Về các yếu tố chủ quan thuộc bản thân với việc hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội

Ngày đăng : 08:28, 02/10/2023

(Kiemsat.vn) - Yếu tố chủ quan thuộc bản thân người phạm tội là một trong hai yếu tố có vai trò quan trọng với việc hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội, chủ yếu là các đặc điểm tâm lý - đạo đức tiêu cực. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa tái phạm cần chú trọng các yếu tố thuộc bản thân người phạm tội.

Yếu tố chủ quan thuộc bản thân người phạm tội là một trong hai yếu tố có vai trò quan trọng với việc hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội, chủ yếu là các đặc điểm tâm lý - đạo đức tiêu cực; gắn liền với các giai đoạn trưởng thành về sinh lý, sự phát triển tâm lý, dưới tác động, ảnh hưởng của môi trường sống tiêu cực, của tình huống cụ thể khi người đó có khả năng lựa chọn cách xử sự khác nhau. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa tái phạm cần chú trọng các yếu tố thuộc bản thân người phạm tội.

Nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm, dấu hiệu thể hiện bản chất của người đó. Trong cơ chế hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội có vai trò quan trọng giúp luận giải nguyên nhân của tội phạm từ phía chủ quan người phạm tội để xây dựng các biện pháp phòng ngừa tội phạm phù hợp với từng nhóm người, nhóm nhân cách.

Các yếu tố chủ quan thuộc bản thân người phạm tội được hiểu là tổng hợp những yếu tố thuộc bản thân người phạm tội tác động đến việc hình thành đặc điểm nhân thân của họ, bao gồm: Các yếu tố về sinh lý; tâm lý, nhận thức được biểu hiện thông qua cử chỉ, hành động, lời nói trong hoạt động và giao tiếp. Các yếu tố này cùng với các yếu tố khách quan thuộc môi trường sống tác động đến quá trình hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội và trong những tình huống cụ thể dẫn dắt người đó thực hiện hành vi phạm tội. Các yếu tố chủ quan thuộc bản thân người phạm tội được thể hiện ở các đặc điểm bẩm sinh và di truyền như tuổi, giới tính, sức khỏe, kiểu hệ thần kinh, các cơ quan cảm giác...; các đặc điểm tâm lý lệch lạc như lòng tham, sự ích kỷ, đố kỵ, thái độ coi thường các chuẩn mực xã hội, coi thường pháp luật; sai lệch về nhu cầu, lợi ích cá nhân và cách thức thỏa mãn nhu cầu, sai lệch về định hướng giá trị, sai lệch về sở thích.

Những đặc điểm này làm cho họ có nguy cơ trở thành người phạm tội cao hơn người khác vì nó dễ làm phát sinh ý định phạm tội cũng như thúc đẩy việc thực hiện hành vi phạm tội.

Về các yếu tố sinh học

Yếu tố bẩm sinh - di truyền có vai trò đáng kể trong việc hình thành phát triển tâm lý, nhân cách. Các yếu tố sinh học của người phạm tội có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của cá nhân. Nó không phải là yếu tố quyết định đến bản chất xã hội của nhân thân người phạm tội mà chỉ là nền tảng cho sự phát triển tâm lý, nhân cách cá nhân, cùng với sự tác động của môi trường sống sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành đặc điểm nhân thân (chủ yếu là đặc điểm tiêu cực) của người phạm tội, có thể là những khuyết tật bẩm sinh hoặc phát sinh trong quá trình sống như câm, điếc…; hoặc có thể là khuyết tật về mặt trí lực như thần kinh bị căng thẳng, rối loạn thần kinh nhưng chưa đến mức mất khả năng kiểm soát, điều khiển hành vi; hoặc người mà thần kinh không cân bằng, nóng nảy thường có phản ứng rất nhanh với các tác động bên ngoài và khó kìm chế, dễ bị kích động, bảo thủ... và do vậy có thể trở thành tội phạm khi bị tác động.

Bên cạnh đó, đặc điểm sinh học khác nhau của giới nam và giới nữ như cấu trúc sinh học và lượng hoóc-môn trong cơ thể đã ảnh hưởng lớn đến cách nghĩ, cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa hai giới. Nam giới dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực của môi trường sống, khả năng làm chủ, điều khiển hành vi thấp và có xu hướng lựa chọn cách thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng sự hơn thua, hoặc bạo lực. Ngược lại, nữ giới lại thường lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng sự im lặng hoặc thái độ nhún nhường. Nhiều thống kê cho thấy, nam giới có tỉ lệ phạm tội cao hơn nữ giới, đặc biệt là các tội phạm có sử dụng bạo lực.

