Nhận diện sai phạm trong các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Ngày đăng : 10:36, 19/10/2023

(Kiemsat.vn) - Trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, tác giả tổng hợp, nhận diện sai phạm liên quan đến đấu thầu, tập trung trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xây dựng cơ bản, từ đó chỉ ra những cách thức, thủ đoạn phạm tội, góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong công tác thụ lý, giải quyết các vụ án liên quan đến loại tội này.

Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) quy định về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm 07 hành vi sau: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.

Qua thực tiễn giải quyết án, tác giả tập trung nhận diện, phân tích một số sai phạm, thủ đoạn phổ biến trong các vụ án về đấu thầu.

Một số dạng vi phạm phổ biến trong các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: Hành vi này có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những người là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong hoạt động mua sắm tài sản, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu nhằm làm thay đổi kết quả đấu thầu, thay đổi các hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu… Việc can thiệp có thể là trực tiếp, hoặc gây ảnh hưởng, gây áp lực đối với những người có trách nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động đấu thầu, các bên tư vấn, tham gia dự thầu,… (vi phạm khoản 2 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013).

Trong vụ án: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H và các đơn vị có liên quan: Mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H làm chủ đầu tư, Giám đốc Sở là người có thẩm quyền đối với gói thầu, nhưng đối tượng Nguyễn Văn A khi đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật. Sau khi dừng thầu, đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố, trong khi tới thời điểm hiện tại thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung; cho Công ty N thí điểm số hóa, sau đó tham gia đấu thầu và trúng thầu. Trong vụ án này, Công ty M (do vợ ông A làm giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế khống với Công ty N, giúp hợp thức hóa hồ sơ năng lực dự thầu và trúng thầu. Vụ án đã gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước 26 tỉ đồng.

- Thông thầu: Đây là hành vi thống nhất thỏa thuận giữa các bên tham gia dự thầu, cung ứng dịch vụ, phí dịch vụ cho các hoạt động đầu tư xây lắp trong gói thầu, để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu, gây khó khăn cho các bên không tham gia thỏa thuận (vi phạm khoản 3 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013). Thông thầu gồm một trong các hành vi sau: (i) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu; (ii) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

Một số thủ đoạn thường gặp đó là: (1) Các bên thỏa thuận thông thầu bằng cách làm các hồ sơ dự thầu không đủ tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho bên còn lại thắng thầu; (2) Giá dự thầu cao bất thường hoặc có sự không thống nhất giữa các lần tham gia. Ví dụ: Một bên tham gia dự thầu sẽ đưa ra giá dự thầu cao bất thường hoặc không ổn định; hoặc biểu hiện chỉ tham gia cho có về mặt hình thức, trong khi biết rõ đã có doanh nghiệp khác gửi hồ sơ dự thầu có tính cạnh tranh hơn. Trong trường hợp này thỏa thuận đã xác định rõ bên nào sẽ thắng thầu; (3) Giá dự thầu giống nhau: Một số nhà thầu cùng đưa ra mức giá dự thầu giống hệt nhau hoặc gần giống nhau thì rất có thể những doanh nghiệp này đã có sự thông đồng để cùng san sẻ gói thầu; (4) Hợp đồng thầu phụ bất thường: Nếu bên thắng thầu chỉ định, san sẻ gói thầu hoặc ký hợp đồng thầu phụ với các doanh nghiệp đối thủ đã tham gia dự thầu thì rất có thể trước đó đã có một thỏa thuận thông thầu. Trong trường hợp này, các bên thỏa thuận thống nhất rằng doanh nghiệp thắng thầu sẽ phải trả “chi phí thắng” cho các bên còn lại bằng các hợp đồng thầu phụ.

Vụ án xảy ra Sở Y tế thành phố C, do biết trước sẽ trúng thầu, Hoàng Thị Thúy N - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Công ty G, đã chỉ đạo cấp dưới thỏa thuận với Công ty S ký trước hợp đồng mua bán Hệ thống CT 128 lát cắt trước khi mở thầu. Trong hợp đồng nêu rõ là để cung cấp cho gói thầu và địa chỉ chuyển hàng là Bệnh viện Nhi đồng thành phố C, đơn vị được Sở Y tế cung cấp thiết bị; khẳng định độc quyền cung cấp hàng hóa, để các nhà thầu khác không thể mua được hàng và không đáp ứng được thời hạn giao hàng. Sau khi mua được Hệ thống CT 128 lát cắt, Hoàng Thị Thúy N đã chỉ đạo các công ty trong cùng hệ sinh thái mua bán nâng khống giá trị hàng hóa, sau đó bán cho Sở Y tế, đã gây thiệt hại cho ngân sách 12,4 tỉ đồng (giá nâng khống gần gấp đôi giá ban đầu).

