND thành phố Hà Nội; một số kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Toà án trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; vai trò chỉ đạo của cấp uỷ địa phương trong công tác phối hợp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp từ thực tiễn địa phương tỉnh Khánh Hoà.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng yêu cầu lãnh đạo VKSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các Chỉ thị chuyên đề; quy định tại các Thông tư liên tịch và các quy chế, quy định, quy trình của Ngành liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu VKSND các cấp trong công tác này; tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân; chú trọng tăng cường hoạt động đối thoại với công dân để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo kéo dài; tăng cường công tác phối hợp, quan tâm, bố trí cán bộ có năng lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; chú trọng việc phân loại, xử lý đơn bảo đảm chính xác, đúng thẩm quyền; chủ động tham mưu giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó chú ý đơn do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đơn do Đại biểu Quốc hội, đơn trả lời kiến nghị của cử tri chuyển đến.
Mặt khác, các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp cần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục. Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật nhằm góp phần phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của Ngành trong thời gian tới.