Việt Yên (Bắc Giang): Khát vọng an cư của người dân làng chài Nguyệt Đức

Ngày đăng : 20:58, 07/08/2023

(Kiemsat.vn) - Nhiều năm trôi qua, ước mơ của hàng trăm người dân làng chài Nguyệt Đức có được “thước đất cắm dùi” vẫn còn dang dở vì cơ chế, chính sách, cho dù đã có chủ trương được về an cư của các cấp chính quyền sở tại.

Cuộc sống bấp bênh, hiểm nguy luôn rình rập

Làng chài Nguyệt Đức (xã Vạn Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được xem là một làng phụ trợ cho ngành “công nghiệp” sản xuất gốm của làng Thổ Hà (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) bên kia sông Cầu. Hình thành từ đời Lý, làng gốm Thổ Hà cần thuyền, nhân công để mua nguyên liệu sản xuất như củi, than… cũng như vận chuyển thương phẩm đi khắp nơi. Những thuyền chài thủa ấy nườm nượp trên sông Cầu rồi tỏa đi khắp cả nước, tạo nên một tên tuổi Gốm Thổ Hà lẫy lừng. Những ghe thuyền cùng gia đình họ tụ lại bên bờ sông, đối diện những lò gốm, dần hình thành một làng chài kéo dài gần 1.000m dọc sông Như Nguyệt với hàng trăm hộ dân.

Làng chài Nguyệt Đức, xã Vạn Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Nguyên Trưởng thôn Trần Văn An (67 tuổi) sinh ra, lớn lên ở làng chài. Cuộc đời ông gắn với con sông, chiếc đò, các con rồi các cháu ông đều như thế. “Ngày xưa tôi học cao nhất làng đấy, hết lớp 7. Đa số dân làng chài xưa chỉ dừng ở mức đọc hiểu chữ là ghê gớm lắm” - ông An bùi ngùi tâm sự.

Giờ cá tôm chết hết, mặt nước ô nhiễm, sủi bọt như xà phòng suốt ngày đêm, dính vào da còn thấy ngứa ngáy; không còn con cá, con tôm, dân vạn chài chuyển sang vận chuyển than, cát sỏi. Thời cực thịnh như năm 2002, làng chài có khoảng 100 chiếc thuyền vận chuyển nhưng rồi cũng vãn dần, tài nguyên cũng cạn kiệt, không thấy thương lái thuê, cả làng nay chỉ còn khoảng 20 chiếc thuyền, công việc không đều đặn “ráo mái chèo, nhà hết gạo”. Ít học, ít va chạm xã hội, dân làng chài đi làm thuê bập bõm, đắp đổi cân gạo cho qua ngày. “Tiền đâu cho các cháu đi học, ăn còn chẳng đủ; mấy chục năm từ hồi hết bao cấp, cả làng chỉ có đúng 5 cháu được vào Đại học, còn thì dở dang hết lớp 9 rồi đi làm thuê, nuôi gia đình" - ông An cho biết.

Không được học hành đầy đủ, không có đường lên bờ, không việc làm, không tương lai. Hồi năm 2013, ông An còn làm Trưởng thôn, cuộc họp nào ở xã, ở huyện ông cũng đều xin phát biểu, kiến nghị, xin cho dân Nguyệt Đức lên bờ, kiếm miếng đất để thay đổi cuộc sống nhưng đều không thành.

Mới đây, ngày 01/8/2023, cháu Ph (sinh năm 2018) khi đang chơi trên thuyền nhà đã trượt chân, ngã xuống sông tử vong. Hiểm nguy là thế, nhưng trẻ con đang tuổi hiếu động, biết tìm chơi đâu ngoài những con đò, cái bè neo đậu dưới sông?

Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (bên trái) đã trực tiếp xuống làng chài nhiều lần, gặp gỡ bà con để tìm hiểu, chia sẻ và hiểu khát vọng “lên bờ” của bà con...

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành và địa phương

Chia sẻ cùng phóng viên, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: “Các thôn Yên Viên, Thổ Hà xã Vân Hà nằm ngoài đê Tả Cầu, các hộ dân xây dựng nhà ở sát bờ sông Cầu, hàng năm có hiện tượng sạt lở dọc bờ sông, để dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Thôn Nguyệt Đức có 183 hộ (100% số dân) sinh sống bằng nghề chài lưới, sống trên sông nước, cuộc sống không ổn định, trẻ em không có điều kiện học hành.

Theo kết quả rà soát của UBND huyện Việt Yên, tổng số hộ cần bố trí tương ứng với số lô là 139 hộ với 493 nhân khẩu. Các hộ dân này thuộc địa bàn thôn Yên Viện, thôn Thổ Hà, thôn Nguyệt Đức đều chưa có nhà ở, cuộc sống bấp bênh, không ổn định, không đảm bảo mức sống cơ bản; các hộ dân đều có có nguyện vọng di chuyển vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân vùng thiên tai, thực hiện chủ trương an sinh xã hội trên địa bàn, việc đầu tư dự án là cần thiết”.

Từ năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên đã có nhiều cuộc họp, quyết tâm đưa người dân làng chài Nguyệt Đức “lên bờ”. Dự án sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Văn Hà, huyện Việt Yên dần hình thành với quy mô 5 héc-ta được bố trí tại khu Đồng Săng, xã Vân Hà, tổng mức đầu tư khoảng 72 tỷ đồng.

Dự án đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang ủng hộ, nhất trí cao. Ngày 5/6/2022, Tỉnh ủy Bắc Giang có văn bản số 1115 –TB/TU, thông báo về ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về việc giao chủ đầu tư thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy đã thảo luận và nhất trí chủ trương giao cho UBND huyện Việt Yên làm chủ đầu tư triển khai dự án; kinh phí ngân sách phía UBND tỉnh đã chuẩn bị, quỹ đất cho dự án đã sẵn sàng; tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Nguyên nhân được cho là do địa hình của xã Vân Hà có 3 mặt được bao bọc bởi sông Cầu, là hành lang thoát lũ theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Phụ lục V – Danh mục các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng ban hành kèm Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, mục 109 có ghi rõ tên Vân Hà – Tiên Sơn, vị trí K44+000 - K47+500 thuộc tỉnh Bắc Giang có diện tích 335 ha), dẫn đến việc thực hiện quy hoạch và bổ sung quy hoạch của huyện Việt Yên và Xã Vân Hà đang chờ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho việc xây dựng khu tái định cư.

Như vậy, để có thể sớm "gỡ" nút thắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương vào cuộc, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang sớm triển khai Dự án sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vạn Hà, huyện Việt Yên, đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân vùng thiên tai, thực hiện chủ trương an sinh xã hội trên địa bàn, cho người dân Nguyệt Đức một tương lai tươi sáng hơn mà bao đời họ khát khao, mong đợi….

PV