Hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc
Ngày đăng : 08:07, 04/10/2023
Quy định của pháp luật hình sự về Tội đánh bạc
Tội đánh bạc được ghi nhận khá sớm trong pháp luật hình sự của Việt Nam (cùng với nhóm tội giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, mại dâm...). Tội danh đánh bạc có định nghĩa pháp lý chung là hành vi được thua bằng tiền giữa cá nhân với cá nhân bằng bất kỳ hình thức nào mà không được pháp luật cho phép. Gần như định nghĩa này không có sự thay đổi qua các lần sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam từ trước đến nay, chỉ có điểm khác là định lượng của hành vi đánh bạc có sự thay đổi theo hướng ngày càng tăng về giá trị.
Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích mặt khách quan trong cấu thành tội phạm đánh bạc. Theo đó, hành vi đánh bạc cấu thành tội phạm nếu cùng thỏa mãn đồng thời 02 yếu tố sau:
Thứ nhất, có hành vi đánh bạc trái phép: Đánh bạc trái phép được Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của BLHS (Nghị quyết số 01/2010 - đã hết hiệu lực nhưng vẫn còn giá trị tham khảo) giải thích là hành vi được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Hình thức được thua bằng tiền trên thực tế rất phong phú và đa dạng, có thể là đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm, lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, xóc đĩa,…; có thể diễn ra trực tiếp giữa các chủ thể, thông qua trung gian hoặc trên không gian mạng máy tính, các phương tiện điện tử khác. Tuy nhiên, khai thác yếu tố chủ thể thực hiện hành vi được thua bằng tiền thì có thể khái quát thành hai nhóm hình thức: Một người (chủ bạc) được thua với một người hoặc nhiều người; hoặc nhiều người cùng được thua với nhau một cách ngẫu nhiên.
Thứ hai, số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc: Người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép chỉ bị xem xét trách nhiệm hình sự nếu số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu do BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định (05 triệu đồng). Tương ứng với hai nhóm hình thức đánh bạc trên là hai cách để xác định số tiền phải chịu trách nhiệm hình sự khi tham gia đánh bạc, đó là: (1) Nếu một người đánh bạc được thua với một người hoặc nhiều người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền mình dùng vào việc đánh bạc cộng với số tiền dùng vào việc đánh bạc của một hoặc nhiều người chơi khác, hay ở chiều ngược lại, người chơi phải chịu trách nhiệm với số tiền họ tham gia đánh bạc và số tiền họ thắng bạc; (2) Nếu nhiều người được thua với nhau một cách ngẫu nhiên thì người chơi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền dùng vào việc đánh bạc của mình cộng với tất cả người cùng chơi khác. Trong đó, tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc của từng người là tổng của: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc hoặc tại địa điểm tổ chức việc đánh bạc khi bị bắt quả tang (trường hợp không xác định được phần của ai trên chiếu bạc thì được suy đoán là tổng số tiền của tất cả những người tham gia đánh bạc tại thời điểm bắt quả tang); tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Ngoài ra, trong trường hợp số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc dưới định lượng 05 triệu đồng thì người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã bị kết án về các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc mà chưa được xóa án tích, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị vi phạm.
Những bất cập trong xử lý hình sự hành vi đánh bạc
Bất cập trong xác định một lần đánh bạc: Một số tội danh trong BLHS năm 2015 có định lượng bằng giá trị thì có thể cộng dồn giá trị để xác định cấu thành tội phạm, nhưng đối với tội danh đánh bạc thì giá trị của một lần đánh bạc được dùng làm yếu tố cấu thành một lần phạm tội, không được cộng dồn số tiền của nhiều lần để làm căn cứ xác định một lần phạm tội. Nghị quyết số 01/2010 đã nêu: “Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét”. Từng lần đánh bạc tương ứng với từng lần phạm tội có ý nghĩa để xác định có tội hay không và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (như phạm tội nhiều lần, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp). Xác định sai số lần đánh bạc có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc đánh giá không đúng về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Đánh bạc có hình thức phong phú và đa dạng nên không thể liệt kê một lần đánh bạc đối với tất cả các hình thức, mà phải sử dụng một định nghĩa pháp lý chung để làm cơ sở xác định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có định nghĩa chung để xác định như thế nào là một lần phạm tội đánh bạc. Trong trường hợp cụ thể, Nghị quyết số 01/2010 hướng dẫn như sau: “Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó, người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó”. Trên thực tiễn, để xác định một lần đánh bạc dựa trên hướng dẫn này vẫn còn nhiều điểm bất cập, nhất là hành vi chơi số đề.
Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng các hướng dẫn hiện hành về xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc là số tiền từng lần, mà không cộng dồn giá trị nhiều lần đã bộc lộ sự không công bằng trong xử lý trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Trong một đêm, A cá độ một trận bóng đá với số tiền 05 triệu đồng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc. Ngược lại, trong một đêm, B tham gia cá độ 04 trận bóng đá, mỗi trận có số tiền đánh bạc là 04 triệu đồng, tổng số 04 trận là 16 triệu đồng nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính vì mỗi trận đấu (mỗi lần đánh bạc) đều chưa đủ định lượng về giá trị. So sánh hai trường hợp trên cho thấy: Trong cùng một khoảng thời gian, người chơi nhiều lần, mỗi lần không đủ định lượng nhưng tổng số tiền tham gia đánh bạc lại lớn hơn 05 triệu đồng (tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn người chơi với số tiền ít hơn) nhưng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, cũng trong cùng khoảng thời gian đó, người chơi số tiền ít hơn (tính nguy hiểm cho xã hội ít hơn) thì lại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề không cộng dồn số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc cũng dẫn đến không công bằng trong định tội danh và xác định vai trò của đồng phạm. Ví dụ: Nguyễn Văn A là chủ đề tổ chức đánh bạc với sự giúp sức của B và C. Hằng ngày, B, C là những người trực tiếp bán cho người khác và giao phơi lại cho A để tính tiền thắng thua với người chơi để giao lại cho B, C chi trả cho người trúng đề. Trong ngày thứ nhất, B bán cho 03 người được số tiền 15 triệu đồng (bán một đài duy nhất), C bán cho 02 người được số tiền 05 triệu đồng (bán một đài duy nhất); ngày thứ hai, B bán cho 05 người được số tiền 20 triệu đồng (bán một đài duy nhất), C bán cho 03 người được số tiền 10 triệu đồng (bán một đài duy nhất). Căn cứ vào số tiền dùng vào việc đánh bạc và số người tham gia đánh bạc thì đủ căn cứ để xử lý A về Tội tổ chức đánh bạc với 02 lần phạm tội (ngày thứ nhất số tiền 20 triệu đồng, ngày thứ hai với số tiền 30 triệu đồng). B là người giúp sức cho A nhưng ngày thứ nhất số tiền không đủ 20 triệu đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc, nhưng ngày thứ hai số tiền đủ 20 triệu đồng nên phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc. C là người giúp sức cho A nhưng cả hai ngày đều không đủ 20 triệu đồng nên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc. Rõ ràng, vai trò của B và C là giống nhau (đều là người giúp sức cho A) nhưng B lại phải chịu trách nhiệm hình sự về cả hai tội, còn C chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội danh. Xét vai trò của A và B, thì B chỉ là người giúp sức cho A nhưng lại phải đối mặt với hai tội danh là đánh bạc và tổ chức đánh bạc, còn A là người có vai trò chính nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội danh là tổ chức đánh bạc. Đương nhiên, mức tổng hợp hình phạt của hai tội danh sẽ có phần chêch lệch nặng hơn so với một tội danh.
Bất cập trong các quy định và thực tiễn xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc. Trên thực tiễn, xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc còn nhiều cách hiểu khác nhau như sau:
Thứ nhất, về tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc. Có quan điểm cho rằng, tiền hoặc hiện vật thu giữ tại chiếu bạc thì được suy đoán là đương nhiên dùng vào việc đánh bạc, nên việc chứng minh số tiền trên chiếu bạc là của ai, sử dụng vào mục đích gì là không cần thiết. Quan điểm khác lại cho rằng, tiền hoặc hiện vật thu giữ trực tiếp trên chiếu bạc chỉ xác định là dùng vào việc đánh bạc nếu chứng minh được nó dùng vào mục đích đánh bạc. Vì trong thực tiễn, khi bắt quả tang các vụ án đánh bạc, người phạm tội thường bỏ chạy và vứt tiền lên chiếu bạc, nên có khả năng trong số tiền thu được trên chiếu bạc có phần tiền không dùng vào việc đánh bạc. Do vậy, về suy đoán số tiền trên chiếu bạc đương nhiên dùng vào việc đánh bạc là không phù hợp.
Thứ hai, về tiền trên người của người đánh bạc hoặc thu giữ ở những nơi khác mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng vào đánh bạc.
Trên thực tế, rất khó xác định như thế nào là tiền hoặc hiện vật “đã được hoặc sẽ được dùng vào việc đánh bạc”. Thông thường, khi tham gia đánh bạc, người đánh bạc mang theo rất nhiều tiền và tài sản có giá trị khác nhưng để thu thập chứng cứ nhằm chứng minh số tài sản mang theo có dùng vào việc đánh bạc hay không thì rất khó khăn, đặc biệt khi người phạm tội không thành khẩn khai báo. Trên thực tế, đối tượng đánh bạc khi bị bắt quả tang thường chỉ thừa nhận rất ít hoặc thậm chí không thừa nhận số tiền giữ trên người là tiền dùng vào việc đánh bạc. Các đối tượng đã bị xử lý hành vi đánh bạc nhiều lần thì gần như không thừa nhận số tiền, hiện vật mang theo là dùng vào việc đánh bạc. Với số tiền hoặc hiện vật ở địa điểm khác thì việc chứng minh càng khó khăn hơn. Ngay cả khi người bị bắt quả tang thừa nhận số tiền hoặc hiện vật trên người hoặc ở địa điểm khác dùng vào việc đánh bạc thì cũng khó có căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, tiền hoặc hiện vật bị thu giữ có bao nhiêu dùng vào việc đánh bạc thì gần như chỉ bản thân người đánh bạc mới biết, những người cùng chơi cũng khó có thể biết. Hơn nữa, sử dụng lời khai của người tham gia đánh bạc làm căn cứ buộc tội không phù hợp với khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Về vấn đề này, tiểu mục 13 Mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn như sau: “ … đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa,...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.
Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn này rất dễ gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, khi chơi đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm…, người chơi chỉ phải chịu trách nhiệm về số tiền trên chiếu bạc, còn số tiền thu trên người hoặc ở địa điểm khác có được sử dụng là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự hay không? Ngược lại, nếu chơi lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa… thì người chơi chỉ phải chịu trách nhiệm về số tiền mà họ khai nhận dùng vào việc đánh bạc, còn số tiền bắt quả tang hoặc thu ở nơi khác mà chứng minh được sẽ dùng vào việc đánh bạc thì sẽ xử lý như thế nào? Công văn trên cần giải thích rõ về hai trường hợp là tiền hoặc hiện vật thu giữ trên người của người chơi bạc và ở địa điểm khác mà có căn cứ sẽ dùng vào việc đánh bạc như Nghị quyết số 01/2010.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Tội đánh bạc
Đặc trưng của Tội đánh bạc là tính phong phú và đa dạng trong hình thức đánh bạc. Xuất phát từ đặc tính đó nên để xây dựng một văn bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết đối với từng hình thức đánh bạc là rất khó khăn và đôi lúc sẽ không theo kịp được tốc độ phát triển của loại hình tội phạm này. Do vậy, giải pháp phù hợp là đưa ra các quy định có tính nguyên tắc để vận dụng vào thực tiễn.
