Kinh nghiệm kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của công an cấp xã
Ngày đăng : 08:00, 16/08/2023
1. Quy định về hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã
Thực tiễn cho thấy, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ quyết định chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Đây cũng là một trong những bước quan trọng để xem xét căn cứ có hay không hành vi phạm tội, chủ thể thực hiện tội phạm, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội. Đồng thời, kiểm sát tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng là cơ sở khẳng định việc khởi tố là đúng người, đúng tội và đảm bảo các căn cứ để xử lý tội phạm, mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Tuy nhiên, theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), Viện kiểm sát chỉ tiến hành kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an cùng cấp; chưa có quy định rõ ràng về việc kiểm sát hoạt động “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Điều này có thể dẫn đến trường hợp Công an cấp xã không tiếp nhận hoặc tiếp nhận nhưng không thực hiện đúng trình tự, thủ tục kiểm tra, xác minh sơ bộ; không phối hợp với CQĐT để điều tra sự việc ban đầu và chuyển tố giác, tin báo cho CQĐT có thẩm quyền giải quyết đúng thời hạn; thực hiện các biện pháp xác minh không đáp ứng yêu cầu cả về pháp lý và nghiệp vụ, bỏ sót dấu vết tài liệu, chứng cứ quan trọng…
Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án (Nghị quyết số 96/2019) đã yêu cầu VKSND tối cao phải: “Chỉ đạo các Viện kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát”. Ngày 29/11/2021, liên ngành trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 01/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017), trong đó sửa đổi điểm đ khoản 5 Điều 8 quy định việc phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Vì vậy, Viện kiểm sát phải vận dụng quy định này và các quy chế phối hợp với CQĐT để kiểm sát hoạt động “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, nhằm bảo đảm mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được thụ lý và kiểm tra, xác minh sơ bộ ngay từ cơ sở, kịp thời chuyển nguồn tin đến CQĐT có thẩm quyền để giải quyết.
2. Một số kinh nghiệm và lưu ý khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã
Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, để bảo đảm vừa tuân thủ đúng pháp luật, tranh thủ được sự đồng tình của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là CQĐT, vừa tăng cường hiệu quả công tác, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, theo chúng tôi, các Viện kiểm sát cấp huyện cần lưu ý thực hiện tốt những nội dung sau đây:
Thứ nhất, kiểm sát định kì theo kế hoạch:
- Bảo đảm luôn chủ động trong phối hợp: Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ khi có sự việc phạm tội xảy ra, tạo được nguồn chứng cứ vững chắc, kịp thời, hiệu quả và đầy đủ làm căn cứ cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát cần chủ động trao đổi, phối hợp với CQĐT về cách thức và phương pháp kiểm tra việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã; vận dụng linh hoạt sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với việc thực hiện Nghị quyết số 96/2019.
- Kịp thời ban hành và bảo đảm chất lượng kế hoạch kiểm sát: Ban hành quyết định thành lập đoàn, kế hoạch trực tiếp kiểm sát kết hợp kiểm tra, xác định rõ mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện kiểm sát, kiểm tra, trong đó:
Về phương thức kiểm sát, kiểm tra: Tiến hành trực tiếp kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Đội điều tra tổng hợp CQĐT Công an cấp huyện kết hợp với kiểm tra, hướng dẫn Công an cấp xã.