Gần đây, cơ cấu phạm tội theo giới tính đang có sự thay đổi nhất định khi tỉ lệ nữ giới phạm tội có xu hướng tăng lên và ngày càng đa dạng ở các nhóm tội. Ngoài những tội phạm truyền thống (lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép chất ma túy; cố ý gây thương tích…), hiện có thêm nhiều loại tội phạm nguy hiểm mà nữ giới thực hiện (đánh bạc; chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; mua bán người; các tội phạm về chức vụ…). Một số vụ án đồng phạm có sự tham gia của nữ giới (vai trò chủ mưu, cầm đầu).

Mỗi cá nhân đều trải qua quá trình trưởng thành sinh lý cùng với kinh nghiệm tiếp thu được trong hoạt động giao tiếp, lao động và dần phát triển, hoàn thiện nhận thức, tâm lý, thể chất cũng như khả năng kiểm soát hành vi bao gồm cả hành vi phạm tội. Độ tuổi khác nhau, sự phát triển tâm - sinh lý khác nhau dẫn đến khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, kiểm soát các nhu cầu của mỗi độ tuổi là khác nhau.

Về các yếu tố thuộc nhận thức - tâm lý của người phạm tội

Thứ nhất, sai lệch trong nhận thức: Nhận thức là thành tố của cấu trúc ý thức hướng vào việc lĩnh hội, tiếp thu tri thức từ môi trường xung quanh được củng cố trong trí nhớ và “chế biến” trong tư duy; hình thành nên quan điểm, lối sống; quyết định đến việc lựa chọn hành vi xử sự của chủ thể trong những tình huống nhất định. Những sai lệch thuộc về nhận thức, thái độ của người phạm tội có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển tâm lý tiêu cực của người phạm tội - cái chi phối họ trong mọi hoạt động sống bởi ý thức là sự phản ánh cao nhất hiện tượng tâm lý của con người.

Có thể thấy, tội phạm hầu hết là những người có nhận thức, thái độ lệch lạc so với chuẩn mực xã hội, trong đó có pháp luật. Sự sai lệch trong nhận thức, thái độ có thể xuất phát từ hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình phát triển thể chất, quá trình hoạt động xã hội, lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội và độ tuổi là một chỉ báo quan trọng. Và vì vậy, cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hiện nay theo quy định của Bộ luật Hình sự là khi cá nhân đáp ứng điều kiện về độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội, việc thực hiện hành vi phạm tội phải được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển.

Nếu việc tự nhận thức của cá nhân giúp lý trí có nội dung xác định, biểu hiện ở năng lực thực hiện được những hành động một cách có mục đích đòi hỏi sự nỗ lực, khắc phục khó khăn bên ngoài và bên trong thì sự sai lệch trong nhận thức của người phạm tội ở chỗ cố tình thỏa mãn nhu cầu, mục đích của mình mặc dù nhận thức được đầy đủ hoặc nhận thức không đầy đủ hành vi của mình là nguy hiểm, vi phạm các chuẩn mực xã hội. Hoặc khi cá nhân thiếu nhận thức về chuẩn mực xã hội, pháp luật sẽ có hành vi không bình thường làm giảm khả năng kiềm chế hành vi, không có khả năng bảo vệ lợi ích của mình, xã hội hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân khác.

Trong mối quan hệ giữa nhận thức, thái độ với ý thức thì cái đóng vai trò quan trọng hơn cả là thái độ của cá nhân đối với hiện tượng khác nhau trong xã hội, nhất là thái độ đối với pháp luật. Bởi nó “tạo ra trạng thái hành động với đối tượng theo một hướng nhất định, được biểu hiện ra bên ngoài bằng nét mặt, lời nói, cử chỉ và những hành vi khác của chủ thể đó”. Có một số yếu tố cơ bản thuộc môi trường xã hội có tác động mạnh hơn cả đến nội tâm, định hướng từ bên trong và chuyển hóa ra bên ngoài bằng những cách ứng xử của người phạm tội. Đây có thể là các phản ứng của cá nhân khi bị phân biệt đối xử, tự ti về hoàn cảnh kinh tế, vị thế xã hội, khác biệt về quan điểm, cách ứng xử của người khác… nên đã có thái độ tiêu cực, bất mãn, bất chấp luân thường, đạo đức, pháp luật (cụ thể do có tâm lý trả thù, đố kỵ, ghen ghét mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm khẳng định vị thế kinh tế, chính trị hay trật tự của riêng cá nhân họ). Đây cũng là yếu tố để đánh giá đặc điểm nhân thân về tái phạm của người phạm tội.

