Nhận diện một số vi phạm trong ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng và giao dịch đảm bảo dẫn đến phát sinh tranh chấp

Ngày đăng : 08:00, 04/08/2023

(Kiemsat.vn) - Những năm qua, số lượng vụ án kinh doanh, thương mại liên quan đến tín dụng, ngân hàng do Tòa án hai cấp thành phố Đà Nẵng thụ lý, giải quyết gia tăng. Các tranh chấp phát sinh do một trong các bên vi phạm nghĩa vụ đã cam kết trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh; các tranh chấp cũng phát sinh về cách tính lãi, lãi phạt, lãi chậm thanh toán, trong việc tính tiền phí chậm thanh toán, tính phí dịch vụ, thẻ tín dụng, trong thế chấp tài sản…

Theo số liệu thống kê, từ 01/12/2017 đến 25/02/2023, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp thành phố Đà Nẵng đã thụ lý 570 vụ, việc kinh doanh, thương mại (KDTM) liên quan đến tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng (trong đó cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết 523 vụ, cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết 47 vụ). Hầu hết các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành đúng pháp luật, khách quan, thấu tình, đạt lý, đúng thời hạn luật định, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án KDTM trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng, VKSND thành phố Đà Nẵng đã tổng hợp, nhận diện và khái quát các dạng vi phạm phổ biến trong ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng và ký kết thực hiện giao dịch đảm bảo dẫn đến tranh chấp hợp đồng tín dụng.

1. Một số thiếu sót, vi phạm của tổ chức tín dụng

- Ngân hàng thỏa thuận về lãi phạt, lãi chậm thanh toán là “lãi chồng lãi, phạt chồng phạt” đã gây thiệt hại đến người vay tài sản.

Theo khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (Nghị quyết số 01/2019): “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”.

Tại Án lệ số 11/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 14/12/2017 có nội dung: “[5] Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ theo thỏa thuận của các bên tại khoản 5.4 Điều 5 Hợp đồng tín dụng về lãi phạt chậm trả trên số lãi chưa thanh toán “lãi phạt chậm trả là quá 10 ngày kể từ ngày đáo hạn, mức lãi phạt là 2% trên số lãi chưa thanh toán; quá 30 ngày kể từ ngày đáo hạn, mức lãi phạt là 5% trên số lãi chưa thanh toán” để chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng buộc Công ty B phải trả số tiền lãi phạt chậm trả 123.254.156 đồng là không đúng pháp luật, không được chấp nhận vì đây là lãi chồng lãi. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai sót này, vẫn giữ nguyên quyết định này của bản án sơ thẩm cũng là không đúng”.

Mặt khác, các hợp đồng tín dụng giữa các bên được xác lập trước thời điểm ngày 01/01/2017 nên theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 01/2019 được xác định như sau:

“a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả.

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng”.

- Các bên vi phạm trong hợp đồng bảo lãnh, gây nhiều khó khăn trong việc trả nợ cho ngân hàng: Thực tế có trường hợp ngân hàng đã vi phạm hợp đồng trong việc xác định người có nghĩa vụ bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, Tòa án không chấp nhận người bảo lãnh theo đơn khởi kiện của ngân hàng, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc trả nợ cho ngân hàng.

- Ngân hàng vi phạm trong việc tính tiền phí chậm thanh toán: Đây là dạng vi phạm xảy ra phổ biến hiện nay. Ví dụ: Tại khoản 1.18 Điều 1 của Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế Visa Ngân hàng A ngày 03/7/2009 quy định: “Phí dịch vụ thẻ tín dụng là các khoản phí mà chủ thẻ thanh toán cho Ngân hàng A khi sử dụng thẻ và thực hiện các giao dịch thẻ. Mức phí, loại phí sẽ do Ngân hàng A quy định theo từng thời điểm trong biểu phí dịch vụ thẻ tín dụng”. Theo biểu phí sử dụng thẻ tín dụng thì phí phạt do chậm thanh toán là 4% nhân cho khoản nợ tối thiểu còn lại.