Về nội dung kiểm sát:
Đối với Đội điều tra tổng hợp Công an cấp huyện: Kiểm sát đầy đủ số lượng nguồn tin về tội phạm các xã, phường chuyển lên CQĐT cấp huyện; phân tích rõ những tố giác, tin báo chuyển đúng thời hạn, chậm thời hạn theo quy định; số nguồn tin Công an cấp xã đã phân loại, chuyển đến Đội điều tra tổng hợp CQĐT để thụ lý giải quyết; số nguồn tin Công an cấp xã chuyển đến không được CQĐT thụ lý, điều tra và kiểm tra rõ lý do không thụ lý; đánh giá công tác phối hợp, trao đổi thông tin, phối hợp phân loại, hướng giải quyết giữa Đội điều tra tổng hợp với Công an cấp xã và Viện kiểm sát…
Đối với Công an cấp xã: Kiểm tra đầy đủ việc tiếp nhận nguồn tin gồm quy trình tiếp nhận, sổ sách; phân loại nguồn tin; nắm rõ quy trình phối hợp, trao đổi xử lý nguồn tin ban đầu, giải quyết và chuyển giao nguồn tin giữa CQĐT Công an cấp huyện và Công an cấp xã, đặc biệt cần kiểm tra kỹ các tin chuyển chậm (quá hạn) hoặc không chuyển đến CQĐT để tiếp tục kiểm tra, xác minh theo quy định của BLTTHS năm 2015; kiểm tra chặt chẽ các phạm vi quy trình phân loại, xác minh sơ bộ của Công an cấp xã theo quy định của pháp luật…
Về cách thức tiến hành: Kiểm sát viên cần kiểm tra, kiểm sát theo hình thức cuốn chiếu, kiểm tra đến đâu ghi nhận triệt để đến đó, chú trọng nguồn tin từ những phản ánh, khiếu nại của công dân trong việc xác minh sơ bộ của Công an cấp xã.
- Bảo đảm hiệu lực của pháp luật và chất lượng cuộc kiểm tra:
Về ban hành quyết định thành lập đoàn trực tiếp kiểm sát phối hợp kiểm tra: Trước khi tiến hành, Viện kiểm sát trao đổi với Thủ trưởng CQĐT thành phần đoàn kiểm tra; phương pháp tiến hành; nội dung kiểm sát kết hợp kiểm tra; tổ chức kết luận những kết quả đạt được và rút kinh nghiệm hạn chế, thiếu sót. Sau đó, Viện kiểm sát ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm sát kết hợp kiểm tra.
Về chuẩn bị các điều kiện để kiểm tra: Đoàn kiểm sát, kiểm tra yêu cầu CQĐT và Công an cấp xã chuẩn bị sổ sách thụ lý tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, hồ sơ, tài liệu trong phạm vi kiểm tra, báo cáo theo kế hoạch (đề cương) và gửi báo cáo để đoàn kiểm tra nghiên cứu. Nếu thấy cần thiết có thể mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; đại diện lãnh đạo Ban pháp chế Hội đồng nhân dân cấp huyện tham gia để giám sát việc thực hiện hoạt động theo quy định.
Về các hoạt động cụ thể trong cuộc kiểm sát, kiểm tra: Để bảo đảm tính logic, hiệu quả, cần tiến hành tuần tự các bước sau đây: (1) Đoàn kiểm sát thông qua quyết định, kế hoạch kiểm sát, kiểm tra của Viện trưởng VKSND cấp huyện; (2) Nghe Thủ trưởng đơn vị được kiểm sát, kiểm tra (Trưởng Công an cấp xã) nêu ý kiến về thực hiện kế hoạch và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất từ cơ sở đối với công tác này, cũng như phân công cán bộ tiếp và làm việc với đoàn kiểm sát đúng quy trình; (3) Ghi nhận, giải thích những thắc mắc (nếu có); (4) Đoàn kiểm sát trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; (5) Dự thảo kết luận và thông qua dự thảo kết luận để Đội điều tra tổng hợp và Công an cấp xã có ý kiến, kiến nghị (nếu có); (6) Đoàn kiểm sát, kiểm tra lập biên bản, ghi nhận những ý kiến của các đơn vị và tiếp tục kiểm tra lại hồ sơ (nếu cần thiết) để làm cơ sở ban hành kết luận chính thức.
- Khẩn trương tiến hành các hoạt động sau khi kết thúc cuộc kiểm sát, kiểm tra:
Công bố kết luận kiểm sát phối hợp kiểm tra và ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm. Khi công bố kết luận kiểm tra, cần mời đầy đủ thành phần như khi công bố quyết định (toàn bộ Trưởng Công an cấp xã trên địa bàn) để cùng rút kinh nghiệm; chỉ ra những vấn đề làm tốt, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và giải pháp; thông báo dự kiến sẽ phúc tra lại việc khắc phục vi phạm của năm trước; tích cực tổng hợp vi phạm, ban hành kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, trong đó chỉ rõ vi phạm của Công an cấp xã, viện dẫn căn cứ pháp lý, nguyên nhân và kiến nghị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có biện pháp chỉ đạo, khắc phục ngay vi phạm đã được kết luận.