- Về “một lần đánh bạc”: Một lần đánh bạc hay một lần phạm tội đánh bạc phải hội đủ các yếu tố để xem xét trách nhiệm hình sự, trong đó chủ yếu là mặt khách quan của tội phạm. Bản chất của một lần đánh bạc là chủ thể mong muốn được thua bằng tiền hoặc hiện vật với một chủ thể khác bằng một hình thức đánh bạc cụ thể. Bất kể thời gian thực hiện hành vi dài hay ngắn thì hành vi sẽ chấm dứt tại thời điểm người phạm tội đạt được mục đích của tội phạm, tức là xác định được việc thắng thua với một cá nhân hoặc nhóm cá nhân khác. Do đó, theo chúng tôi, định nghĩa “một lần đánh bạc” phải dựa vào bản chất và mục đích của hành vi đánh bạc theo hướng: “Một lần đánh bạc (một lần phạm tội) được tính từ thời điểm người bị buộc tội tham gia vào một hình thức đánh bạc cho đến khi họ xác định được việc thắng thua bằng tiền hoặc bằng hiện vật có giá trị quy đổi thành tiền”. Định nghĩa chung sẽ là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự đối với nhóm hành vi một người ăn thua với một người hoặc nhiều người và nhiều người ăn thua với nhau. Hành vi phạm tội được xác định căn cứ vào tính chất được thua của một hành vi trong một khoảng thời gian nhất định, nên cho dù hành vi diễn ra tức thời hay kéo dài thì nó cũng sẽ chấm dứt tại thời điểm các bên “chốt” được việc thắng thua với nhau. Đây chính là thời điểm các bên đã đạt được mục đích của tội phạm nên xác định thời điểm này đã chấm dứt một lần đánh bạc. Liền sau đó, các bên tiếp tục được thua với nhau, số người, địa điểm có thể thay đổi hoặc không thay đổi, thì đã bắt đầu một hành vi tội phạm mới.
Ví dụ: Một người trong cùng một ngày có thể mua nhiều lô đề ở nhiều đài khác nhau, nhưng cuối cùng việc xác định ăn thua lại căn cứ vào kết quả xổ số kiến thiết cuối ngày. Đây là thời điểm xác định thắng thua giữa người mua và người bán với hình thức đánh bạc là số đề, nên tổng số tiền chơi trong một ngày được xác định là một lần đánh bạc. Trường hợp đánh bạc bằng hình thức bài tây 03 lá, người chơi có thể chơi nhiều ván trong thời gian liên tục nhưng sẽ kết thúc tại thời điểm không chơi nữa. Nếu nghỉ cùng lúc thì xác định thời điểm này là một lần phạm tội của tất cả người tham gia đánh bạc. Nếu trong nhóm có người nào đó nghỉ trước thì trách nhiệm hình sự của họ được xác định tại thời điểm nghỉ, còn từ thời điểm họ nghỉ trở đi đến khi bị bắt quả tang là trách nhiệm của những người chơi còn lại (người nghỉ không phải chịu thêm trách nhiệm ở giai đoạn này).
Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về số tiền dùng vào việc đánh bạc. Điều 321 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng…”. Theo đó, điều luật không có bất kỳ giới hạn nào bắt buộc phải trong một lần, một hình thức hoặc một khoảng thời gian đánh bạc trên 5.000.000 đồng. Bởi lẽ, xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc là dựa vào quy mô về giá trị của hành vi đánh bạc, giá trị càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Để đảm bảo tính bình đẳng trong việc xác định quy mô về giá trị, chỉ có thể cộng dồn nhiều lần về hành vi đánh bạc. Điều này phù hợp với diễn biến của tội phạm, vì lần thứ nhất người chơi thực hiện hành vi phạm tội tuy chưa đủ định lượng chịu trách nhiệm hình sự thì cũng đã phải bị xử phạt vi phạm hành chính, đến lần thứ hai nếu tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mà chưa hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, một người phạm tội liên tục trong một khoảng thời gian dài mà chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xem xét trách nhiệm hình sự, mà mỗi lần tham gia chưa đủ định lượng thì có thể cộng dồn để xem xét trách nhiệm hình sự.
- Về áp dụng tương tự pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều hướng dẫn đối với một số tội danh có định lượng về giá trị được phép cộng dồn như: Các tội xâm phạm quyền sở hữu; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Do vậy, cộng dồn số tiền của nhiều lần đánh bạc trong một khoảng thời gian nhất định để xem xét trách nhiệm hình sự là phù hợp với lý luận và thực tiễn.