Cũng trong vụ án này, để trúng thầu, Công ty G ngoài lập hồ sơ thầu cho mình còn nhờ 02 công ty làm “quân xanh”, trực tiếp lập hồ sơ cho “quân xanh”. Để lập hồ sơ dự thầu cho “quân xanh”, nhân viên của Công ty này lấy tài liệu pháp lý, báo cáo tài chính, các hợp đồng cũng như các tài liệu liên quan tại các công ty này để lập hồ sơ dự thầu; xin chữ ký, đóng dấu pháp nhân vào hồ sơ dự thầu và giấy giới thiệu để nhân viên của Công ty G nộp hồ sơ thầu cho “quân xanh”, ký biên bản đóng thầu và biên bản mở thầu. Hồ sơ “quân xanh” được dàn dựng để không trúng thầu, như về giá, về năng lực, hoặc không đáp ứng được thời hạn cung cấp hàng hóa, các tiêu chí kỹ thuật...

- Gian lận trong đấu thầu: Là hành vi của những người tham gia dự thầu, những người có trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư, hoặc để đạt được lợi ích khác, trốn tránh các nghĩa vụ phải thực hiện (vi phạm khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013). Gian lận trong đấu thầu thường là các hành vi: (1) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu; (2) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất… cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; (3) Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Các đối tượng thường lợi dụng quy định thiếu chặt chẽ trong việc xác định giá gói thầu mua sắm (duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức) quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không bắt buộc xác định giá gói thầu là giá thị trường, từ các giao dịch thực tế diễn ra trên thị trường, nên nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư, đơn vị thẩm định giá thực hiện lập khống 03 báo giá, nâng khống giá, sau đó sử dụng các báo giá này lập chứng thư thẩm định giá làm cơ sở xác định giá gói thầu. Các báo giá và chứng thư thẩm định trái pháp luật nêu trên lại tiếp tục được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm căn cứ thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu… làm sai lệch kết quả đấu thầu.

Các vụ án giải quyết trong thời gian gần đây đa phần từ các hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục; giá gói thầu được nâng khống lên cao gấp nhiều lần so với thực tế giá thị trường, đã làm tăng chi phí gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân liên quan, thậm chí gây thiệt hại cho người bệnh. Việc nâng khống giá gấp nhiều lần so với giá trị thực thường có sự liên quan, thông đồng giữa đơn vị trúng thầu, chủ đầu tư với các doanh nghiệp thẩm định giá.

Pháp luật không quy định cụ thể quy trình, trách nhiệm, cách thức kiểm tra, thẩm định khi sử dụng các báo giá, chứng thư thẩm định giá, báo cáo kết quả thẩm định giá có đảm bảo đúng quy định pháp luật về giá hay không, có bị chi phối hay sức ép làm sai lệch kết quả định giá hay không... Đây là sai phạm tương đối khó để nhận diện bởi việc đẩy giá, nâng khống giá có sự thông đồng giữa các bên để ăn chia lợi nhuận; đối với công ty thẩm định giá mặc dù quy định pháp luật là đơn vị hoạt động độc lập trong việc ban hành chứng thư thẩm định giá làm căn cứ xác định giá gói thầu và trong thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu, nhưng thực tế lại cấu kết với nhà thầu, chủ đầu tư ban hành chứng thư trái pháp luật, mà không có bất kỳ cơ chế kiểm tra, thẩm định lại các chứng thư này.

Để có cơ sở chứng minh, thu thập tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm này, các cơ quan chức năng buộc phải chứng minh sự liên quan về mặt lợi ích giữa các bên, sự thông đồng trong hoạt động đấu thầu. Đặc biệt, đối với sai phạm trong lĩnh vực mua sắm công, phải tập trung đấu tranh chứng minh làm rõ sai phạm, trách nhiệm của chủ đầu tư. Việc xây dựng giá gói thầu trong lĩnh vực mua sắm công đều do chủ đầu tư xác định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Chủ đầu tư cũng là người phê duyệt dự toán gói thầu. Để tăng khả năng trúng thầu, nhiều nhà thầu phải trả chi phí ngoài quy định cho chủ đầu tư và các bên liên quan. Do đó, nếu chủ đầu tư có sự thông đồng, móc nối với các bên liên quan thì hoàn toàn có thể giá gói thầu đã nâng khống để “chia chác” lợi nhuận, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình thu thập tài liệu chứng minh, Kiểm sát viên có thể tham khảo: “Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá” do Bộ Tài chính xây dựng. Đây là tập hợp tài liệu, dữ liệu thông tin về giá để phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá và cung cấp thông tin về giá theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, có rất nhiều gói thầu có quy mô lớn, phức tạp, hoặc gói thầu mua thiết bị có công nghệ mới, đặc thù thì rất khó để xác định giá.