Những sai lệch trong nhận thức về pháp luật của cá nhân biểu hiện ở các hình thức như: (1) Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết còn non nớt về pháp luật, phổ biến là những người có trình độ văn hóa thấp, thiếu khả năng lĩnh hội, cập nhật pháp luật, không có khả năng tự nhận thức, tự đánh giá đâu là hợp pháp hoặc không hợp pháp, biểu hiện cụ thể nhất là ở những người chưa thành niên; (2) Trường hợp người đó có hiểu biết nhất định về pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện tội phạm. Dạng sai lệch này biểu hiện chủ yếu ở những người có tiền sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là họ đã phủ nhận pháp luật, phủ nhận những điều họ biết về pháp luật, hành xử theo hướng chống đối pháp luật, một khuynh hướng có quan hệ gắn bó với chủ nghĩa hư vô pháp luật. Họ đặt nhu cầu, lợi ích, sở thích, định hướng giá trị cá nhân cao hơn pháp luật; sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội mặc dù biết hành vi đó vi phạm pháp luật, phạm tội, bị xã hội lên án và pháp luật trừng trị.

Thứ hai, sai lệch về nhu cầu, lợi ích và định hướng giá trị cá nhân: Xét về mặt cấu trúc thì nhu cầu và lợi ích là hai thành tố thuộc tâm - sinh lý cơ bản cấu thành động cơ hành vi con người - “Cái có tác dụng chi phối, thúc đẩy con người ta suy nghĩ và hành động”, do môi trường sống bên ngoài quy định có thể diễn ra theo hai hướng tích cực hoặc tiêu cực. Bản thân nhu cầu với tư cách là hiện tượng bên trong, là trạng thái thiếu thốn của cơ thể - trạng thái này tự nó không gây ra bất kỳ hoạt động nào có tính định hướng nhất định. Chỉ khi nào gặp đối tượng nhất định thì khi đó, nhu cầu mới trở thành năng lực có tính định hướng, điều chỉnh hoạt động. Nhu cầu với tư cách là trạng thái có thể có nhiều đối tượng, con đường để thỏa mãn, song chủ thể sẽ chọn đối tượng nào có thể đem lại lợi ích nhất. Đây là một điểm rất đáng chú ý trong vấn đề điều khiển hành vi con người. Lợi ích là sự nhận thức nhu cầu và so sánh nó với những điều kiện và công cụ, phương tiện thực hiện đang có. “Xét về mặt bản chất, lợi ích chính là một quan hệ - quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới bên ngoài chủ thể với nhu cầu của chủ thể, còn về mặt nội dung, lợi ích là cái thỏa mãn nhu cầu, đáp ứng lại nhu cầu”.

Với người phạm tội, việc hình thành đặc điểm tâm lý - đạo đức tiêu cực xuất phát từ những sai lệch thuộc nhu cầu, lợi ích và định hướng giá trị. Hầu hết các hành vi phạm tội đều là biểu hiện thái quá hay sai lệch của nhu cầu mang tính hệ thống và thường xuyên.

Người phạm tội thường không biết tìm những giá trị cao hơn của nhu cầu mà chỉ tăng về lượng các nhu cầu bậc thấp. Trong trường hợp này, nhu cầu bậc thấp sẽ trở thành giới hạn của những mong muốn, lý tưởng của họ. Khi không có điều kiện kinh tế - xã hội để thỏa mãn nhu cầu cơ bản, thiết yếu, chủ thể phải tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu, kể cả biện pháp bất hợp pháp; thậm chí biến thái, không được xã hội chấp nhận, trái đạo đức, chuẩn mực xã hội, bị pháp luật ngăn cấm; điều này phản ánh rất rõ sự sai lệch về phương pháp thỏa mãn nhu cầu của chủ thể, thể hiện dưới các hình thức như: Tính nhỏ nhen, thực dụng, nghiêng về vật chất; sai lệch so với chuẩn mực xã hội, chống đối xã hội; tính đồi bại, suy thoái; nhu cầu quá cao ngoài khả năng thỏa mãn cho phép.