Định nghĩa về một lần đánh bạc và quy định cho phép cộng dồn giá trị sử dụng vào việc đánh bạc nếu được kết hợp sẽ tạo được tính bình đẳng trong xử lý trách nhiệm hình sự, cũng như đánh giá đúng với tính chất, mức độ phạm tội của hành vi này. Do vậy, cần bổ sung phương pháp xác định 01 lần đánh bạc và quy định về việc cộng dồn số tiền dùng vào việc đánh bạc trong nhiều lần để xác định cấu thành tội phạm và khung hình phạt. Trường hợp nhiều lần đánh bạc mà có ít nhất 02 lần trên định lượng 5 triệu đồng thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” hoặc “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (nếu thỏa mãn điều kiện khác); nếu nhiều lần đánh bạc có tổng số tiền trên 5 triệu đồng nhưng không có hoặc có ít hơn 02 lần trên 5 triệu đồng thì không áp dụng tình tiết “phạm tội từ 02 lần trở lên”.
- Về xác định tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc: Để giải quyết những bất cập trong thực tiễn chứng minh số tiền dùng vào việc đánh bạc, theo chúng tôi, cần quy định như sau: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: Tiền hoặc hiện vật thu giữ tại chiếu bạc hoặc các con bạc mang theo khi bị bắt quả tang, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh không dùng vào việc đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở địa điểm khác, dữ liệu điện tử hoặc thông tin, chứng cứ khác có thể quy đổi giá trị nhưng có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.
Theo đó, số tiền hoặc hiện vật thu giữ tại chiếu bạc hoặc trên người chơi bạc khi bị bắt quả tang là số tiền dùng vào việc đánh bạc. Người phạm tội khi đến sòng bạc thì mục đích của họ là để đánh bạc nhằm ăn thua bằng tiền, nên bản thân họ phải nhận thức được rằng việc mang tiền hoặc hiện vật vào sòng bạc đương nhiên bị suy đoán là dùng vào việc đánh bạc. Quy định này giúp tránh tình trạng người phạm tội khi đi đánh bạc mang theo số tiền rất lớn nhằm mục đích đánh bạc, nhưng khai chỉ sử dụng một phần tiền nhỏ vào việc đánh bạc; khắc phục việc bắt quả tang số tiền rất lớn nhưng lại không thể xử lý hình sự hoặc xử lý ở mức độ nhẹ. Tiền hoặc hiện vật mà người phạm tội mang theo nhưng khi bị bắt quả tang thì vứt bỏ cũng phải được xem xét nhằm xác định trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người tham gia đánh bạc cho rằng tiền hoặc hiện vật bị thu giữ khi bắt quả tang không dùng vào việc đánh bạc, mà sử dụng vào mục đích khác (không phải đánh bạc), thì cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh lý do của người người tham gia đánh bạc nêu ra. Nếu có cơ sở tiền đó không dùng vào việc đánh bạc thì loại trừ trách nhiệm hình sự cho người đó, còn không chứng minh được thì đương nhiên suy đoán là dùng vào việc đánh bạc. Quy định này vừa giải quyết được vấn đề chứng minh, vừa là giải pháp mang tính răn đe, phòng ngừa hành vi đánh bạc; người tham gia đánh bạc phải biết hành vi đánh bạc là trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm với số tiền mình và người khác mang theo.
Đối với tiền hoặc hiện vật thu giữ ở địa điểm khác (bao gồm tiền hoặc hiện vật khi bị bắt quả tang hoặc sau đó) thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh số tiền này đã hoặc sẽ được sử dụng vào việc đánh bạc. Đối với hình thức đánh bạc trực tuyến hoặc quy đổi thành công cụ giá trị, thì dữ liệu điện tử, vật quy đổi là căn cứ để xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc. Trường hợp không chứng minh được thì không cộng với số tiền bị bắt quả tang để xác định trách nhiệm hình sự người phạm tội.