Tại Điều 5 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ (Thông tư số 19/2016) như sau: “... Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ phải phù hợp với quy định của pháp luật...”. Theo quy định của Ngân hàng A như trên thì phí phạt do chậm thanh toán bằng 4% nhân với số tiền tối thiểu còn lại. Thực chất của khoản phí phạt chậm thanh toán này là một hình thức tính thêm lãi, trong khi đó số tiền nợ đã được sử dụng để làm căn cứ tính lãi trong hạn và lãi quá hạn. Do đó, việc tính phí phạt chậm thanh toán mà thực chất là tính thêm tiền lãi như trên không phù hợp với nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn theo Điều 12 Nghị quyết số 01/2019.

- Ngân hàng vi phạm trong việc tính phí dịch vụ thẻ tín dụng: Đây là dạng vi phạm phổ biến, mặc dù số tiền tranh chấp không lớn nhưng gây ảnh hưởng không chỉ đến quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia dịch vụ ngân hàng mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng khi ngân hàng cho rằng người tham gia dịch vụ thẻ vi phạm, hoặc người tham gia dịch vụ thẻ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.

Ví dụ: Tại mục 10.1 của Điều khoản điều kiện sử dụng thẻ và biểu phí của Ngân hàng B quy định “... Nếu số dư nợ của tài khoản thẻ tại bất kỳ thời điểm nào trong kỳ vượt quá hạn mức tín dụng đã được cấp cho tài khoản thẻ vào thời điểm đó, Ngân hàng B có quyền tính phí vượt hạn mức theo quy định tại biểu phí dịch vụ và lãi suất thẻ của Ngân hàng B tại từng thời kỳ và khoản phí này sẽ được ghi nợ vào tài khoản vào ngày sao kê theo quy định của Ngân hàng B tại từng thời kỳ”. Theo biểu phí dịch vụ thì phí vượt hạn mức là 4%/ số tiền vượt hạn mức (tối thiểu là 50.000 đồng). “Nếu chậm nhất là vào ngày đến hạn thanh toán mà Ngân hàng B không nhận được toàn bộ khoản thanh toán tối thiểu vào tài khoản thẻ thì một khoản phí chậm thanh toán (theo quy định tại biểu phí và lãi suất thẻ của Ngân hàng B tại từng thời kỳ) sẽ được ghi nợ vào tài khoản thẻ vào ngày sao kê tiếp theo ”. Theo biểu phí dịch vụ thì phí vượt hạn mức là 4%/ số tiền chậm thanh toán (tối thiểu là 200.000 đồng, tối đa 2.000.000 đồng). “Khách hàng còn phải chịu các loại phí khác theo quy định tại Biểu phí dịch vụ và lãi suất thẻ của Ngân hàng B tại từng thời kỳ”.

Điều 5 Thông tư số 19/2016 quy định về phí dịch vụ thẻ như sau: “... Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ phải phù hợp với quy định của pháp luật...”. Quy định của Ngân hàng B như trên là phí vượt hạn mức bằng 4%/ trên số tiền vượt hạn mức tại từng kỳ thanh toán; phí thanh toán trễ hạn bằng 4%/ trên số tiền thanh toán trễ hạn áp dụng đối với dư nợ cuối kỳ và được tính theo từng kỳ thanh toán. Thực chất các khoản phí này là một hình thức tính lãi, trong đó khoản phí thanh toán trễ hạn được tính bằng 4%/ kỳ thanh toán trên toàn bộ dư nợ, trong khi phần nợ gốc đã được sử dụng để làm căn cứ tính lãi; khoản phí vượt hạn mức được tính 4%/ kỳ thanh toán đối với toàn bộ số tiền vượt quá 30.000.000 đồng trong khi thực tế số tiền vượt hạn mức gồm cả số tiền nợ gốc, tiền lãi, phí cộng dồn. Do đó, việc tính lãi như trên không phù hợp với nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn theo Điều 12 Nghị quyết số 01/2019.

- Ngân hàng thẩm định không chặt chẽ tài sản thế chấp cho vay dẫn đến khó khăn trong việc thi hành án thu hồi tài sản: Thực tế có trường hợp khi cho vay tài sản, ngân hàng không xem xét, xác minh cụ thể tính pháp lý của bất động sản mà người vay thế chấp, gây rất nhiều khó khăn khi thi hành án đối với tài sản thế chấp. Do vậy trước khi cho vay thì Ngân hàng cần phải thẩm định chặt chẽ tài sản thế chấp để đảm bảo cho việc thu hồi tài sản sau này nếu có tranh chấp xảy ra.

- Ngân hàng không xác minh cụ thể thực trạng sử dụng nhà đất (là tài sản thế chấp) gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản: Thực tế có trường hợp, mặc dù tài sản thế chấp là bất động sản là đất ở, đảm bảo về mặt pháp lý, nhưng cũng cần xem xét ngoài người vay tài sản đang sử dụng làm nhà ở, thì còn có ai khác làm nhà ở trên đất đó không để đảm bảo cho tài sản thế chấp, người khác làm nhà sinh sống trên đất thế chấp có từ trước khi tài sản đưa vào thế chấp hay là xây dựng sau khi tài sản thế chấp. Thực tế có trường hợp, ngoài ngôi nhà của người vay tài sản thì trên đất đã được thế chấp, còn nhiều ngôi nhà khác của nhiều gia đình sinh sống mà khi tài sản được mang ra thế chấp thì họ hoàn toàn không biết, điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc ngân hàng thu hồi tài sản.

2. Một số sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng

Sai sót trong việc Tòa án tuyên không đúng về nghĩa vụ tiếp tục trả lãi trong quá trình thi hành án: Thực tế có trường hợp khi tuyên án đối với những vụ án KDTM về tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án không tuyên về nghĩa vụ tiếp tục trả lãi là kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận. Điều này đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ngân hàng cũng như gây khó khăn trong quá trình thi hành án (nếu có).

Theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019 thì đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, lãnh đạo của các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh thực hiện chặt chẽ thủ tục, hồ sơ cho vay đảm bảo tính khả thi trên thực tế, phát huy vai trò đầu mối phối hợp trong công tác tổng hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thứ hai, tổ chức tín dụng cần phải giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của người vay, tránh tình trạng cho vay nhưng không giám sát việc sử dụng vốn vay, bên vay sử dụng vốn không hiệu quả, không đúng mục đích; giám sát chặt chẽ cả việc quản lý và sử dụng tài sản thế chấp sau khi cho vay, nhất là đối với bất động sản, cần kiểm tra, giám sát sau khi vay bất động sản, bất động sản là đất đai thế chấp sau khi vay có bị lấn chiếm, có người đến sử dụng xây dựng thêm trên bất động sản là đất để tránh trường hợp sau khi cho vay thì bất động sản thế chấp bị biến động theo hướng bất lợi, gây khó khăn khi phát sinh tranh chấp phải phát mãi bán thu hồi tài sản cho ngân hàng.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực trình độ, đạo đức của cán bộ tín dụng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để tránh trường hợp vì tư lợi hay do suy thoái đạo đức nghề nghiệp mà cán bộ tín dụng đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vay, cấu kết thẩm định không chính xác, thẩm định không trung thực tài sản mà người vay đem thế chấp, từ đó gây khó khăn khi phát sinh tranh chấp, phải phát mãi bán thu hồi tài sản cho ngân hàng.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tín dụng phù hợp với hành lang pháp lý chung, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường là một trong những biện pháp mang tính phòng ngừa chung đối với vi phạm và tội phạm, góp phần hạn chế và ngăn chặn tiêu cực, rủi ro trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền, xử lý tín dụng đen, xử lý nợ xấu… cũng như các văn bản hướng dẫn áp dụng để vừa tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, vừa là căn cứ để các cơ quan pháp luật xử lý khi có vi phạm.

Thứ năm, cần xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm để áp dụng thống nhất pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch đảm bảo, quy định rõ ràng về hình thức và thủ tục đăng ký tránh phiền hà, mất nhiều thời gian cho khách hàng đi đăng ký.

Thứ sáu, liên ngành Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án dân sự các cấp tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác xét xử, kiểm sát xét xử, công tác thi hành án dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự; thường xuyên phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đảm bảo giải quyết kịp thời và đúng đắn các vụ việc KDTM về tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng như đảm bảo công tác thi hành án dân sự đối với các bản án KDTM trong lĩnh vực này.

Thứ bảy, các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và ngân hàng cần hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng và các văn bản tố tụng liên quan đến việc giải quyết các vụ án KDTM về tranh chấp hợp đồng tín dụng để thuận tiện trong việc tra cứu và áp dụng khi giải quyết vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Nguyễn Văn Quang (Tạp chí Kiểm sát in số 10/2023)