Đối với người phạm tội, các giá trị cá nhân đã lĩnh hội chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành vi lệch chuẩn. Ví dụ: Xuất phát từ nhu cầu cần tiền để tiêu sài cá nhân nên các đối tượng không có nghề nghiệp, nghề nghiệp không ổn định đã lựa chọn việc thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp tài sản, giết người nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.

Định hướng giá trị là thành phần quan trọng cơ bản của nhân cách. Đó là sự lựa chọn và hướng tới các giá trị trên cơ sở đó mà cá nhân hay cộng đồng xác định lối sống cho mình. Sự sai lệch trong định hướng giá trị cá nhân là nguyên nhân tâm lý quan trọng của hành vi lệch lạc về chuẩn mực xã hội, trong đó có hành vi phạm tội. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến “sự đảo lộn định hướng giá trị về cuộc sống vật chất, thế giới tinh thần, nền đạo đức dân tộc, nhân phẩm, nhân cách của thế hệ trẻ”.

Nghiên cứu tội phạm học về các vụ án hình sự cho thấy, những sai lệch trong định hướng giá trị biểu hiện ở việc tham vọng quá mức về vật chất, muốn vượt trội bằng mọi giá, kể cả sự lựa chọn phương thức “làm ăn” phi pháp hay tâm lý nhỏ nhen, chỉ vun vén cho quyền lợi ích kỷ, trong khi đó lại rất thờ ơ đối với những vấn đề có liên quan tới các quyền chính đáng của người khác. Họ thường thiếu ý thức về lòng nhân ái, tôn trọng mọi người, giá trị về cái thiện... Điều này xuất phát từ quá trình xã hội hóa của cá nhân có những chuẩn mực mâu thuẫn nhau cùng tồn tại. Mặt khác, họ thường thiếu bản lĩnh; suy nghĩ và hành vi dễ thay đổi, phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi của môi trường xung quanh.

Thứ ba, sai lệch về sở thích, thói quen: Xét về phương diện tâm lý, sở thích là ý thích riêng của mỗi người đem lại cho con người niềm vui, sự phấn khởi trong khoảng thời gian thư giãn, còn thói quen là kết quả của những hành động đã được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời sống sinh hoạt, học tập, rèn luyện… thể hiện lối sống của chủ thể.

Trong mỗi giai đoạn phát triển, con người có sở thích khác nhau; có sở thích được xã hội chấp nhận nhưng cũng có sở thích sai lệch với chuẩn mực chung, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội như việc thích thể hiện bản thân, thích tụ tập bạn bè, thích vật chất, thích dùng các chất kích thích… hay thói quen vui chơi, giải trí ở quán bar, nhà nghỉ; thói quen sử dụng ma túy, các chất kích thích… Những sở thích và thói quen này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành nên những đặc điểm tâm lý tiêu cực, coi thường đạo đức, pháp luật, sẵn sàng thực hiện hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trong cơ chế hành vi phạm tội hay quá trình hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội thì bản thân cá nhân với tư cách chủ thể của tội phạm luôn chịu sự tác động từ môi trường sống theo cả hai xu hướng tích cực và tiêu cực để hình thành các quan điểm, quan niệm, nhận thức. Họ sẽ có tính độc lập tương đối trong việc tiếp thu và phản ứng khác nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định.

Việc hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội chủ yếu do những yếu tố tiêu cực thuộc môi trường sống khách quan và chủ quan của người phạm tội tác động qua lại lẫn nhau và trong những hoàn cảnh nhất định dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Tất nhiên, không phải một người cứ có yếu tố tiêu cực thì sẽ phạm tội nhưng chắc chắn sẽ có nguy cơ phạm tội cao hơn người bình thường. Nắm rõ quá trình này nhằm giúp cơ quan chức năng dự báo và xây dựng được các biện pháp phòng ngừa phù hợp với từng loại tội phạm hay từng nhóm nhân cách nhất định; đồng thời, xây dựng được các biện pháp giáo dục, cải tạo người phạm tội sát hợp, tiến tới ngăn chặn việc hình thành tâm lý cá nhân tiêu cực của con người.

Ts. Phan Thị Thu Lê - Ths. Nguyễn Thị Thu Phương