Cơ quan tư vấn đã cố ý đánh giá sai năng lực nhà thầu, dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu: Trong vụ án AIC tỉnh Đ, Nguyễn Thị N là lãnh đạo nhà thầu tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu đã thông đồng với nhà thầu Công ty AIC, mặc dù công ty này không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu, nhưng cố ý hạ thấp tiêu chí để tạo lợi thế cho nhà thầu trong hồ sơ mời thầu; cố ý đưa ra điều kiện năng lực nhà thầu có các hợp đồng tương tự giá trị dưới mức 70% gói thầu đang xem xét trái quy định tại Mục 1 Chương 3 Thông tư số 05/2010/TT-BKHĐT (hợp đồng tương tự phải bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị gói thầu đang xem xét mới đủ năng lực tham dự thầu); xây dựng báo cáo đánh giá sai năng lực kinh nghiệm của nhà thầu AIC, dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Kết quả, Công ty AIC dù không đủ năng lực kinh nghiệm nhưng vẫn được xét trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 08 tỉ đồng.

Một trong những hành vi phổ biến là lập khống 03 giấy báo giá đưa vào hồ sơ thầu, sử dụng để ban hành chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá thầu.

Về thủ đoạn nâng khống giá thiết bị, nhằm che giấu lợi nhuận từ số tiền chiếm đoạt của nhà nước; tránh bị thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu, có thể: Nâng giá ngay trong nước bằng thủ đoạn lập hợp đồng mua bán giữa các công ty trong nhóm lợi ích, đẩy giá lên cho phù hợp với giá gói thầu; hoặc được nâng giá từ nước ngoài trước khi làm thủ tục nhập khẩu thiết bị về Việt Nam, sau đó hợp thức bằng các hóa đơn, chứng từ nhập khẩu.

Chủ đầu tư, nhà thầu, công ty thẩm định giá thông đồng ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá ấn định trước: Trong các vụ án xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh… Công ty thẩm định giá đều sử dụng danh mục, giá thiết bị đã được chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp, trong đó có 03 báo giá lập khống, để lập chứng thư thẩm định giá, mà không thực hiện không kiểm tra đối chiếu, khảo sát, thu thập thông tin giá trị thị trường của hàng hóa theo quy định Luật giá, các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01, 02, 03, 05, 08. Các báo giá khống, chứng thư thẩm định giá được lập trái pháp luật tiếp tục được Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban ngành liên quan sử dụng để thẩm định danh mục, dự toán, giá hàng hóa, giá gói thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu... mà không phát hiện được giá hàng hóa đều bị lập khống do nhà thầu và chủ đầu tư đã thông đồng, thỏa thuận từ trước.

- Chuyển nhượng thầu trái phép: Hành vi chuyển nhượng thầu trái phép là hành vi nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỉ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết (khoản 8 Điều 89 Luật đấu thầu).

Vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H: Biết Công ty Đ không đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ mời thầu, Võ Việt H là Giám đốc Công ty đã hợp tác với Bùi Quang T là Tổng giám đốc Công ty C cũng thực hiện các gói thầu số hóa do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H là chủ đầu tư. Quá trình thực hiện 02 gói thầu số hóa, H chỉ đạo nhân viên mua hồ sơ mời thầu, xây dựng hồ sơ dự thầu cho 4 công ty khác làm “quân xanh”, tạo điều kiện cho Liên danh C - Đ trúng thầu.

Sau khi trúng thầu, được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H ký hợp đồng với Liên danh C - Đ, Bùi Quang T - Tổng giám đốc Công ty C và Võ Việt H - Giám đốc Công ty Đ đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% công việc theo nội dung hợp đồng đã ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H cho Công ty Đ thực hiện, trị giá 29.084.000.000 đồng.

- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu: Theo đó, có các hành vi sau: (1) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư; (2) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án; (3) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án; (4) Là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng… đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu; (5) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu; (6) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hoặc nêu chi tiết về hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; (7) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật đấu thầu nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu (khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu năm 2013).

Việc công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu là một trong những thước đo giá trị cho công tác đấu thầu, cũng là mục tiêu mà các quy định trong văn bản pháp luật về đấu thầu hướng tới, nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho các nhà thầu. Thông tin đấu thầu được công khai, minh bạch cũng giúp giám sát hiệu quả hoạt động đấu thầu, nhất là trong lĩnh vực mua sắm công. Tuy nhiên, vẫn diễn ra phổ biến là chủ đầu tư hạn chế quyền tiếp cận thông tin của nhà thầu, thông đồng với nhà thầu quen biết đưa các thông số kỹ thuật có lợi vào hồ sơ mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhằm loại bỏ các nhà thầu khác, tạo điều kiện cho nhà thầu quen biết trúng thầu với giá thỏa thuận ấn định từ trước.

