Nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam
Ngày đăng : 18:12, 29/08/2023
Đại biểu tham dự Hội thảo |
Hội thảo có sự tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; cùng các đại biểu là lãnh đạo trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Kiểm sát, VKSND một số tỉnh, thành phố có học viên tham gia Chương trình và đại diện nhà tài trợ của Cục phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (INL) tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo |
Về mục đích của Chương trình WCLI-2, bà Hoàng Bích Thuỷ, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam cho biết, tiếp nối những thành công của WCLI-1, WCS tiếp tục nhân rộng mô hình này với ngành Kiểm sát với mục tiêu tăng cường năng lực của hệ thống tư pháp hình sự trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam và các quốc gia liên quan. Chương trình WCLI-2 được thiết kế phù hợp với thực tiễn ngành Kiểm sát dựa trên đánh giá nhu cầu đào tạo của các Kiểm sát viên và các Viện kiểm sát địa phương. Song song với các nội dung giảng dạy, chương trình cũng sẽ tập trung hỗ trợ các cán bộ Viện kiểm sát tham gia xử lý các vụ việc, vụ án cụ thể liên quan tại một số địa bàn điểm nóng về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13 VKSND tối cao |
Về kế hoạch của Chương trình WCLI-2, theo đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13 VKSND tối cao, trong giai đoạn 2 của Chương trình WCLI-2 (9/2023 – 9/2024), các học viên sẽ được trang bị kỹ năng lãnh đạo và quản lý tổ chức, cùng với kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Đặc biệt, chương trình sẽ tập trung các kỹ năng được thiết kế dành riêng cho cán bộ ngành Kiểm sát, bao gồm kỹ năng tranh tụng, quản lý vụ việc, thu thập, quản lý và sử dụng chứng cứ, tương trợ tư pháp về hình sự trong giải quyết các vụ án về động vật hoang dã.
Đại biểu thảo luận, trao đổi tại Hội thảo |
Ngoài ra, chương trình cũng sẽ tạo diễn đàn để 20 học viên ngành Kiểm sát (Chương trình WCLI-2) kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với 35 học viên ngành Công an (Chương trình WCLI-1) và các chuyên gia đang công tác trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp khác, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành; góp phần hình thành mạng lưới trao đổi, học hỏi và hỗ trợ xử lý các vụ việc, vụ án vi phạm pháp luật nói chung và vụ việc liên quan đến động vật hoang dã nói riêng./.