Một số giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa ngân hàng nhà nước với Viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng
Ngày đăng : 08:00, 06/08/2023
1. Về hoạt động phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thứ nhất, về công tác phối hợp hoàn thiện thể chế:
Thời gian qua, công tác phối hợp hoàn thiện thể chế giữa 02 cơ quan Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đã được triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ban lãnh đạo NHNN luôn xác định việc phối hợp tham gia ý kiến về việc ban hành, hoàn thiện thể chế của VKSND tối cao là nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng. Theo đó, NHNN đã giao các đơn vị liên quan (Vụ pháp chế, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tại địa phương,... cùng các tổ chức tín dụng) phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của VKSND tối cao trong quá trình tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, xây dựng, tham gia ý kiến, ban hành văn bản, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động ngân hàng. Những ý kiến tham gia của ngành Ngân hàng đã được VKSND các cấp xem xét, tổng hợp khi xây dựng và ban hành các văn bản, thông báo và giải quyết các vấn đề liên quan. Cụ thể là:
- Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo VKSND tối cao trong việc xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017), cũng như việc kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017 tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện thống nhất và hiệu quả các quy định tại Nghị quyết số 42/2017, Vụ pháp chế - NHNN Việt Nam, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) (Vụ 11) - VKSND tối cao, Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về xử lý nợ xấu và tài sản của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập. Trên cơ sở nội dung hướng dẫn của ngành THADS, việc giải quyết, tổ chức thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng được thống nhất, hiệu quả và kịp thời.
- Ngân hàng Nhà nước phối hợp tham gia ý kiến theo đề nghị của VKSND tối cao trong quá trình ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Thông tư liên tịch trên đã góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
- Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với VKSND cấp cao tại Hà Nội tham gia xây dựng và thực hiện các chuyên đề nghiên cứu về công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Thứ hai, về việc phối hợp trong xử lý các khó khăn, vướng mắc:
- Về phía VKSND các cấp: Về cơ bản, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia các giai đoạn tố tụng của tổ chức tín dụng đã được Vụ pháp chế NHNN, các đơn vị thuộc NHNN tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN kịp thời tổng hợp, rà soát gửi đến cơ quan tiến hành tố tụng các cấp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Theo đó, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các tranh chấp liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng trong giai đoạn xét xử, thi hành án đã được VKSND các cấp tiếp thu, xử lý và giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định, đảm bảo phù hợp với hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ, trong công tác giám định tư pháp các vụ án, vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, NHNN cũng tiếp nhận, thực hiện giám định, giám định bổ sung theo quyết định trưng cầu của VKSND, góp phần làm rõ những chứng cứ liên quan.
- Về phía NHNN: Ngân hàng nhà nước luôn xác định việc phối hợp tham gia xử lý các vụ việc, vấn đề phát sinh liên quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ NHNN và VKSND, trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng là nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể là: Có ý kiến tham gia theo đề nghị của VKSND tối cao trong việc xác minh thông tin phục vụ giải quyết vụ án, làm rõ các quy định của pháp luật điều chỉnh hồ sơ mở tài khoản/thông báo thay đổi nội dung trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán của chủ tài khoản lưu trữ tại các tổ chức tín dụng; phối hợp trả lời văn bản yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án dân sự theo đề nghị của VKSND tối cao để giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc thực hiện xác nhận, đăng ký đối với khoản vay nước ngoài của pháp nhân tại NHNN; phối hợp xử lý đề nghị của VKSND tối cao về việc cung cấp tài liệu kiến nghị khởi tố để thực hiện trách nhiệm kiểm sát theo thẩm quyền và quy định của pháp luật khi có kiến nghị khởi tố, nguồn tin về vi phạm liên quan đến hoạt động an ninh tiền tệ của các ngân hàng do NHNN, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chuyển đến Cơ quan điều tra; phối hợp xử lý đề nghị của VKSND quận Kiến An (Hải Phòng) liên quan đến việc áp dụng và thực hiện quy định tại các thông tư của NHNN về giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán, cấp tín dụng qua thẻ, hợp đồng, thỏa thuận cho vay; phối hợp cung cấp thông tin cho VKSND thành phố Hà Nội trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước...
2. Một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp về tín dụng, ngân hàng
Thứ nhất, về một số vụ việc liên quan đến phương án cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc.
Trong quá trình xét xử các vụ án tín dụng, ngân hàng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo dõi, chỉ đạo, NHNN đã chủ động rà soát hồ sơ, tài liệu, cung cấp thông tin theo chức năng, nhiệm vụ để có ý kiến gửi các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương (VKSND tối cao, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Cơ quan điều tra - Bộ Công an,...) nhằm đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về các vụ việc, vụ án trọng điểm, kiến nghị kịp thời những vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ngành Ngân hàng, NHNN cũng nhận được những phản ánh, kiến nghị của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình tham gia khởi kiện, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, thu hồi nợ vay. Trên cơ sở đó, NHNN đã rà soát các quy định liên quan, có ý kiến gửi đến TAND và VKSND có thẩm quyền, góp phần xử lý vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, áp dụng pháp luật toàn diện, thống nhất và phù hợp, hạn chế việc nội dung bản án, quyết định có thể ảnh hưởng đến trật tự quản lý, an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng hiện nay. Ý kiến của NHNN cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của VKSND các cấp.
Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, NHNN đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền liên quan phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại mua bắt buộc theo quy định. Quá trình xây dựng phương án cơ cấu lại các ngân hàng này, NHNN đã nhận được báo cáo của các ngân hàng (ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc) về một số vụ việc cụ thể đã được cơ quan tiến hành tố tụng (VKSND và TAND) các cấp giải quyết nhưng có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các ngân hàng mua bắt buộc; việc này có ảnh hưởng khá lớn đến quá trình cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc (như kéo dài thời gian cơ cấu lại, tăng thêm quy mô, thời gian thực hiện các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước) như: (i) Việc áp dụng không thống nhất thời điểm tính lãi của các khoản tiền gửi và khoản tiền vay; (ii) Việc xác định hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Trên cơ sở các vụ việc trên, VKSND tối cao, VKSND các cấp cần quan tâm, xem xét quá trình thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, về các vụ việc tranh chấp liên quan đến giao dịch bảo đảm cầm cố sổ tiết kiệm tại ngân hàng thương mại.
Thời gian qua, liên quan đến hoạt động ngân hàng, có các báo cáo của một số ngân hàng thương mại về tranh chấp sổ tiết kiệm đã được cơ quan tiến hành tố tụng các cấp giải quyết nhưng có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các ngân hàng này, cụ thể như sau: (i) Tòa án tuyên vô hiệu giao dịch cầm cố sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng nhưng do vợ hoặc chồng thực hiện là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình (Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình) liên quan đến giao dịch tiền gửi (được xác định là tài sản chung) của vợ hoặc chồng tại các ngân hàng thương mại; (ii) Tòa án tuyên ngân hàng thương mại bồi thường 100% thiệt hại trong các vụ việc mất tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng trong khi có bằng chứng xác định khách hàng có lỗi dẫn đến mất tiền gửi tiết kiệm là chưa phù hợp.
Thứ ba, về việc xác định, triệu tập đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng:
Khoản 4 Điều 688 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Trong thực tiễn, việc cơ quan tiến hành tố tụng có ý kiến về xác định tư cách đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng còn bất cập:
Qua phản ánh của một số ngân hàng thương mại cùng với quá trình phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra, tham dự các cuộc họp liên ngành trung ương thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng (cùng VKSND tối cao, Tổng cục THADS), có một số vụ việc tranh chấp được Tòa án thụ lý, giải quyết liên quan đến tài sản đang được thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ của khách hàng tại ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ việc đến khi ra quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án không xác minh thông tin tài sản để triệu tập ngân hàng thương mại (đang nhận bảo đảm) tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, nội dung của quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật đối với các tài sản bảo đảm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của ngân hàng thương mại (việc nhận thế chấp của ngân hàng thương mại là hợp pháp, ngay tình theo quy định), nên khiến việc giải quyết hậu quả pháp lý của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn, kéo dài (do việc xem xét lại bản án/quyết định của Tòa án chỉ được giải quyết theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm).
Mặt khác, việc không triệu tập đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản; quyết định, bản án không đề cập quyền lợi của người thứ ba liên quan đến tài sản bảo đảm tại ngân hàng thương mại khiến quá trình tổ chức thi hành án gặp khó khăn; Chấp hành viên, cơ quan THADS nhận được khiếu nại, tố cáo của bên thứ ba. Trên cơ sở đó, theo quy định của pháp luật thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan THADS đã hướng dẫn bên thứ ba khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, dẫn đến quá trình thi hành án thu hồi tài sản cho tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn, chậm thu hồi tài sản của khoản nợ xấu.
3. Giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa Ngân hàng và Viện kiểm sát nhân dân
Thứ nhất, về tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/2017: Nghị quyết này được kéo dài hiệu lực đối với toàn bộ nội dung đến thời điểm ngày 31/12/2023. Trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết này có hiệu quả trong thời gian tới. Theo đó, NHNN tiếp tục cần sự quan tâm, phối hợp của VKSND các cấp trong quá trình tham gia giải quyết các vụ án tín dụng, ngân hàng về các khoản nợ xấu phát sinh theo Nghị quyết số 42/2017, góp phần thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, phối hợp xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật ngân hàng: Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, rà soát Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (bổ sung dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023). Thời gian qua, NHNN đã thực hiện các quy trình theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như: Tổ chức tổng kết thi hành Luật các tổ chức tín dụng, thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (trong đó có thành viên là lãnh đạo VKSND tối cao), tổ chức lấy ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật các tổ chức tín dụng... Theo đó, NHNN tiếp tục cần sự quan tâm, phối hợp của VKSND tối cao, VKSND các cấp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án Luật các tổ chức tín dụng trình Quốc hội.
Thứ ba, đối với các vụ án, vụ việc được NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng phản ánh, kiến nghị: Để tạo cơ chế phối hợp giữa ngành Ngân hàng và ngành Kiểm sát thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế làm việc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các buổi tọa đàm, hội thảo với cơ quan Kiểm sát các địa phương, khu vực (theo địa bàn, theo chuyên đề); qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, ngân hàng, đảm bảo trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, về công tác thi hành các bản án, quyết định tín dụng, ngân hàng: Hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm qua con đường Tòa án tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan xét xử, cơ quan THADS9. Theo thống kê, kết quả THADS của cơ quan Thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng những năm gần đây ngày càng có xu hướng tăng cao về số việc, số tiền.
Do đó, NHNN tiếp tục cần sự phối hợp của VKSND trong quá trình thi hành các bản án này, đặc biệt là các bản án liên quan đến các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đang trong quá trình xây dựng phương án tái cơ cấu, nhằm giúp ngành Ngân hàng ngày càng phát triển, ổn định.