Các sai phạm này thường thể hiện trong các trường hợp: Hồ sơ mời thầu có quy định về một số thông số kỹ thuật đặc biệt hoặc quy định các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu quen biết, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến đầu tư không hiệu quả; thủ đoạn “cài thầu”: Thường đưa ra các thông số kỹ thuật, cấu hình của các loại thiết bị hàng hóa cụ thể nào đó, chỉ bỏ tên thiết bị, model, hãng sản xuất, xuất xứ hàng hóa để làm yêu cầu về thông số kỹ thuật của hàng hóa trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế các nhà thầu khác tham gia. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định: “Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Ở đây có sự thông đồng giữa chủ đầu tư, nhà thầu. Nhà thầu cung cấp catalogue, bảng thông số kỹ thuật, báo giá để chủ đầu tư lập dự toán, lập hồ sơ mời thầu, các báo cáo thẩm định, nhằm hạn chế các nhà thầu khác tham gia; chia nhỏ gói thầu dưới 100 triệu đồng hay xảy ra đối với các gói thầu nhỏ tại các địa phương, để chỉ định thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư số 58/2016 nêu trên đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng.

Chứng minh thủ đoạn dàn xếp, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu dựa trên các tài liệu buộc phải công khai thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không được thực hiện theo quy định; hoặc dựa trên tính chính xác của thông báo mời thầu; các thông số kỹ thuật đặc biệt được nêu ra trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu… nhằm hướng đến lợi ích của nhóm đối tượng cụ thể; hoặc dựa trên tài liệu chứng minh ý thức chủ quan, hành vi, thủ đoạn các đối tượng liên quan, tập trung đối với chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn.

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện T, thành phố H, chủ đầu tư đã thông đồng với các doanh nghiệp ký gửi vật tư y tế để bệnh viện sử dụng trước, sau đó hợp thức bằng đấu thấu để các doanh nghiệp này trúng thầu hoặc áp dụng chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu, với lý do là do yêu cầu “cấp bách”, “cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn...”. Việc đấu thầu, áp dụng chỉ định thầu ngoài mục đích mua vật tư, hóa chất phục vụ khám chữa bệnh, còn để thanh toán tiền hàng đã sử dụng cho các nhà thầu theo giá thỏa thuận đã bị nâng khống cho các doanh nghiệp.

Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đấu thầu

Trong hầu hết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, hành vi sai phạm kéo dài, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cá nhân tổ chức, gây thất thoát lớn về tài sản cho Nhà nước, trong đó có nguyên nhân do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, quá trình điều tra làm rõ sai phạm để xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu thầu, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp một số khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý để xử lý trách nhiệm, thiếu các quy định cụ thể về phân định trách nhiệm, quy trình, cách thức kiểm tra, thẩm định, cũng như trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu.

Qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án liên quan đến đấu thầu, VKSND tối cao đã ban hành một số kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật về đấu thầu, là nguyên nhân dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu, để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội; đồng thời gây khó khăn trong việc nhận diện sai phạm, làm rõ trách nhiệm của đối tượng liên quan, nhất là người có trách nhiệm trong các cơ quản lý nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đấu thầu, như:

Sửa đổi quy định trong Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính về căn cứ xác định giá gói thầu chỉ cần 03 báo giá, nếu không đủ thì tham khảo thêm địa bàn khác cho đủ 03 báo giá, là trái quy định của Luật giá, các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do các báo giá không dựa trên giá trị thị trường của hàng hóa từ các giao dịch mua bán thành công, hợp pháp, công khai, cạnh tranh trên thị trường.

Quy định cụ thể trách nhiệm, quy trình, cách thức kiểm tra, thẩm định lại các báo giá, báo cáo kết quả thẩm định giá trước khi áp dụng báo giá, chứng thư thẩm định giá để xác định giá gói thầu đối với cơ quan, người có trách nhiệm trong cơ quan quản lý nhà nước.

Quy định quy trình, phân định rõ trách nhiệm người, cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định, đề xuất, ban hành văn bản, quyết định liên quan đến hoạt động đấu thầu; làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu thầu.

Việc hoàn thiện quy định về pháp luật đấu thầu có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện sai phạm, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đối tượng liên quan trong các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, góp phần xử lý nghiêm những đối tượng liên quan trong vụ án.

Cao Anh - Trần Thế Linh (Tạp chí Kiểm sát số 14/2023)