Nâng cao vai trò, vị thế của VKSND qua việc thực hiện tốt quyền kháng nghị án dân sự trong giai đoạn mới
Ngày đăng : 16:23, 11/09/2023
Trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay, việc tiếp tục nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện quyền kiến nghị trong giải quyết các vụ án dân sự, là rất quan trọng. Việc thực hiện đúng, đủ quyền kháng nghị cũng góp phần hoàn thành mục tiêu tổng quát của cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp Việt Nam độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh.
Quá trình phát triển kinh tế, xã hội cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin 4.0 mạnh mẽ như hiện nay càng phát sinh nhiều các mối quan hệ về dân sự với nhiều chủ thể khác nhau. Dự báo việc giải quyết các tranh chấp, kiện tụng ngày càng gia tăng về số lượng; những thay đổi, tình tiết phức tạp của các loại án mới phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử, hội nhập quốc tế...; việc ứng dụng công nghệ vào xét xử,… trong khi nguồn lực, tài lực còn hạn chế vô hình trung tạo nên những gánh nặng to lớn cho Tòa án. Do đó, việc thực hiện công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án một cách kịp thời, sâu sát nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án, vụ việc đúng quy định pháp luật lại càng trở nên cần thiết. Yêu cầu đảm bảo chất lượng kháng nghị ngày càng cao, như: Các quyết định kháng nghị được ban hành phải đầy đủ căn cứ, lý lẽ, chuẩn hóa từ nội dung đến hình thức...
Một số vướng mắc trong thực tiễn
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và thực hiện quyền kháng nghị trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, tác giải bài viết thấy rằng vẫn còn có một số vướng mắc nhất định, cụ thể:
Về thẩm quyền ký ban hành kháng nghị: Tại khoản 2 Điều 42 Luật Tố tụng hành chính (LTTHC), khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định chỉ Viện trưởng được quyền ký ban hành kháng nghị. Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS thì quy định Phó Viện trưởng được quyền ký quyết định kháng nghị (?). Trong khi đó tại khoản 3 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), trừ những những nhiệm vụ, quyền hạn không được thực hiện thì Phó Viện trưởng vẫn có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (điểm o khoản 2 Điều 41 BLTTHS). Điều này cho thấy giữa các Luật quy định thẩm quyền chưa thật sự đồng bộ và đầy đủ.
Phạm vi kháng nghị: Tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014 có quy định về kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong hoạt động tư pháp; tuy nhiên, khái niệm thế nào là “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”; “vi phạm pháp luật ít nghiệm trọng” hiện nay vẫn còn có những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật.
Thay đổi, rút, bổ sung kháng nghị: Viện kiểm sát có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị (trước hoặc tại phiên tòa) thì không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu nếu thời gian kháng nghị đã hết (khoản 3 Điều 218 LTTHC và khoản 1 Điều 284 BLTTDS). Vậy “không vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu” nên hiểu thế nào cho đúng vì hiện tại cả LTTHC và BLTTDS đều chưa quy định và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Ngoài ra, việc thông báo cho các đương sự biết về việc thay đổi, bổ sung kháng nghị của Viện kiểm sát cũng chưa có quy định thời gian cụ thể là bao lâu trong khi đây là điều cần thiết để đương sự chủ động nhìn nhận tình hình, xem xét chứng cứ bảo vệ quyền lợi cho mình.
Thời hạn kháng nghị: Điều 280 BLTTDS, Điều 337 BLTTHS và Điều 213 Luật TTHC quy định về thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát gần như tương tự nhau. Vậy nếu trong thời hạn kháng nghị có ngày nghỉ lễ, Tết không trùng với ngày cuối cùng của thời hạn thì có được trừ những ngày này để tính thời hạn kháng nghị như thế nào?
Việc xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm còn có cách hiểu không đồng nhất: Trong BLTTDS, vấn đề này được vận dụng Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa cấp phúc thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS. Theo đó, có thể hiểu theo một số cách như sau” (1) Ngày bắt đầu xác định là ngày tuyên án; (2) Ngày tiếp theo của ngày được xác định (tại Điều 4 Nghị quyết).
Ví dụ: Ngày 01/6/2022, Tòa án xét xử sơ thẩm (có mặt đương sự A và cùng tuyên án đương sự này). Theo cách hiểu (1), thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị là 01/6/2022 và kết thúc là 24 giờ ngày 16/6/2022, đối với Viện kiểm sát cùng cấp và của Viện kiểm sát cấp trên là 24 giờ ngày 30/6/2023 (phần này, BLTTDS quy định là 1 tháng, trong khi BLTTHS hay LTTHC quy định là 30 ngày, vậy 1 tháng và 30 ngày có thực sự đồng nhất về cách hiểu, vì tháng có thể có 30, 31 ngày?). Tiếp tục với (2) thì ngày bắt đầu tính thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát là ngày 02/6/2022 và ngày kết thúc là 17/6/2022 đối với Viện kiểm sát cùng cấp; ngày 01/7/2022 đối với Viện kiểm sát cấp trên. Thời hạn kháng nghị là giới hạn và có mốc thời gian cụ thể; do đó đối với các vụ án mới có tính chất phức tạp (như thương mại điện tử) đòi hỏi sự nghiên cứu kĩ lưỡng, cẩn thận, đầu tư về mặt thời gian; cộng với số lượng án ngày một nhiều đã tạo ra không ít áp lực cho các Kiểm sát viên.