Kịp thời yêu cầu CQĐT tiếp nhận giải quyết nguồn tin có dấu hiệu tội phạm của Công an cấp xã mà đoàn kiểm tra đã phát hiện hoặc nguồn tin Công an cấp xã phân loại giải quyết không đúng quy định của pháp luật, có đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo…
- Thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm, hoàn thiện các nội dung phối hợp:
Cần trao đổi, sớm ký kết quy chế phối hợp giữa CQĐT và VKSND, trong đó quy định việc phối hợp kiểm tra, hướng dẫn hoạt động xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã định kỳ hàng năm và đột xuất khi xét thấy cần thiết; đổi mới phương thức phối hợp với CQĐT, xây dựng mối quan hệ thực chất, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. Định kỳ hàng năm, hai đơn vị cần tổ chức họp để đánh giá kết quả công tác phối hợp; tăng cường tính chủ động trong trao đổi với CQĐT về những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình phối hợp để bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới quy chế cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để Công an cấp xã, Điều tra viên, Kiểm sát viên làm tốt chức trách, nhiệm vụ.
Thứ hai, kiểm sát đột xuất:
- Kịp thời tiến hành phối hợp kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu của việc vi phạm, kể cả không nghiêm trọng nếu xét thấy cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm. Khi chưa phát hiện dấu hiệu của việc vi phạm, nhưng có căn cứ cho rằng có thể có vi phạm thì Viện kiểm sát tiến hành kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, sớm ổn định tình hình tại cơ sở, mà không đợi đến cuộc kiểm sát trực tiếp đối với CQĐT thường kỳ theo kế hoạch. Mặc dù có tính đột xuất nhưng cuộc kiểm sát, kiểm tra vẫn phải bảo đảm có định hướng, dự kiến nhiệm vụ phải làm, tình huống phát sinh và có kế hoạch chung; chủ động chuẩn bị các nội dung quyết định, biên bản làm việc, kết luận và dự kiến Kiểm sát viên tham gia đoàn kiểm sát, kiểm tra.
- Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật, nắm tình hình chặt chẽ, đặc biệt qua thông tin từ đơn thư phản ánh, tố cáo, khiếu nại, thông tin của quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện vi phạm; triển khai ngay cuộc kiểm sát, kiểm tra khi thấy cần thiết để tránh Công an cấp cơ sở che giấu vi phạm, dẫn đến có thể bỏ lọt tội phạm hoặc gây khó khăn cho việc chứng minh tội phạm trong các giai đoạn tố tụng sau mà không thể khắc phục được. Bản kết luận trực tiếp kiểm sát, phối hợp kiểm tra phải chỉ rõ mức độ, nguyên nhân, người chịu trách nhiệm.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần bổ sung cho mỗi VKSND cấp huyện ít nhất 01 biên chế thực hiện cùng với cán bộ CQĐT trong kiểm tra việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo của Công an cấp xã; ban hành chỉ thị, quy định về công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của Công an cấp xã.
Thứ hai, lãnh đạo VKSND cấp tỉnh phối hợp với CQĐT Công an cấp tỉnh và kịp thời ban hành hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện phối hợp với CQĐT để thực hiện tốt việc hướng dẫn, kiểm sát, kết hợp kiểm tra việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã theo đúng quy định của BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2021; tổng kết thực tiễn và xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, tổng kết kinh nghiệm kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Thứ ba, phân công lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND cấp huyện có năng lực, trách nhiệm, có kinh nghiệm phụ trách công tác này; tăng cường công tố và tiến hành kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo do lực lượng Công an cấp xã tiếp nhận, giải quyết; tăng cường công tác kiểm sát trực tiếp tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại CQĐT theo thẩm quyền và phối hợp kiểm tra công tác này của Công an cấp xã để kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm, từ đó yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm, đảm bảo không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, cũng như gây bức xúc, xung đột trong cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
Bốn là, CQĐT các cấp cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ để đội ngũ Công an cấp xã nắm vững các quy định của BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Pháp lệnh Công an xã năm 2008; Thông tư liên tịch số 01/2021; Thông tư liên tịch số 01/2017; Thông tư số 46/2021/TT-BCA ngày 05/5/2021 của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã; Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân; Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA.