Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm tham nhũng
Ngày đăng : 09:03, 09/10/2023
Một số yêu cầu tội phạm hóa các hành vi tham nhũng trong giai đoạn hiện nay
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay và các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia về phòng, chống tham nhũng như Công ước Liên hợp quốc phòng chống tham nhũng (UNCAC); Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã đặt ra một số yêu cầu về tội phạm hóa một số hành vi tham nhũng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu về việc mở rộng hành vi phạm tội trong Tội nhận hối lộ. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thì người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào được quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ. Như vậy, hành vi nhận hối lộ sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức: Nhận trực tiếp hoặc nhận qua trung gian. Tuy nhiên, đối chiếu trong quy định của Công ước UNCAC và Hiệp định CPTPP, thì ngoài hai hình thức này, còn có thêm một hình thức nữa đó là “đòi” một lợi ích bất chính để làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ.
Theo quy định của Công ước UNCAC thì mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định thành tội phạm các hành vi hối lộ công chức quốc gia trong đó có hành vi “đòi” một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức hay cho người hoặc tổ chức khác, để công chức làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ. Hiệp định CPTPP cũng đưa ra yêu cầu các bên tham gia phải xử lý hình sự đối với các hành vi đưa hối lộ công chức và hành vi đòi hoặc nhận hối lộ của công chức, bất kể đó là công chức Nhà nước, công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế.
Như vậy, so với quy định trong Công ước UNCAC và Hiệp định CPTPP thì hành vi nhận hối lộ trong BLHS Việt Nam có hình thức biểu hiện hẹp hơn. Và trên thực tế, nếu chủ thể nào đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện hành vi “đòi” lợi ích bất chính nào đó để làm hoặc không làm một việc trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử lý về Tội nhận hối lộ theo pháp luật hình sự Việt Nam.
Thứ hai, yêu cầu về việc tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Theo Công ước UNCAC thì các quốc gia cần xem xét để hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức (Điều 20). Theo đó, làm giàu bất hợp pháp là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy.
Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa tội phạm hóa hành vi này, do khó chứng minh được tài sản của cán bộ, công chức. Trong khi đó, pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới có quy định về hành vi phạm tội này như: (1) Bộ luật Hình sự của Indonesia quy định trường hợp một người bị kết tội tham nhũng lớn, ngoài việc bị tịch thu tiền có được do tham nhũng, người này còn bị yêu cầu chứng minh tài sản của họ không liên quan đến vụ việc này không phải là tài sản có được do tham nhũng. Việc nhận quà không phải là phạm tội nếu được báo cáo một cách chính thức. Báo cáo việc nhận quà tặng là yêu cầu bắt buộc và Ủy ban chống tham nhũng đưa ra quyết định người nhận có được giữ lại hay quà tặng trở thành tài sản Nhà nước; (2) Điều 395 Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định: Bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu rõ ràng vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn, thì có thể bị yêu cầu giải thích về nguồn gốc tài sản của người đó. Nếu công chức không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp của họ sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp, bị phạt tù đến 05 năm hoặc cải tạo không giam giữ và tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị tịch thu. Công chức phải thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tài khoản ngân hàng của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nếu ai có khoản tiền gửi ở các ngân hàng nước ngoài lớn mà không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì bị phạt tù đến 02 năm hoặc cải tạo không giam giữ. Trường hợp hành vi vi phạm ít nghiêm trọng, thì công chức đó sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật bởi cấp có thẩm quyền quản lý cao hơn”; (3) Singapore trao quyền cho Cục Điều tra tham nhũng điều tra bất kỳ người nào sở hữu nguồn tiền hoặc tài sản không phù hợp với nguồn thu nhập của họ mà không thể giải trình. Việc người đó sở hữu tiền và tài sản có thể được coi là bằng chứng rằng họ đã nhận tiền hay tài sản đó “bằng cách tham ô hay nhận đút lót dưới dạng tiền thưởng”.