Kiểm sát chặt chẽ các nội dung như phạm vi xét xử của Tòa án, xác định pháp luật tranh chấp, việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, phần nhận định và quyết định đặc biệt phần tuyên án phí, lệ phí và quyền kháng cáo chính là tạo cơ sở pháp lý vững chãi, nền tảng cho việc thực hiện quyền kháng nghị. Chất lượng kháng nghị xuất phát từ phương pháp luận, chứng cứ lập luận sắc bén, cụ thể, rõ ràng.
Tuy nhiên, một số nội dung như phần án phí đôi khi chưa được chú trọng xem xét như phần nhận định, quyết định, mặc dù cũng tác động khá lớn đến quyền và lợi ích của các bên (đặc biệt với các đối tượng thuộc trường hợp miễn, giảm án phí, lệ phí), nếu áp dụng sai đối tượng mà Viện kiểm sát không kịp thời phát hiện và ban hành kháng nghị thì không chỉ ảnh hưởng đến đương sự, bị cáo, lợi ích công cộng, tài sản công mà còn ảnh hưởng đến vai trò, vị thế của Viện kiểm sát nhân dân.
Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ và yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu là cơ sở để thực hiện tốt quyền kháng nghị. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ không thực hiện yêu cầu đầy đủ hoặc chậm trễ cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, ban hành kháng nghị (không đủ lập luận chứng cứ, đánh giá toàn diện nội dung vụ án). Chẳng hạn một số vụ án Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập yêu cầu thuộc lĩnh vực của Ủy ban nhân dân thì Tòa án phải đợi kết quả trả lời mới giao cho Viện kiểm sát, dấn đến kéo dài quy trình thực hiện công tác kháng nghị.
Một số kiến nghị nhằm nâng cao quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong giai đoạn mới
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là giữa Tòa án với Viện kiểm sát trong công tác kháng nghị: Hệ thống pháp luật của nước ta đang ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên, trong thực tế áp dụng vẫn còn có một số tồn tại, có những nhận thức khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong một số vụ việc cụ thể còn chưa thật sự thống nhất. Do đó, việc xây dựng cơ chế để có thể phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là một nhiệm vụ cần thiết. Quy chế phối hợp phải xác định rõ ràng nhiệm vụ, phạm vi và các nội dung cần phải có sự phối hợp để giải quyết nhưng vẫn phải đảm bảo tính độc lập trong công tác của của từng cá nhân có thẩm quyền, không được chi phối, can thiệp gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của đương sự, nhất là đối với công tác tiếp nhận, thụ lý đơn đề nghị kháng nghị, tham khảo ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án, chuyển hồ sơ vụ án,...
Thực hiện tốt hoạt động thỉnh thị giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới trong công tác kháng nghị: Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, hoặc có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát với Tòa án thì Viện kiểm sát cấp dưới phải thực hiện báo cáo thỉnh thị để trao đổi, nghiên cứu và xin ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp báo cáo thỉnh thị chưa phản ánh một cách toàn diện, khách quan diễn biến vụ án, không đính kèm các tài liệu chứng cứ hoặc quan điểm mang tính cá nhân,… Đây chính là một trong những nguyên nhân của việc chậm trễ trả lời thỉnh thị, nội dung trả lời không chính xác. Do đó, cần có quy chế cụ thể hướng dẫn chi tiết về nội dung, các tài liệu cần chuẩn bị,… để thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc của Ngành về thỉnh thị và trả lời thỉnh thị trước khi ra quyết định kháng nghị đối với bản án.
Xây dựng căn cứ kháng nghị phúc thẩm một cách chặt chẽ, toàn diện: Việc quy định chi tiết, rõ ràng, toàn diện các điều kiện để kháng nghị là cơ sở quan trọng để Viện kiểm sát có thể thực hiện tốt quyền kháng nghị của mình. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về căn cứ kháng nghị phúc thẩm dẫn đến những nhận thức khác nhau về luật. Việc quy định cụ thể về căn cứ kháng nghị sẽ góp phần làm hạn chế tình trạng kháng nghị không đúng trọng tâm, thậm chí không cần thiết làm tăng khối lượng công việc trong bối cảnh án dân sự đang tăng dần theo đà phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, có không ít trường hợp TAND cấp phúc thẩm lúng túng và có nhiều vướng mắc trong việc chấp nhận hay không chấp nhận quyết định kháng nghị của VKSND, khiến cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các đương sự. Cũng có trường hợp cùng một nội dung kháng nghị có Tòa án chấp nhận nhưng có Tòa án lại không chấp nhận khiến cho chất lượng kháng nghị của VKSND bị giảm sút.
Hoàn thiện quy định về chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm theo hướng rút quyền kháng nghị của Tòa án: Theo tác giả, cần kiến nghị sửa đổi chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm theo hướng bỏ quyền kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, Chánh án TAND cấp cao. Bởi lẽ, để đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp thì pháp luật tố tụng cần phải phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tố tụng. Về bản chất, Tòa án là cơ quan xét xử nên không được quyền khởi phát tố tụng; ngoài ra, tính khách quan, chính xác trong quá trình giải quyết vụ án cũng sẽ khó mà đảm bảo được khi mà Tòa án vừa kháng nghị sau đó lại tự mình xem xét lại vụ án; dẫn đến tình trạng khi vụ án được xem xét lại trên cơ sở có quyết định kháng nghị theo thủ tục đặc biệt của Chánh án TAND thì sự có mặt của đại diện VKSND tại phiên tòa chỉ còn mang tính hình thức. Như vậy, việc rút quyền kháng nghị của Tòa án sẽ đảm bảo được vị trí pháp lý đúng đắn của một cơ quan tư pháp, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng quyền kháng nghị của VKSND.