Thứ ba, ngoài các yêu cầu về tội phạm hóa một số hành vi tham nhũng trên, hiện nay còn đặt ra yêu cầu về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi tham nhũng. Pháp luật hình sự Việt Nam chưa có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi thực hiện các hành vi liên quan đến hối lộ. Hiệp định CPTPP khuyến khích các quốc gia nên có các biện pháp cụ thể để quy định trách nhiệm của pháp nhân khi thực hiện các hành vi liên quan đến hối lộ được miêu tả trong khoản 1 Điều 26.7 của Hiệp định này.
Đặc biệt, Hiệp định CPTPP yêu cầu mỗi bên tham gia phải đảm bảo rằng pháp nhân phải chịu chế tài hình sự hoặc chế tài phi hình sự để nhằm mục đích phòng ngừa các hành vi này (khoản 3 Điều 26.7). Công ước UNCAC đã đề cập đến việc xác định trách nhiệm pháp nhân khi tham gia vào các tội phạm tham nhũng, trong đó cũng đề cập đến việc áp dụng chế tài hình sự hoặc phi hình sự khi pháp nhân vi phạm (Điều 26). Mặc dù BLHS năm 2015 đã có các quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Tuy nhiên, trong các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự thì không có các tội phạm tham nhũng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu một pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi tham nhũng nói chung và các hành vi liên quan đến hối lộ nói riêng thỏa mãn các quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 75 BLHS năm 2015 thì cũng không bị coi là tội phạm.
Chính vì vậy, với khuyến nghị từ các yêu cầu, cam kết trong Hiệp định CPTPP và Công ước UNCAC, Việt Nam cần bổ sung chủ thể pháp nhân thương mại vào nhóm tội phạm này nhằm đảm bảo sự phù hợp, tương thích.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đối với các hành vi tham nhũng
Một là, cần bổ sung hành vi “đòi” bất kỳ lợi ích nào (lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất) của chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hoặc không thực hiện một việc khi thi hành công vụ, nhiệm vụ trong Tội nhận hối lộ. Thực tiễn các hành vi tham nhũng nói chung và các hành vi liên quan đến hối lộ nói riêng được biểu hiện rất đa dạng, trong đó có những hành vi đã được pháp luật hình sự Việt Nam quy định để xử lý hình sự. Mặc dù, hành vi “đòi” các lợi ích bất hợp pháp của các chủ thể có chức vụ, quyền hạn đã được đề cập trong Hiệp định CPTPP về các biện pháp chống tham nhũng, vì vậy, cần phải bổ sung hành vi này vào dấu hiệu định tội của Tội nhận hối lộ.
Cụ thể, khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015 cần bổ sung theo hướng: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất”. Quy định như vậy sẽ xử lý một cách toàn diện và hiệu quả hành vi nhận hối lộ trên thực tế.
Hai là, cần tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Các cơ quan chức năng cần ban hành các quy định cụ thể về việc minh bạch tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn, trên cơ sở đề ra các phương thức quản lý thu nhập một cách chặt chẽ, phù hợp, để làm cơ sở cho việc xác minh số tài sản hợp pháp và bất hợp pháp, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Ba là, cần mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại khi thực hiện các hành vi tham nhũng, cụ thể đối với hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi tham nhũng là cần thiết, không những đảm bảo theo khuyến nghị được thể hiện trong Hiệp định CPTPP và trong Công ước UNCAC mà còn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam hiện nay. Thực tiễn cho thấy, vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu…, các pháp nhân thương mại (doanh nghiệp, tập đoàn, công ty….) đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm hạn chế khả năng cạnh tranh, cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và gây mất niềm tin vào sự liêm chính trong thương mại.
Việc truy cứu trách nhiệm của pháp nhân thương mại trong các trường hợp này là rất cần thiết vì người thực hiện hành vi phạm tội (như Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện…) chỉ là người triển khai thực hiện quyết định, chính sách của cả tập thể (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…). Các cá nhân này thực hiện hành vi phạm tội nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân hoặc ít nhất là hành vi đó được pháp nhân chấp nhận và chịu sự kiểm soát của pháp nhân mà người đó là thành viên, lợi ích bất hợp pháp thu được không phải của cá nhân họ mà thực chất là của pháp nhân thương mại đó. Vì vậy, nếu pháp luật hình sự chỉ quy định cá nhân đại diện cho pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự là thiếu công bằng cho cá nhân thực hiện hành vi phạm tội.